Đồng bằng sông Cửu Long 'đói' cát

GD&TĐ - Nguồn cát phục vụ san lấp và xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng khan hiếm. 

Sạt lở bờ sông Tiền tiến sát vào nhà dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Q. Ngữ
Sạt lở bờ sông Tiền tiến sát vào nhà dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Q. Ngữ

Việc khai thác cát quá mức dẫn đến nhiều hệ lụy như sạt lở, thay đổi dòng chảy ảnh hưởng đến sinh kế người dân.

Nguồn cát khó phục hồi

Những năm gần đây, ĐBSCL chịu tác động mạnh do biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. Tình trạng khai thác cát quá mức cũng đã làm gia tăng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Khảo sát của dự án Quản lý khai thác cát bền vững tại ĐBSCL do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF - Việt Nam) thực hiện cho thấy, mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất, toàn vùng có 621 điểm sạt lở kéo dài 610km.

Đặc biệt, lượng phù sa, bùn cát của sông Mê Kông đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Theo báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn vào năm 2040.

Kết quả khảo sát từ mùa khô năm 2022 của WWF - Việt Nam cho thấy, lượng cát ghi nhận tại Tân Châu (An Giang) là khu vực có lượng cát đổ về lớn nhất khu vực ĐBSCL. Đối với những khu vực có đụn cát ở đáy sông thì khối lượng cát vận chuyển ở đáy trung bình chỉ còn khoảng 30 m3/năm/m ngang sông.

Kết quả trên cho thấy rằng lượng cát đổ về rất hạn chế. Dòng Mê Kông đổ về sông Hậu chủ yếu là cát mịn, rất mịn lẫn bùn hữu cơ; còn ở sông Tiền mới ghi nhận có cát đổ về do nằm liền dòng chính Mê Kông.

Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Quản lý cát bền vững (WWF - Việt Nam), hiện nay có sự mất cân bằng khá nghiêm trọng trong “ngân hàng cát” ở ĐBSCL, cụ thể là âm 26,5 - 39,5 triệu tấn/năm. Trong khi khối lượng cát đổ về từ thượng nguồn chỉ từ 6,8 - 7 triệu tấn/năm nhưng lượng cát khai thác ở ĐBSCL là âm 27 - 40 triệu tấn/năm; lượng cát đổ ra biển là âm 6,5 triệu tấn/năm.

Về nguyên nhân, theo ông Hà Huy Anh, quá nhiều đập thủy điện xây dựng ở thượng nguồn dẫn đến lượng trầm tích đổ về đồng bằng giảm theo thời gian. Việc thiếu trầm tích là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụp lún, lòng sông càng ngày càng xói sâu, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng…

Một trong những nguyên nhân gây sạt lở ngày càng phức tạp ở ĐBSCL là do khai thác cát quá mức. Theo TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, sạt lở ở ĐBSCL không còn theo quy luật và xuất hiện bất cứ lúc nào. Tính đến năm 2022, ĐBSCL có 665 điểm sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 656km. Nguyên nhân chính gây sạt lở là do khai thác cát quá mức.

Dòng sông như một cơ thể sống, liền mạch từ thượng nguồn ra biển. Nếu trữ cát ở thượng nguồn thì hạ nguồn bắt đầu sạt lở. Giai đoạn gần đây cho thấy hiện tượng đáy sông bị hạ thấp rất mạnh...

Qua khảo sát, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu năm 2008 đã tăng thêm 1,3m so với thời điểm năm 1998, tương đương 90 - 110 triệu m3 trầm tích bị giảm đi từ lòng sông. Từ năm 2008 - 2016, độ sâu của sông Tiền và sông Hậu diễn ra nhanh hơn, trung bình sâu thêm 3 - 7m.

Điều này cho thấy trầm tích đang bị lấy đi khỏi lòng sông ngày càng nhiều so với giai đoạn 1998 - 2008. Đáng báo động là khoảng 66% đường bờ biển trên toàn vùng ĐBSCL đang có nguy cơ sạt lở. Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng cả về tần suất và quy mô.

Cát sông hiện là vật liệu chủ lực phục vụ san lấp, xây dựng đường giao thông, hạ tầng, mặt bằng cho các dự án nhà ở, khu công nghiệp... Ảnh: X. Lương

Cát sông hiện là vật liệu chủ lực phục vụ san lấp, xây dựng đường giao thông, hạ tầng, mặt bằng cho các dự án nhà ở, khu công nghiệp... Ảnh: X. Lương

Cần “ngân hàng cát” cho ĐBSCL

Hiện nay, cát sông là đầu vào quan trọng cho nền kinh tế của vùng ĐBSCL nhằm phục vụ cho việc xây dựng cao tốc, hạ tầng, san lấp mặt bằng cho các dự án nhà ở, khu công nghiệp... Do ĐBSCL có nền đất yếu, thi công nền đường là nhân tố quyết định nên sử dụng nguồn vật liệu cát để đắp nền là hết sức cần thiết.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu nguồn cát để thi công 400km đường cao tốc ở ĐBSCL là khoảng 39 triệu m3. Trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần 17,8 triệu m3. Nhu cầu cát của dự án (khoảng 11,1 triệu m3 trong năm 2023 và 7,4 triệu m3 trong năm 2024). Trong khi đó tổng công suất khai thác của 24 mỏ cát tại các tỉnh ĐBSCL hiện khoảng 6,17 triệu m3/năm.

Theo các nhà khoa học, khai thác cát thay vì dựa trên trữ lượng cát ở đáy sông, cần dựa trên cân bằng của ngân hàng cát để hạn chế rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, cát sông ở ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn nhưng đang cạn kiệt nhanh chóng.

Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Quản lý cát bền vững (WWF - Việt Nam), cần tiến tới xây dựng “ngân hàng cát” trên toàn ĐBSCL, đồng thời, đưa ra các khuyến cáo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác gắn với khối lượng. Ngân hàng cát sẽ cân bằng thay đổi theo thời gian giữa lượng cát đổ về ĐBSCL từ thượng nguồn, lượng cát có ở đáy sông, lượng cát khai thác, lượng cát đổ ra biển…

Kết quả tính toán ngân hàng cát sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách biết được lượng cát có thể khai thác và vị trí khai thác mà không gây ra các ảnh hưởng tiêu cực…

Cần coi cát sông là nguồn tài nguyên chiến lược để giữ gìn, bảo vệ, chứ không đơn thuần là vật liệu xây dựng thông thường như cách dùng phổ biến hiện nay. Mục tiêu quan trọng là tìm kiếm vật liệu thay thế cát sông trong xây dựng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.