Đơn kiện các sĩ quan Đức sau cuộc ghi âm bí ẩn nguy cơ gây ra Thế chiến 3

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giới chức Moscow công bố tình báo Nga đã chặn thu được cuộc trao đổi thông tin tuyệt mật có thể khiến nhân loại sa vào cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ 3.

Đơn kiện các sĩ quan Đức sau cuộc ghi âm bí ẩn nguy cơ gây ra Thế chiến 3

Giới truyền thông Berlin cho biết, một vụ kiện đã được đệ trình chống lại các sĩ quan Quân đội Đức (Bundeswehr) tham gia thảo luận về các cuộc tấn công vào cây cầu Kerch nối lục địa Nga với bán đảo Crimea, bằng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Taurus Kepd 350 của nước này.

Theo đó, đại diện của đảng “Free Saxony” đã đệ đơn kiện lên Văn phòng Tổng công tố Đức chống lại những sĩ quan lên kế hoạch tấn công cầu Crimea.

Theo họ, hành động của quân nhân thuộc Điều 13 của Bộ luật Hình sự Quốc tế của Cộng hòa Liên bang Đức về “Tội ác xâm lược”.

Tuyên bố của đảng này nêu rõ, một cuộc tấn công vào Cầu Crimea có sự tham gia của Đức sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại Nga, nó không chỉ khơi mào cho “Chiến tranh Nga-Đức”, mà thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ ba.

Đảng “Free Saxony” tin rằng, chính nước Đức sẽ phải gánh chịu hậu quả vì một cuộc tấn công vào cây cầu sẽ tạo ra mối đe dọa về hành động quân sự trả đũa từ Moscow, không thể loại trừ nguy cơ nước Đức phải hứng chịu một đòn đánh hạt nhân trả đũa.

Theo quy định của luật pháp Đức, nếu bị tuyên là có tội, các sĩ quan tham gia cuộc họp video tai tiếng phải đối mặt với mức án tối thiểu là mười năm tù.

Nội dung chính của cuộc thảo luận

Trước đó, Tổng Biên tập RT là bà Margarita Simonyan tuyên bố, bà có trong tay đoạn ghi âm 40 phút về cuộc trao đổi “rõ ràng và chính xác” của các quan chức Quân đội Đức về âm mưu tấn công cầu Kerch nối lục địa Nga với bán đảo Crimea. Bản ghi này do Cơ quan tình báo Nga cung cấp.

Theo đó, một nhóm quan chức cấp cao của Bundeswehr đã thảo luận về các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào cây cầu Crimea, đúng ngày Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định “NATO không và kiên quyết không can dự vào cuộc xung đột Ukraine”.

Tổng biên tập của RT nói rằng, cuộc trò chuyện giữa các đại diện Bundeswehr diễn ra vào ngày 19/02 năm nay, với sự tham gia của Giám đốc Tác chiến và Diễn tập của Bộ Tư lệnh Không quân Graefe, Thanh tra Không quân Gerhartz và các nhân viên của Trung tâm Điều hành Không quân Fenske và Frostedte.

Trong đoạn ghi âm, các sĩ quan Quân đội Đức đã tiết lộ sự hiện diện của chuyên gia quân sự Mỹ và Anh ở Ukraine, xác nhận cáo buộc của Nga về việc các sĩ quan NATO đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột trong một thời gian dài.

Đồng thời, một trong các sĩ quan đề cập đến chuyến đi dự kiến ​​tới Ukraine vào ngày 21/2 để “phối hợp tấn công các mục tiêu ở Nga”.

Đặc biệt, các sĩ quan đã thảo luận về khả năng chuyển 100 tên lửa hành trình tối tân của Đức là Taurus Kepd 350 sang cho Kiev thành hai đợt, vì nếu chỉ sử dụng “10-20 tên lửa sẽ không đủ để làm hư hại nghiêm trọng cây cầu”.

Theo đó, các vụ phóng tên lửa được cho là sẽ được thực hiện từ máy bay chiến đấu Dassault Rafale và mọi công tác chuẩn bị sẽ mất không quá 8 tháng. Thế nhưng Lực lượng Không quân Ukraine không hề có loại máy bay chiến đấu tối tân của Pháp.

Hai khả năng đều có nguy cơ dẫn tới Thế chiến 3

Theo chuyên gia Nga, tiết lộ trong đoạn ghi âm này đã để ngỏ 2 khả năng: Một là NATO trực tiếp tham chiến chống lại Nga với việc Pháp sử dụng máy bay Rafale lắp tên lửa Đức để tấn công cầu Crimea; Hai là: NATO nâng cấp mức độ cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng các vũ khí hiện đại nhất và tên lửa tầm xa nhất.

Nếu khả năng thứ nhất xảy ra, chắc chắn nhân loại sẽ sa vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3 vì lúc đó Nga sẽ phải đối đầu với liên minh quân sự mạnh nhất thế giới gồm hơn 30 quốc gia và Moscow sẽ không ngần ngại sử dụng tất cả những vũ khí mình có trong tay, kể cả vũ khí hạt nhân.

Còn khả năng thứ 2 cũng có nguy cơ gây ra Chiến tranh Thế giới Thứ 3 rất cao, bởi khi đó Đức và NATO đã vi phạm Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), quy định quốc gia xuất khẩu không được bán ra ngoài các loại vũ khí tấn công có tầm bắn trên 300km.

Hơn nữa, một khi các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine tất cả các vũ khí hiện đại nhất thì Nga cũng sẽ tung các vũ khí chiến lược của mình tham chiến, điều động vũ khí hạt nhân đến Belarus và Kaliningrad, cung cấp vũ khí tầm xa cho các nước đối địch với phương Tây.

Nếu khả năng này xảy ra, thậm chí thế giới còn rối ren hơn, khủng hoảng địa-chính trị sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu, các lò lửa chiến tranh sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực hay chiến tranh thế giới thứ 3 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ