Đón Tết cùng trò vùng cao

GD&TĐ - Mong muốn học sinh vùng cao có cái Tết đủ đầy, phấn khởi, các thầy, cô giáo đã chủ động lo Tết cho các em.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) biểu diễn trong Lễ hội Tết mùa, liên hoan văn hóa cồng chiêng của nhà trường. Ảnh: Hà Nguyên
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) biểu diễn trong Lễ hội Tết mùa, liên hoan văn hóa cồng chiêng của nhà trường. Ảnh: Hà Nguyên

Những ngày cuối năm, “trang trại” nhỏ trong mỗi trường học được thầy, trò tất bật chăm chút để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đây cũng là nguồn thực phẩm giúp học sinh có cái Tết tươm tất.

Sẵn sàng đón Tết

Tận dụng những khoảng đất quanh khuôn viên trường để trồng rau, chăn nuôi, nhiều trường vùng cao đã mở rộng thành mô hình “trang trại” nhỏ nhằm cung cấp thực phẩm hằng ngày, giúp học sinh cải thiện bữa ăn. Những thực phẩm này vào dịp cuối năm cũng góp phần không nhỏ để trò có Tết tươm tất.

Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt lồng ghép tổ chức Tết cho học sinh gắn với hoạt động trải nghiệm. Qua đó, không chỉ để học sinh tìm hiểu nét văn hoá truyền thống mà còn tạo sân chơi bổ ích, thu hút các em đến trường”.

Cuối buổi học, từng tốp học sinh Trường THCS Ta Gia (huyện Than Uyên, Lai Châu) lại tất bật trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi nhóm một việc, từ cho lợn ăn, chăm vịt, ngan đến trồng rau, nuôi cá… các em đều làm thành thạo.

Thầy Hoàng Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Ta Gia cho biết, nhà trường tổ chức họp công đoàn và thành lập các tổ chăn nuôi. Thầy cô mỗi tổ tự bỏ vốn mua con giống, việc chăm sóc do học sinh đảm nhiệm.

Năm học này, Trường THCS Ta Gia có 527 học sinh; 108 em ở bán trú tại trường nhưng có 35 em không được hưởng chế độ của Nhà nước khi chuyển từ vùng III về vùng I. “Trước đây, chúng tôi vận động học sinh góp củi, gạo để ăn bán trú. Nhưng việc đóng góp chỉ được vài lần rồi dừng. Hiện 35 học sinh bản Hua Mỳ được nuôi toàn bộ nhờ nguồn xã hội hoá và thực phẩm từ công tác chăn nuôi, trồng trọt của gia đình”, thầy Hưng cho hay.

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Ta Gia không tổ chức cho học sinh đón Tết truyền thống mà chỉ nấu bữa cơm tất niên chia tay trước khi về nhà. “Nhà trường nuôi được 300 con ngan, hơn chục con lợn. Thịt ngan bổ sung vào bữa ăn bán trú và bán để thu hồi vốn cho giáo viên. Dự kiến ngày tổ chức bữa cơm tất niên cho học sinh toàn trường, chúng tôi sẽ mổ 1 con lợn”, thầy Hưng chia sẻ.

Không chỉ tăng gia sản xuất, với mong muốn gìn giữ, phát huy nét đẹp ngày Tết cổ truyền, nhiều trường học vùng cao còn triển khai hoạt động tái hiện không gian Tết. Qua đó giúp học sinh hiểu và trân trọng nét đẹp văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thầy Nguyễn Đắc Thuấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu), nhiều năm nay, nhà trường có kế hoạch duy trì đón Tết truyền thống cho học sinh, giáo viên. Học sinh cùng thầy cô tự tay gói bánh chưng, nấu các món ăn để buổi liên hoan thêm vui vẻ, đầm ấm trước khi nghỉ Tết.

Trường Tiểu học - THCS Ya Xiêr đóng chân trên địa bàn xã biên giới huyện Sa Thầy (Kon Tum). Dù điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà trường luôn quan tâm tới đời sống học sinh.

Thầy Lê Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Ya Xiêr chia sẻ, để học sinh đón Tết Nguyên đán trọn vẹn, thầy cô giáo cùng học sinh tập luyện, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa truyền thống. Cùng đó, trường dự định tổ chức gói bánh chưng, ủng hộ người nghèo, học sinh khó khăn..

Vườn rau của Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ sẵn sàng cho Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà Thuận

Vườn rau của Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ sẵn sàng cho Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà Thuận

Sẻ chia với trò vùng khó

Những năm qua, các trường học ở Kon Tum không chỉ chăm lo, hỗ trợ học sinh khó khăn của đơn vị mình mà còn quan tâm, sẻ chia với trò vùng khó. Mỗi trường có hình thức huy động khác nhau, nhưng chung mục đích mang tình cảm yêu thương đến học trò, giúp các em đón một mùa Xuân ấm áp.

Gió đông về, vùng rẻo cao huyện Kon Plông, Đăk Glei (Kon Tum) lạnh buốt. Những đứa trẻ co ro trong bộ quần áo mỏng manh đến trường. Mong muốn hành trình đến trường của các em ấm áp, thuận lợi hơn, nhiều trường ở thành phố Kon Tum đã hỗ trợ quần, áo ấm.

Chuyến công tác vừa qua, cô Trần Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum) mang hơn 100 áo ấm và hàng chục suất quà là nhu yếu phẩm tặng học sinh xã Măng Bút (huyện Kon Plông). Phần quà tuy không quá lớn nhưng thiết thực, ý nghĩa và đong đầy tình cảm dành cho học sinh.

Bên cạnh tặng áo ấm, nhu yếu phẩm cho học sinh, những ngày cuối năm, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã chung tay và kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ 84 thẻ Bảo hiểm y tế. Món quà này trao cho 84 học sinh khó khăn của 10 trường trên địa bàn với trị giá trên 49 triệu đồng.

Những bữa cơm có thịt từ kết quả hoạt động tăng gia của học sinh Trường THCS Ta Gia (huyện Than Uyên). Ảnh: Hà Thuận

Những bữa cơm có thịt từ kết quả hoạt động tăng gia của học sinh Trường THCS Ta Gia (huyện Than Uyên). Ảnh: Hà Thuận

“Những phần quà, nhu yếu phẩm nhà trường thường xuyên trao tặng học sinh khó khăn. Tuy nhiên, đó chỉ là hỗ trợ trước mắt còn lâu dài chúng tôi hy vọng các em đều có Bảo hiểm y tế để thuận lợi khám chữa bệnh mỗi lúc ốm đau. Khi đó, gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế”, cô Thủy tâm sự.

Ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết, dịp Tết đến Xuân về, ngành Giáo dục luôn quan tâm, chăm lo để học sinh hoàn cảnh khó khăn có cái Tết đủ đầy, vui vẻ hơn bên gia đình. Các trường nắm bắt tình hình, hoàn cảnh từng học sinh để hỗ trợ gạo, mắm muối, mì tôm và kinh phí…

Tết Nguyên đán 2024, phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường rà soát học sinh thuộc gia đình khó khăn để có giải pháp hỗ trợ. Tùy vào điều kiện từng trường sẽ có hình thức khác nhau nhưng đảm bảo thiết thực.

“Phòng GD&ĐT đã kêu gọi được hơn 50 triệu đồng để trao tặng học sinh diện hộ nghèo, khó khăn… trước Tết Nguyên đán. Thời gian tới, đơn vị hy vọng có nhiều hơn nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ học trò”, ông Hòa tâm sự.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé, Điện Biên) thay vì tổ chức Tết cho học sinh, nhà trường có những món quà động viên các em khi về nhà ăn Tết.

“Trường đông học sinh dân tộc thiểu số nên tập tục ăn Tết không giống nhau và khác thời điểm. Thay vì tổ chức Tết, nhà trường trao quà cho các em mang về nhà. Điều này cũng khiến phụ huynh, gia đình phấn khởi”, thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum) tặng quà, Bảo hiểm y tế cho học sinh trường khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Dung Nguyễn

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Kon Tum) tặng quà, Bảo hiểm y tế cho học sinh trường khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Dung Nguyễn

Trò vùng cao vui Tết sớm

Giữa sân trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Nam Giang (huyện Nam Giang, Quảng Nam) lửa đã bắt đầu bập bùng, soi rõ từng khuôn mặt háo hức của học sinh mùa lễ hội Mừng lúa mới. Sau màn đốt lửa, cồng chiêng bắt đầu rộn ràng, âm vang cả một vùng. Những bước chân của học sinh say mê theo vũ điệu tân tung, da dá.

Bên cạnh tái hiện nghi thức cúng thần linh lúa mới, học sinh các lớp có một ngày hội sôi động và giàu bản sắc văn hóa của dân tộc khi trình diễn những điệu múa đầy mê say.

Em A Viết Bảo Việt, học sinh lớp 9/2 chia sẻ: “Em thấy vui và tự hào khi đánh được cồng chiêng như các bác ở làng, thể hiện những nét đẹp trong lời ca, điệu múa dân tộc Cơ tu. Cùng tập luyện biểu diễn, chúng em có cơ hội hiểu, gần nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết. Quen hát bài hát hiện hành, giờ tập lại dân ca dân tộc mình, lúc đầu em thấy khó nhưng qua vài buổi thì quen dần và thích những lời ca lên bổng xuống trầm như lời ru của mẹ khi thơ bé”.

Để chuẩn bị chu đáo cho Ngày hội cồng chiêng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã mở lớp học múa cồng chiêng. Mục tiêu của nhà trường, được thầy Bùi Ngọc Luận cho biết là học sinh nữ ít nhất múa 4 điệu cồng chiêng căn bản, học sinh nam có thể đánh được cồng chiêng.

“Hiện các thiết chế văn hóa của đồng bào vùng cao Nam Trà My có dấu hiệu mai một, phần lớn giới trẻ không mặn mà với văn hóa cha ông. Vì vậy, nhà trường đã mời hai nghệ nhân múa cồng chiêng đến hướng dẫn trực tiếp cho các em. Chỉ sau một tháng, mỗi lớp có thể biểu diễn một số điệu múa cơ bản để tham gia lễ hội cồng chiêng”, thầy Luận thông tin.

Những ngày giáp Tết, các điểm trường lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thêm rộn ràng. Giáo viên điểm lẻ tập cho học sinh thuộc nhuần nhuyễn từng điệu múa, chuẩn bị chu đáo áo quần mới, giày dép. Học sinh nữ có nơ cài cho thêm phần xinh xắn. Tùy thuộc nguồn vận động của giáo viên, có điểm trường lẻ, mỗi học sinh được tặng một bộ áo dài truyền thống. Náo nức, hồi hộp chuẩn bị gần một tuần lễ, cô và trò điểm lẻ sẽ cùng nhau xuống điểm trường chính để “so tài” trong lễ hội vào xuân được tổ chức quy mô toàn trường.

Chia sẻ của thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập: “Ngày hội văn hóa dân gian được tổ chức trước Tết Nguyên đán là sự kiện sinh hoạt tập thể lớn của cả trường để học sinh có cơ hội làm quen dần môi trường học tập ở điểm trường chính. Các em sẽ bớt đi sự rụt rè, háo hức với không gian học tập mới, rộng lớn, đầy đủ hơn so với điểm trường ở thôn nóc. Đây cũng là cơ hội để thầy cô giáo tại các điểm trường thôn đánh giá lại hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm trước đó cho học sinh, từ đó có điều chỉnh hợp lý”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đang tất bật chuẩn bị tổ chức Lễ hội Tết mùa cho học sinh. Với hơn 90% học sinh người Xơ Đăng, nhà trường chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm lồng ghép giáo dục văn hóa bản địa.

“Để có thể tái hiện một phần không gian văn hóa bản địa, nhà trường đã mời phụ huynh, nghệ nhân, các bậc cao niên am hiểu làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, trò chơi dân gian trên địa bàn xã truyền đạt, hướng dẫn cho học sinh. Chúng tôi mong từ sân chơi này sẽ nuôi dưỡng, duy trì trong học sinh niềm tự hào vẻ đẹp văn hóa dân tộc, sau đó có ý thức gìn giữ, phát huy và bảo vệ”, thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín nói.

Năm nào chuẩn bị về nghỉ Tết cũng được thầy cô tặng quà, em Sùng Thị Ly Na - học sinh lớp 5A1, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ chia sẻ: “Em thấy rất vui khi được thầy cô quan tâm. Những món quà đó cần thiết không chỉ với em mà còn cả gia đình .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ

Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & GiftBảng giá In lịch treo tường 2025