Dồn lớp vì thiếu trầm trọng giáo viên

GD&TĐ - Các thầy, cô giáo ở 1 trường Tiểu học tại Đắk Lắk không chỉ oằn mình gánh thêm số tiết, mà còn phải dồn lớp để bảo đảm HS học đủ chương trình.

Giáo viên Trường Tiểu học Y Jút nắn nót cho học sinh từng nét chữ. Ảnh: Thành Tâm
Giáo viên Trường Tiểu học Y Jút nắn nót cho học sinh từng nét chữ. Ảnh: Thành Tâm

Soạn hàng chục giáo án

Tại điểm lẻ thôn Tân Đức thuộc Trường Tiểu học Y Jút, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), 4 cô giáo cùng đảm nhận 5 lớp học với 74 học sinh. Trong đó, lớp 5C phải học buổi chiều. Theo các cô, sở dĩ lớp 5 học buổi chiều vì không đủ giáo viên nên ưu tiên các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Dù phải soạn hàng chục giáo án cho nhiều bộ môn, nhưng cô Phan Thị Uyển Nhi vẫn vui vẻ thực hiện công việc. “Là giáo viên Âm nhạc, văn bằng 2 tiểu học, hiện tôi đảm nhận thêm nhiều môn như: Đạo đức, Mỹ thuật, Kỹ thuật. Hằng ngày phải dạy kín tiết, nhưng ở đây thầy cô nào cũng thế. Trong điều kiện thiếu giáo viên, tôi và đồng nghiệp phải tự học, rèn luyện thêm nghiệp vụ để dạy đầy đủ cho học sinh”, cô Nhi trao đổi.

Không chỉ ở điểm lẻ thôn Tân Đức, tại trường chính, do một số thầy cô nghỉ ốm, sinh con nên hiệu trưởng, hiệu phó đều phải đứng lớp, thậm chí làm chủ nhiệm. “Chúng em biết, khó khăn này là chung nên không đòi hỏi gì nhiều. Chỉ mong các cấp xem xét cho hưởng lương đúng với trình độ đào tạo (đã học đại học nhưng chỉ hưởng lương cao đẳng - PV) và hỗ trợ tiền dạy thêm giờ để đời sống bớt khó khăn và yên tâm công tác”, một cô giáo tâm sự.

Mong muốn được chi trả tiền dạy thêm giờ của giáo viên xuất phát từ việc hầu hết các cô dạy 25 tiết/tuần trở lên, trong khi đó, định mức là 23 tiết/tuần. Đáng nói, nhiều năm nay, việc dạy dư tiết của giáo viên không được chi trả hay hỗ trợ thêm.

Lý giải về điều này, thầy Nguyễn Đức Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút cho biết, tình trạng thiếu giáo viên khá trầm trọng. Tập thể sư phạm buộc phải động viên nhau “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” với mong muốn, tất cả học sinh được học đủ số tiết, môn học theo quy định.

“Năm học này, toàn trường có 315 học sinh, biên chế 15 lớp/15 giáo viên. Trong đó, điểm chính có 10 lớp, điểm lẻ 5 lớp. Để bảo đảm học sinh được học, chúng tôi phải dồn lớp tại điểm chính”, thầy Hùng nói.

Trường Tiểu học Y Jút đã nhập 6 lớp thành 3. Điểm chính còn 7 lớp, có lớp sĩ số lên tới trên 50 em. Điều này khiến việc tổ chức lớp học thay đổi. Các dãy bàn học kê sát nhau và tràn lên bục giảng. Thầy cô muốn quan sát, cầm tay uốn nắn chữ viết cho học sinh khó khăn, thậm chí không thể với tới học sinh ngồi góc lớp. Theo thầy Hùng, đây là bài toán về chất lượng mà mỗi ngày giáo viên phải tính toán, nỗ lực tháo gỡ nhằm bảo đảm “không em nào bị bỏ lại phía sau”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thiếu giáo viên còn bị điều chuyển

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắc, Trường Tiểu học Y Jút thiếu trầm trọng giáo viên, nhưng mới đây, Phòng Nội vụ đã tham mưu điều chuyển 1 giáo viên đến trường khác.

Cụ thể, trường thiếu 7 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên tiếng Anh. Song lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc lại ký quyết định điều động cô Trần Thị Phương Dung, giáo viên Âm nhạc (văn bằng 2 đại học tiểu học) đến nhận công tác tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Ea Knuếc).

Đáng nói, thời điểm cô Dung nhận nhiệm vụ, Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám thừa 1 giáo viên tiểu học. Vì vậy xảy ra chuyện “dở khóc, dở cười”, cô Dung phải đến dạy tại Trường Tiểu học Lê Lợi (trường cùng xã với Trường Tiểu học Y Jút - PV).

Lý giải điều này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám cho rằng, trước đây cô Dung dạy ở Trường Tiểu học Y Jút; nhà trường cũng không thiếu giáo viên Âm nhạc nên phải phân công cô dạy trường khác nhằm san sẻ gắng nặng thiếu giáo viên tiểu học theo chủ trương của Phòng GD&ĐT huyện.

“Dù dạy ở trường khác, nhưng chúng tôi vẫn là đơn vị chi trả lương cho cô Dung”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.