Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ ba

GD&TĐ - Hôm nay 15/12, Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ ba nhiệm kì 2017-2022, bầu ban chấp hành trung ương hội.

Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ ba

Trong báo cáo trình bày tại Đại hội, PSG.TS Trịnh Đình Tùng- Tổng thư kí Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam cho biết: Hội giáo dục lịch sử là hội chuyên ngành thuộc Hội khoa học lịch sử Việt Nam, được thành lập vào tháng 5/1996.

Chức năng nhiệm vụ của hội là truyền bá kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ, trước tiên là học sinh trong các trường phổ thông. Hội viên của hội là giáo viên giảng dạy lịch sử ở trường phổ thông trong cả nước.

Trong nhiệm kì lần thứ hai, các hội viên của hội đã có những đóng góp nhất định trong việc nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường phổ thông.

Hội đã nghiên cứu hoàn thiện lí luận về phương pháp dạy học lịch sử, xác định được nhiều vấn đề có mối liên hệ với việc nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử ở trường phổ thông hiện nay. Bộ giáo trình Phương pháp dạy học lịch sử do cán bộ trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn được dùng cho nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước.

Hội đã tích cực tham gia các hội thảo khoa học do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ GD&ĐT tổ chức. Hội Giáo dục lịch sử đã kết hợp với Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Dạy học lịch sử ở trường phổ thông và vấn đề tự học lịch sử của học sinh" với sự tham gia của đông đảo các nhà lí luận dạy học, các giáo viên lịch sử trong cả nước.

Hội viên của hội ở các địa phương là lực lượng nòng cốt trong việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương trong nhà trường. Giảng dạy lịch sử địa phương là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình môn lịch sử ở trường phổ thông. Có thể nói, đây là đóng góp lớn của những người làm công tác giáo dục lịch sử trong cả nước.

Ra mắt Ban chấp hành Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam nhiệm kì 2017-2022

Hàng năm, Hội đã tích cực tham gia các hoạt động với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT thông qua các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên như: Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học lịch sử, Nội dung và phương pháp dạy học lịch sử ở trường chuyên, Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh... Qua đó, chất lượng giáo dục lịch sử được nâng lên.

Trong 21 năm hoạt động, tuy đã có những đóng góp nhất định trong việc truyền bá tri thức lịch sử cho thế hệ trẻ nhưng Hội chưa đạt được những kì vọng của các hội viên, của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng như của xã hội.

Bởi vậy trong nhiệm kì III, đại hội đề ra những phương hướng hoạt động để khẳng định được vai trò và vị trí của mình, tập trung vào những nội dung: Tiếp tục củng cố và hoàn thiện công tác của tổ chức hội. Tích cực, chủ động tham gia vào công cuộc đổi mới toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng.

Cùng với Trung ương hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các nhà sử học, phát huy vai trò trong việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa, có những hoạt động cụ thể để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay.

Đại hội đã bầu ra 35 ủy viên Ban chấp hành Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam nhiệm kì 2017-2022 với thành phần là các giảng viên, giáo viên dạy lịch sử ở các trường đại học, các trường phổ thông trong cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ