Đổi mới từ chương trình đến sách giáo khoa

GD&TĐ - Trong nhiều năm qua, giáo dục nghệ thuật (GDNT) đã có những chuyển biến tích cực và thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều người đặc biệt là phụ huynh và học sinh. 

Đổi mới từ chương trình đến sách giáo khoa

Từ chỗ các môn GDNT không có trong chương trình phổ thông đến chỗ trở thành môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học và THCS. Từ chỗ đội ngũ giáo viên (GV) chỉ có ít ỏi vài ba trăm người đến nay con số đã lên hàng vạn. Từ chỗ GV Nghệ thuật chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng (CĐ) đến nay đã có trình độ CĐ, ĐH và một số không nhỏ là thạc sĩ, tiễn sĩ.

Chương trình sách giáo khoa về các môn nghệ thuật cũng được biên soạn một cách bài bản. Phương pháp giảng dạy có nhiều cải tiến mới…

Cần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy

Theo Nhạc sĩ Hoàng Lân – Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: Cần đổi mới nội dung chương trình. Ngoài ưu điểm về tính khoa học, tính phổ cập, tính thực tiễn mà hiệu quả nhiều người, đã ghi nhận vẫn cần nói rằng trong chương trình có một số kiến thức lý thuyết không cần nặng nề.

Về phương pháp giảng dạy, mặc dù đã có nhiều cải tiến song với cách giảng dạy hiện nay ở khu vực phổ thông hoặc sư phạm chưa có những đột biến thay đổi cơ bản. Người dạy do hạn chế về năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nên không đủ sức hấp dẫn người học.

Về công tác đào tạo cũng còn nhiều hạn chế. Phải nói rằng chất lượng cảu giáo dục phổ thông phụ thuộc rất lớn ở chất lượng người thầy được đào tạo như thế nào. Đây là nhiệm vụ của các trường sư phạm. Tình trạng đào tạo tràn lan thời gian vừa qua thật đáng suy nghĩ. Thời gian qua các địa phương đã mở ra quá nhiều trường, dẫn đến tình trạng đào tạo dư thừa. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc SV ra trường không tìm được việc làm.

Từ thực tế trên, Nhạc sĩ Hoàng Lân đã đưa ra những đề xuất kiến nghị: Về đổi mới chương trình sách giáo khoa, các nhà biên soạn cần phải nắm bắt rất vững thực tế phổ thông, hiểu phổ thông, sát phổ thông để khỏi đưa ra những nội dung ý tưởng xa vời, phi thực tế.

Đối với giáo dục âm nhạc ở cấp Tiểu học cần chú ý cho các em tiếp cận với tiết tấu nhiều hơn qua các nhạc cụ gõ đơn giản. Đối với cấp Trung học phổ thông phải chú ý về thưởng thức âm nhạc và việc phân tích bình luận tác phẩm, bên cạnh việc hình thành các kỹ năng âm nhạc.

Trong các tiết ngoại khóa cần chú trọng đến hát hợp xướng nhiều hơn, vì đó là một hình thức biểu diễn, một sân chơi rất bổ ích đối với việc giáo dục học sinh như Kabalepsky – Nhạc sĩ, nhà sư phạm kiệt xuất của Nga đã đề xuất từ lâu.

Đối với công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cũng có nhiều vấn đề cần xem xét. Tồn tại lớn trong đào tạo, không chỉ trong ngành sư phạm mà nói chung trong hệ thống giáo dục ĐH hiện nay đang lúng túng, hoạt động thực hành, khả năng tiếp cận thực tế của sinh viên tốt nghiệp còn có khoảng cách khá lớn. Cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy.

Để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng. Công việc giáo dục nghệ thuật không phải chỉ là công việc riêng của nhà trường của Bộ GD&ĐT, nó đòi hỏi sự phối hợp với nhiều yếu tố, nhiều cơ quan khác cùng tham gia vào việc giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật cho học sinh cho công chúng, tạo hiệu ứng xã hội, không chỉ có trong phạm vi nhà trường.

Cần đổi mới chương trình sách giáo khoa

Nói về vấn đề này, Nhạc sĩ Hoàng Long – Hội Âm nhạc Hà Nội: Từ thực tiễn giảng dạy những năm qua, giáo dục nghệ thuật có những ưu điểm đáng ghi nhận nhưng cũng tồn tại một số vấn đề bất cập:

Một số nội dung dạy lý thuyết âm nhạc ở THCS còn nặng, không cần thiết; phương pháp dạy học âm nhạc ở Tiểu học và THCS đã có những đổi mới phù hợp với các đối tượng học sinh; đội ngũ GV âm nhạc, mỹ thuật khá đông nhưng trình độ không đồng đều cần được tiếp tục bồi dưỡng; cơ sở vật chất cho môn học tuy được cải thiện nhiều nhưng vẫn cần trang bị thêm như phòng học bộ môn, nhạc cụ…

Để việc GDNT tại trường phổ thông được tốt hơn nữa, thiết nghĩ cần đổi mới chương trình sách giáo khoa và phương pháp dạy học: tiếp tục chỉnh sửa, thêm bớt, thay đổi cho phù hợp theo định hướng phát triển năng lực và khi thiết kế các bài học của sách giáo khoa sẽ biên soạn theo các chủ đề.

Chỉ cần thêm nội dung dạy nhạc cụ đã là một vấn đề rất cần phải bàn bạc. Dạy nhạc cụ gì? Thời gian dành cho việc đó là bao nhiêu? Ai dạy? Dạy trong nội dung chương trình hay ngoại khóa? Cách tổ chức dạy học thế nào?

Sẽ có môn nhạc tự chọn trong trường THPT. Số học sinh đăng ký học âm nhạc ở đây chắc chắn không nhiều lắm, bời dù sao ở cấp THPT các em cũng đã ý thức được các năng lực của mình. Những nội dung dạy âm nhạc ở THPT là gì: Tổ chức học ra sao? Cơ sở vật chất cần trang bị những gì? Ai dạy? Những người dạy âm nhạc ở trường THPT cần được đào tạo thế nào?

Căn cứ từ yêu cầu cụ thể của nhà trường phổ thông với các môn nghệ thuật, các cơ sở đào tạo GV phải luôn cập nhật để nắm bắt những thông tin mới nhất, nhằm đào tạo ra những giáo viên có năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ ở trường phổ thông đối với từng cấp học.

Rất nhiều người cho rẳng sản phẩm của không ít trường ĐH hiện tại chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển trong thực tế. Ngành đào tạo sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật có lẽ cũng nên suy nghĩ về điều này để có những nội dung đào tạo phù hợp và thiết thực giúp sinh viên khi ra trường có thể tiếp cận nhanh chóng với các đối tượng mà mình được tham gia giảng dạy.

Nhà trường Sư phạm đang trang bị cho SV những tư tưởng là cần thiết nhưng ở nhà trường phổ thông lại không cần tới, những điều nhà trường phổ thông cần thì SV không được trang bị hoặc có trang bị nhưng không vận dụng ở trường phổ thông được. Chúng tôi nghĩ đây là vấn đề rất cần được quan tâm nhằm cải tiến chương trình đào tạo GV nghệ thuật cho từng bậc học trong trường phổ thông để có được sản phẩm tốt hơn trong những năm tới.

Để việc GDNT ở trường phổ thông được tốt nhất, theo Th.S Nguyễn Quang Hải – giảng viên Khoa Sư phạm Mỹ thuật trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Đội ngũ GV nghệ thuật ở trường phổ thông cần được phân loại, có kế hoạch bồi dưỡng hằng năm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ.

Các nhà trường phổ thông cần đầu tư cơ sở vật chất tạo môi trường giáo dục nghệ thuật; Tào điều kiện để đội ngũ giảng viên và SV tiếp cận với những đổi mới giáo dục môi trường phổ thông; Đổi mới công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, hàng tháng tạo điều kiện để giảng viên và SV tham gia dự giờ, thăm lớp ở các tiết dạy học mỹ thuật ở trường phổ thông; Tại mỗi sở, phòng giáo dục cần có chuyên viên có trình độ chuyên môn về giáo dục mỹ thuật làm công tác chỉ đạo giáo dục môi trường các cấp; Cần trao đổi các vấn đề về giáo dục môi trường trong các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ