Hơn 500 giáo viên nghỉ việc
Theo số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có 742 trường học (393 trường công lập, 349 trường ngoài công lập) với tổng số 527.102 học sinh các cấp, tăng gần 30.000 em so với năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua (từ tháng 1/2021 đến 4/2022), toàn tỉnh ghi nhận 527 giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Số học sinh tăng lên, giáo viên nghỉ việc cũng tăng khiến ngành GD-ĐT tỉnh này đối mặt với khó khăn, thiếu trầm trọng người dạy. Dự kiến năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh thiếu 3.102 giáo viên, nhiều nhất là khối THCS với 1.305 người, cấp tiểu học cần 1.207 người, THPT cần 118 giáo viên, còn khối mầm non thiếu 465 cô.
Nói về nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, TS Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương - cho rằng: “Do lương của giáo viên chưa trang trải được cuộc sống. Tình trạng thiếu giáo viên là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”.
Ông Lê Minh Vũ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Bến Cát - cho biết, hiện địa phương còn thiếu 512 người, gồm 58 GV mầm non, 274 GV tiểu học, 180 GV THCS. “Hiện, GV thiếu trầm trọng, đặc biệt là giáo viên mầm non tuyển không ra, vì phần lớn các cô chọn làm ở trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc cũng thiếu. Thậm chí, phòng đăng tuyển 3 giáo viên Địa lý mà đã hết thời gian nhưng không có hồ sơ nộp vào...”, ông Lê Minh Vũ chia sẻ.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT TP Thuận An (Bình Dương), trong năm học 2022 - 2023, toàn thành phố từ giáo dục mầm non đến THPT có 156 trường và 180 nhóm, lớp mầm non độc lập với 2.619 lớp và 109.011 học sinh, dự kiến tăng 114 lớp và 7.324 học sinh so với năm học 2021 - 2022. Riêng giáo dục thường xuyên dự kiến năm học 2022 - 2023 có 25 lớp và 1.000 học sinh, giảm 1 lớp 9 và tăng 60 học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, 100% các trường từ mầm non đến THPT đủ phòng học đáp ứng nhu cầu năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, do số lượng học sinh tăng nhanh, dẫn đến quá tải nên ngành Giáo dục TP Thuận An giảm số lớp học 2 buổi/ngày để bảo đảm cho học sinh được đến trường.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thuận An - cho biết, thời gian qua TP có 82 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS nghỉ việc. Hiện Thuận An thiếu 760 giáo viên nhưng vừa qua chỉ tuyển dụng được 225. Số giáo viên còn lại phải hợp đồng ngắn hạn. Trong đó, nguồn hợp đồng bị thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non.
“Nhà trường phải chờ nguồn phân công về và cùng với ngành tìm kiếm giáo viên để hợp đồng, còn quyết định là UBND TP ký, phòng GD&ĐT chỉ phân công...”, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân cho biết.
TS Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương (bìa phải) trong đợt đi kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 trên địa bàn tỉnh. |
Chi viện qua lại, dồn lớp, tăng tiết...
Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, TS Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, ngành GD-ĐT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện tuyển dụng theo phân cấp quản lý, tiếp tục ký hợp đồng với viên chức, nhân viên còn thiếu sau khi tuyển dụng; tiếp tục phân công giáo viên dạy thêm giờ, thỉnh giảng.
“Sở tiếp tục tuyển dụng và xây dựng cơ chế của địa phương hỗ trợ cho giáo viên. Cũng như các tỉnh, thành khác, Bình Dương thiếu nguồn dự tuyển giáo viên, đặc biệt là khối mầm non và tiểu học. Giải pháp trước mắt để không ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng năm học mới là hợp đồng giáo viên theo biên chế được giao...”, TS Nguyễn Thị Nhật Hằng chia sẻ.
“Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới có những môn mới đưa vào giảng dạy như Nghệ thuật, giáo viên còn hạn chế. Vì vậy cần có chính sách đặc thù để thu hút, đào tạo giáo viên cho môn học này đáp ứng yêu cầu...”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương nêu ý kiến.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thuận An - cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt các trường trên địa bàn buộc phải phân công tăng giờ, tăng tiết, đồng thời, huy động hợp đồng từ nhiều nơi ở những môn, bậc học thiếu giáo viên...
“Nhà trường không có thẩm quyền nên chờ phân công giáo viên. Một số trường tiểu học như Lương Thế Vinh, An Thạnh, Bình Nhâm..., thành viên ban giám hiệu cũng được tăng cường đứng lớp... Về lâu dài cần tăng nguồn đào tạo giáo viên, đồng thời có chế độ chính sách hỗ trợ GV, nhất là giáo viên mầm non...”, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thuận An nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường trên địa bàn thị xã Bến Cát tăng cường dạy hợp đồng, tăng tiết, chi viện qua lại, dồn lớp nên mỗi lớp có 45 học sinh trở lên (thậm chí có lớp gần 50 HS).
“Về lâu dài, ngành Giáo dục cần xem lại lương, thu nhập của giáo viên. Công nhân trên địa bàn bây giờ thu nhập cũng 7, 8 triệu đồng/tháng, trong khi giáo viên trường công lập lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, còn giáo viên các cơ sở ngoài công lập thì 7 - 8 triệu đồng/tháng trở lên...”, ông Lê Minh Vũ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Bến Cát nói.
“Ngành GD-ĐT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện tuyển dụng theo phân cấp quản lý, tiếp tục ký hợp đồng với viên chức, nhân viên còn thiếu sau khi tuyển dụng; phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên...” - TS Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương thông tin.