Thanh Hóa thiếu giáo viên dạy môn tích hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước yêu cầu của Chương trình GDPT mới, hầu hết các trường THCS tại Thanh Hóa đều thiếu giáo viên lớp 6, 7 và 8, đặc biệt các môn tích hợp.

Cô Nguyễn Thị Mai trong giờ giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Cù Chính Lan.
Cô Nguyễn Thị Mai trong giờ giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Cù Chính Lan.

Vì vậy, ngoài tăng tiết, nhiều trường phải bố trí giáo viên dạy kiêm môn, trái ban.

Dạy kiêm môn, tăng tiết

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) có thêm 7 lớp 6, nâng tổng số lớp của nhà trường lên 15, với hơn 700 học sinh. Trong số này, có 13 lớp theo Chương trình GDPT 2018, bao gồm khối 6, 7 và 8.

Cô Lê Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng - cho biết, căn cứ theo Quyết định 3185/QĐ-UBND, ngày 23/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà trường đang thiếu 8 giáo viên gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Mỹ thuật và Tin học. Riêng các môn tích hợp theo chương trình mới, trường đang thiếu 1 giáo viên môn Khoa học tự nhiên và 1 giáo viên phân môn Địa lý.

“Giải pháp trước mắt, nhà trường phải điều chỉnh tăng số tiết đứng lớp của giáo viên từ 23 lên 26 tiết/tuần. Đồng thời, nâng số tiết đứng lớp của hiệu trưởng và hiệu phó để đảm bảo chương trình. Hiện, hiệu trưởng đứng 4 tiết/tuần, hiệu phó là 10 tiết mỗi tuần”, cô Hoa cho hay.

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời trong năm học mới. Về lâu dài, nhà trường trông chờ vào việc bổ sung giáo viên theo biên chế để đảm bảo yêu cầu chương trình mới. Đối với môn tích hợp, nhà trường chỉ có 1 giáo viên giảng dạy được 2 phân môn, còn lại giáo viên ở phân môn nào vẫn đảm trách phân môn đó.

Tại Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) hiện thiếu 1 giáo viên giảng dạy môn tích hợp môn Lịch sử và Địa lý. “Trước mắt, nhà trường phải điều động giáo viên dạy trái ban. Cụ thể, giáo viên Văn hoặc Sử dạy thêm phân môn Địa lý, trung bình mỗi giáo viên dạy khoảng 3 - 4 tiết/tuần. Với môn Khoa học tự nhiên, trường đang đủ”, cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng chia sẻ.

Theo cô Hà, năm học 2023 - 2024, Trường THCS Minh Khai có thêm 9 lớp 6 với 415 học sinh, nâng tổng số học sinh toàn trường lên 1.500 em. Trong khi đó, trường có 58 giáo viên trực tiếp đứng lớp/63 cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường.

Học sinh lớp 7A1, Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) trong giờ học môn Khoa học tự nhiên.

Học sinh lớp 7A1, Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) trong giờ học môn Khoa học tự nhiên.

Đề xuất bổ sung giáo viên

Trường THCS Quảng Thành (TP Thanh Hóa) đã có Tờ trình gửi UBND TP Thanh Hóa, Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa về việc bổ sung biên chế giáo viên cho năm học 2023 - 2024. Theo Tờ trình, năm học này, trường có 19 lớp/900 học sinh, chuyển quy mô từ trường hạng III lên hạng II. Vì vậy, gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên.

Cô Lê Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thành - cho biết: Nếu căn cứ theo Quyết định 3185/QĐ-UBND, ngày 23/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà trường thiếu 11 giáo viên các môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Mỹ thuật, Ngữ văn và Giáo dục thể chất.

Sau khi làm Tờ trình gửi UBND TP Thanh Hóa, nhà trường vừa được thành phố phân bổ 3 giáo viên môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Ngoài ra, để đảm bảo dạy học theo chương trình mới, nhà trường buộc phải hợp đồng với 6 giáo viên.

“Hiện, trường còn thiếu giáo viên Mỹ thuật và Giáo dục thể chất. Chúng tôi mong muốn UBND TP Thanh Hóa sớm bổ sung thêm biên chế giáo viên để đảm bảo chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới”, cô Huyền nói.

Theo cô Huyền, với các môn tích hợp, nhà trường đang bố trí giáo viên dạy liên môn theo ban. Nghĩa là, giáo viên ban Khoa học xã hội sẽ đảm trách môn Lịch sử và Địa lý; giáo viên ban Tự nhiên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên. “Dù còn nhiều khó khăn và bất cập, song đây là giải pháp tối ưu để ổn định phân công chuyên môn cũng như nền nếp dạy học cho nhà trường”, cô Huyền nói.

Cô Nguyễn Thị Mai - giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) cho biết: Năm học này được phân công 25 tiết/tuần, trong đó có 20 tiết thực dạy, còn lại kiêm nhiệm. “Với số lượng tiết được phân công như hiện nay, gần như ngày nào tôi cũng có mặt ở trường. Còn chưa kể công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh. Dù áp lực, song tôi và đồng nghiệp vẫn sẵn sàng để đảm bảo yêu cầu chương trình”, cô Mai nói.

Theo cô Mai, khó khăn lớn của môn tích hợp là không phải giáo viên nào cũng giảng dạy được cả 3 phân môn. Vì vậy, giải pháp hiện nay đó là giáo viên phân môn nào sẽ dạy phân môn đó. “Với môn tích hợp, việc giáo viên môn nào giảng dạy môn đó cũng tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, phải kể tới việc lên kế hoạch dạy học và đổi thời khóa biểu. Năm học trước, chúng tôi phải thay đổi thời khóa biểu đến 3 lần để điều chỉnh số tiết mỗi giáo viên dạy ở các lĩnh vực”, cô Mai chia sẻ thêm.

Ông Lê Thanh Đồng - quyền Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa - cho biết: Hiện, thành phố thiếu 170 giáo viên các môn văn hóa cho năm học mới. Để đảm bảo chương trình, Phòng đã đề xuất trong các cuộc họp của thành phố về việc bổ sung biên chế giáo viên. “Giải pháp trước mắt cho năm học mới vẫn là tăng số tiết thực dạy của giáo viên. Đồng thời, tìm nguồn để hợp đồng, đảm bảo yêu cầu chương trình mới”, ông Đồng thông tin.

Báo cáo tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: Số giáo viên biên chế các cấp của địa phương là hơn 40 nghìn người. So với định mức của tỉnh còn thiếu gần 7 nghìn giáo viên. Tuy nhiên, nếu so với định biên của Bộ GD&ĐT, Thanh Hóa thiếu hơn 10 nghìn giáo viên. Nguyên nhân thiếu giáo viên, theo ông Thức là do số biên chế giáo viên tỉnh được giao thấp hơn định mức, trong khi hàng năm vẫn phải cắt 10% biên chế theo Nghị quyết 19 của Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ