Cần có ngân hàng cát cho Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Từ năm 2018 đến 2020, hoạt động khai thác cát tính riêng ở các nhánh sông của ĐBSCL đã đạt 17,77 triệu tấn/năm - lớn hơn rất nhiều so với khối lượng 6,18 triệu tấn cát bồi đắp hằng năm.

Khai thác cát tại ĐBSCL.
Khai thác cát tại ĐBSCL.

Ngày 3/3, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Tổng cục Phòng, Chống Thiên tai (TCPCTT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo “Khởi động gói tư vấn xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Theo WWF, là mái nhà chung của hơn 21 triệu dân cùng một nền đa dạng sinh học trù phú với nhiều loại động, thực vật, ĐBSCL là vựa lúa chính của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế cũng như hệ sinh thái quốc gia.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khả năng tự phục hồi của khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hoạt động của con người, như xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát ở các nhánh sông chính và phụ.

Từ năm 2018 đến 2020, hoạt động khai thác cát tính riêng ở các nhánh sông của ĐBSCL đã đạt 17,77 triệu tấn/năm - lớn hơn rất nhiều so với khối lượng 6,18 triệu tấn cát bồi đắp hằng năm. Chính những hoạt động thiếu bền vững này là nguyên nhân làm sạt lở các bờ sông Cửu Long và vùng duyên hải, khiến hơn nửa triệu người đứng trước nguy cơ mất nhà.

Khai thác cát cũng làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của khai thác cát không bền vững ở đây, làm gia tăng rủi ro hạn hán và mưa lũ, kéo theo mực nước biển dâng cao ở mức chưa từng có trước đây.

Việc khai thác cát trong 20 năm qua với số lượng ngày càng tăng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là làm xói mòn các nhánh sông, sạt lở bờ gia tăng (khoảng 500 ha/năm) đã làm vùng đồng bằng này thay đổi hình dạng.

Tại hội thảo, ông Lê Minh Chương, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tại toàn khu vực ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở khoảng 610 km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127 km; nguy hiểm 137 điểm, dài 193 km.

Nguyên nhân chính gây nên sạt lở sông và kênh là do dòng chảy đồng bằng, địa chất ven biển mềm yếu, hồ chứa thượng lưu, khai thác cát, xây dựng hạ tầng ven sông và ảnh hưởng của giao thông thủy phát triển.

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng cần cấp thiết xây dựng ngân hàng cát cho khu vực ĐBSCL và lên kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL. Cùng với đó là tìm kiếm các nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ