1. Trung Quốc "chơi đẹp" lần nữa?
Trong 4 năm qua, Trung Quốc đã ngày càng xa lánh với hầu hết láng giềng ở Nam, Đông Nam và Đông Bắc Á. Vào đầu và giữa những năm 2000, chiến lược mềm dẻo với châu Á đã giúp Trung Quốc ký được các thỏa thuận tự do thương mại mới, xây dựng đối tác với nhiều quốc gia. Nhưng đến đầu 2010, nước này đã đi theo đường hướng khác hẳn.
Họ tuyên bố chủ quyền rộng lớn ở vùng tranh chấp thuộc Biển Đông, Hoa Đông. Những tuyên bố mang đậm chủ nghĩa dân tộc đã khơi dậy những phản ứng trong khu vực hoàn toàn nằm ngoài và trái ngược với mong đợi của Bắc Kinh. Các nước từ Philippines tới Hàn Quốc hay Myanmar đều hoan nghênh sự hiện diện quân sự và ngoại giao gia tăng của Mỹ tại châu Á - phần lớn để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2013, có dấu hiệu cho thấy, chính quyền mới của ông Tập Cận Bình đã hiểu được sự cần thiết phải quay trở lại cách "chơi đẹp" ở châu Á, ít nhất là bề ngoài, để có thể trở thành một cường quốc chiếm ưu thế trong khu vực.
Không muốn nhượng bộ ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc 2014 sẽ có thể chấm dứt đối đầu công khai với các bên tuyên bố chủ quyền khác.
Đồng thời, nước này sẽ tăng cường nỗ lực để đạt được thỏa thuận tự do thương mại của mình và tiếp tục tìm sự đồng thuận với Nga, Ấn Độ cũng như các nước Trung Á.
2. Nhưng chạy đua vũ trang vẫn tiếp diễn
Đông Á đang là tâm điểm của cuộc chạy đua vũ trang ác liệt nhất thế giới. Trung Quốc tăng tốc hiện đại hóa quân sự; các quốc gia Đông Nam Á mua tàu ngầm và nhiều hệ thống vũ khí khác để bảo vệ biển đảo bị tranh chấp; Hàn Quốc và Nhật chuẩn bị khả năng đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên; Mỹ theo đuổi chiến lược "xoay trục", hướng tài sản quân sự về Thái Bình Dương.
Theo nghiên cứu, chi tiêu quân sự toàn cầu năm ngoái lần đầu tiên đã sụt giảm trong nhiều thập niên trở lại đây.
Tuy nhiên, tại châu Á, chi tiêu quân sự lại tăng mạnh trong năm qua, và năm 2014 thậm chí sẽ chứng kiến tốc độ mạnh mẽ hơn.