Đội ngũ giáo viên Lịch sử trước yêu cầu mới: Cần thiết phải đào tạo lại

GD&TĐ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Không quan tâm đến đội ngũ giáo viên, sự nghiệp đổi mới GD - ĐT sẽ không có kết quả”. Sự quan tâm đó phải được hiểu theo nghĩa rộng cả về đời sống vật chất và tinh thần, cả quyền lợi và trách nhiệm. Đào tạo lại đội ngũ giáo viên là thể hiện sự quan tâm đó.

Một buổi tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử của giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội)
Một buổi tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử của giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội)

Không ít giáo viên còn phụ thuộc vào SGK?

Thực tiễn chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay, nhất là ở bậc THCS chưa đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới giáo dục. Điều đó có nguyên nhân ngay từ công tác đào tạo giáo viên ở các trường cao đẳng sư phạm.

Theo PGS.TS Trịnh Đình Tùng- giảng viên Khoa Lịch sử- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Trước đòi hỏi của yêu cầu mới, phải chuyển đổi triết lí dạy học lịch sử theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực của học sinh.

Chương trình SGK phải được xây dựng, biên soạn lại. Phải đổi mới đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, phải tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như tổ chức nhóm, dạy học theo dự án, dạy học trải nghiệm...

Những vấn đề trên không chỉ dừng lại trong các hội nghị mà đã được tập huấn cho đội ngũ giáo viên, được triển khai trong thực tiễn dạy học cũng như thu hút được sự quan tâm nghiên cứu giải quyết của đông đảo giáo viên, của các nhà khoa học, nhà sử học.

Vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất khiến chất lượng giảng dạy môn Lịch sử vẫn chưa được cải thiện đó là chất lượng của đội ngũ giáo viên còn chưa đạt yêu cầu. Khâu đột phá trước tiên để chuyển biến môn học phải là đội ngũ giáo viên, nâng cao vị trí, vai trò của người thầy với bộ môn.

Chất lượng dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông sẽ được nâng lên nếu chúng ta có được đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn (giỏi về khoa học lịch sử), tinh thông về nghề nghiệp (có phương pháp dạy học đúng đắn), đam mê với nghề (nhiệt tình, trách nhiệm), hiểu rõ đối tượng học sinh (đáp ứng đúng nhu cầu học tập của các em).

Chỉ khi nào người giáo viên nắm vững được kiến thức lịch sử mới đủ tự tin điều khiển lớp học, mới trả lời được câu hỏi dạy cái gì cho học sinh, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Yêu cầu này không chỉ được hình thành trong quá trình đào tạo ở trường sư phạm mà còn phải được bồi dưỡng thường xuyên trong quá trình tự học.

Ông Tùng nhận định: Điều đáng tiếc là hầu hết giáo viên của chúng ta chưa đạt được yêu cầu này. Điều đó có cả nguyên nhân đào tạo ở các trường sư phạm, có cả việc giáo viên tự bằng lòng với kiến thức đã được trang bị ở trường đại học mà không tự bồi dưỡng, tự học thường xuyên để nâng cao trình độ.

Giáo viên lịch sử ở trường THCS hầu hết được đào tạo tại trường CĐSP với mục tiêu là dạy hai môn, hoặc Văn- Lịch sử hoặc Lịch sử- Địa lí hoặc Lịch sử- GDCD. Họ chỉ được đào tạo những vấn đề cơ bản về khoa học lịch sử và phương pháp dạy học. Kiến thức mà họ được trang bị chưa đủ để tổ chức dạy học theo yêu cầu đổi mới.

  • PGS.TS Trịnh Đình Tùng- giảng viên Khoa Lịch sử- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Đối với giáo viên Lịch sử ở trường THPT, mặc dù được đào tạo chỉ để dạy môn Lịch sử với thời lượng 4 năm song chất lượng không đồng đều, chưa đạt chuẩn cả về chuyên môn và nghiệp vụ. Điều đó có nguyên nhân từ việc chúng ta đã mở quá nhiều trường sư phạm mà trong đó có nơi chưa đủ đội ngũ giảng viên, chưa có kinh nghiệm đào tạo. Không ít giáo viên dạy môn Lịch sử chỉ biết trình bày lại kiến thức có trong SGK.

Tổ chức đào tạo lại sao cho hiệu quả

Cũng theo PGS.TS Trịnh Đình Tùng, công tác bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ giáo viên Lịch sử là hết sức cần thiết. Vấn đề đặt ra là bồi dưỡng đào tạo lại sẽ được tổ chức thế nào cho hiệu quả.

Việc bồi dưỡng giáo viên thường xuyên hay theo chu kì vẫn được nhiều Sở GD&ĐT tổ chức. Song công việc này hiện vẫn đang trong tình trạng trăm hoa đua nở, mỗi địa phương lại có cách thức tổ chức khác nhau. Nơi thì do các giáo viên cốt cán ở địa phương báo cáo, tập huấn. Nơi thì mời các nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy ở trường đại học về bồi dưỡng.

Thời gian, cách thức tiến hành, hình thức tổ chức, nội dung chuyên đề bồi dưỡng cũng khác nhau. Vì vậy, hiệu quả của công tác bồi dưỡng giáo viên nhiều năm qua chưa hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến của giáo viên sau mỗi lần bồi dưỡng. Vì vậy, cần tổ chức đào tạo lại đội ngũ giáo viên một cách bài bản hơn cả về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện, kiểm tra đánh giá.

Về hình thức, để đáp ứng những thay đổi lớn về chương trình, SGK theo hướng phát triển năng lực học sinh, không thể chỉ là dưới dạng tập huấn bồi dưỡng mà phải đào tạo lại.

Nếu các đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường chỉ diễn ra từ 3 - 4 ngày, mỗi trường cử từ 1 đến 2 giáo viên cốt cán về bồi dưỡng lại cho những người không đi bồi dưỡng thì việc đào tạo lại phải được thực hiện dài ngày hơn, có khi cả tuần hay 2 tuần.

Tất cả các giáo viên phải được đào tạo trực tiếp mà không phải thông qua giáo viên cốt cán. Đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy các lớp đào tạo lại ở địa phương phải được tuyển chọn trong phạm vi cả nước.

Cần tránh tình trạng trường đại học ở khu vực nào, tỉnh nào lại chịu trách nhiệm đào tạo lại giáo viên ở khu vực đó, tỉnh đó. Nếu làm như vậy rất dễ dẫn đến hiện tượng kiến thức của các đợt đào tạo lại không có gì mới, vẫn chủ yếu là các thầy cô đã dạy ở bậc đại học.

Những giảng viên của các lớp đào tạo lại phải thực sự là những chuyên gia về các lĩnh vực, nội dung đào tạo. Việc tổ chức các lớp đào tạo phải được kiếm tra, đánh giá. Học viên tham gia các lớp đào tạo lại sẽ phải làm các bài kiểm tra, được cấp chứng chỉ của kì học.

Về nội dung, các đợt đào tạo lại đối với giáo viên lịch sử cần được chú ý cả về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Xuất phát từ những thay đổi về chương trình, SGK, từ những thành tựu của khoa học lịch sử cũng như thành tựu về lí luận và phương pháp dạy học Lịch sử, các chuyên gia sẽ xây dựng các chuyên đề, viết tài liệu để học viên nghiên cứu trước khi học tập.

Về phương pháp tiến hành, nếu các đợt tập huấn, bồi dưỡng thường được tổ chức ở hội trường lớn lên đến trăm người, cách thức thường là giảng viên báo cáo, học viên chỉ nghe rồi ghi chép, hiệu quả thường không cao thì đối với việc đào tạo lại phải được tổ chức thành nhiều lớp nhỏ, nên chỉ khoảng 30 - 40 học viên.

Phương pháp đào tạo cũng cần phải thay đổi, lấy trao đổi, thảo luận giữa các học viên, giáo viên với học viên làm cách thức tiến hành chính. Cần tăng cường tương tác giữa giảng viên với học viên. Đương nhiên vẫn phải dành thời gian thỏa đáng để giảng viên cung cấp những thành tựu mới của môn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ