Năm học 2017-2018: Chính sách đúng tạo động lực phát triển

GD&TĐ - Thực tiễn phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước đã khẳng định những chính sách đúng đắn, xuất phát từ thực tế có đóng góp hết sức to lớn cho sự phát triển của toàn ngành. Năm học 2017-2018 bắt đầu với những chủ trương, chính sách mới, đúng hướng của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và đang lan tỏa trong toàn ngành nguồn năng lượng tích cực, làm điểm tựa cho đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp trồng người.

Đón em vào lớp 1
Đón em vào lớp 1

Khởi động ở tầm Chính phủ

Ngay trước thềm năm học mới, Chính phủ đã có 2 văn bản quan trọng tác động tích cực đến toàn ngành. Nghị định 88/2017 ban hành ngày 27/7 sửa đổi điều 26, 27 của Nghị định 56/2015 để giảm quy định về sáng kiến trong đánh giá viên chức, có ý nghĩa “cởi trói” cho công tác thi đua.

Sáng kiến kinh nghiệm thiếu thực chất - nỗi ám ảnh của giáo viên nói riêng và cán bộ, công - viên chức nói chung - sẽ không còn đất sống từ năm học này.

Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 16CT-TTg, yêu cầu các Bộ, ban, ngành tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp và nhiệm vụ. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 - 2018.

Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21.

Năm học 2017-2018: Chính sách đúng tạo động lực phát triển ảnh 1 

"Muốn cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải bắt đầu từ thể chế. Vì vậy, tới đây, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm kiến tạo, hỗ trợ cho đổi mới giáo dục đại học".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Ở tầm liên Bộ, tại Hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học”, Bộ trưởng hai Bộ GD&ĐT và KHCN đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KHCN và GD&ĐT giai đoạn 2017-2025.

Một trong những nội dung ký kết đáng chú ý là xây dựng, triển khai hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Sự phối hợp thực hiện chính sách của hai Bộ sẽ chắp cánh cho hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường phát triển, tạo tiền đề bước vào cuộc cách mạng Công nghệ 4.0.

Thêm một tín hiệu vui trước thềm năm học mới cho đội ngũ cán bộ quản lý: Hội Cựu giáo chức kiến nghị trợ cấp một lần cho nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý giáo dục.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đánh giá tổng thể vấn đề này; đề xuất, bổ sung vào Đề án cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vào năm 2018.

Niềm vui từ những quyết sách giảm tải

Tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp, trong năm học này, Bộ GD&ĐT cũng đã chủ trương hướng tới những nội hàm phù hợp với yêu cầu của năm học, có tính trọng tâm.

Tại Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đặc biệt nhấn mạnh tới lộ trình thực hiện giảm tải nhằm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.

Trước đó, Bộ đã có công văn chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn tổ chức một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành. Bộ đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi, không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.

Đối với các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh tại địa phương, Bộ yêu cầu các sở chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh. Không yêu cầu trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.

Trong Hội nghị tổng kết công tác giáo dục Tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã lưu ý công tác thi đua, khen thưởng cần đi vào thực chất nhằm từng bước đẩy lùi căn bệnh thành tích. Với cấp giáo dục tiểu học, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan, khen thưởng không phù hợp, ảnh hưởng tới tinh thần nhân văn trong đánh giá học sinh Tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT ở đó phải chịu trách nhiệm”.

Đáng chú ý nhất là những điều chỉnh kịp thời trong thực hiện mô hình VNEN. Mô hình VNEN với những điểm bất cập trong thời gian qua đã được lãnh đạo ngành quan tâm và tích cực điều chỉnh để phát triển phù hợp. Trước thềm năm học, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục chỉ đạo xây dựng áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) trong năm học 2017 - 2018 phải trên cơ sở rà soát các điều kiện đảm bảo về chất lượng. Trường hợp chưa đạt điều kiện, không vội vã triển khai VNEN.

 Dù chưa được áp dụng trong năm học này nhưng việc Bộ GD&ĐT vừa thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được chỉnh sửa, hoàn thiện - căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt về mặt tinh thần.

Nội dung giai đoạn giáo dục cơ bản: giảm tải mạnh nội dung, tăng hoạt động trải nghiệm; Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: nhiều lựa chọn cho mục tiêu hướng nghiệp- thực sự là niềm mong đợi của đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lí.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui 

Không ngừng hoàn thiện thể chế giáo dục ĐH

Với thông điệp lắng nghe dư luận xã hội, thấu hiểu những nỗi băn khoăn, lo lắng của toàn xã hội về sự nghiệp trồng người và quyết tâm hành động để chấn hưng nền giáo dục của đất nước, đáp lại sự kỳ vọng bấy lâu nay của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang nỗ lực không ngừng hoàn thiện thể chế, đặc biệt ở mảng giáo dục ĐH.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Muốn cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải bắt đầu từ thể chế. Vì vậy, tới đây, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm kiến tạo, hỗ trợ cho đổi mới giáo dục đại học.

Năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng nhiệm vụ hoàn thành việc xây dựng các hành lang pháp lý cần thiết cho quản lý ĐH như xây dựng chuẩn giảng viên và CBQL làm căn cứ xây dựng các chương trình đào tạo, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về tự chủ ĐH; hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định tự chủ đối với các trường ngoài công lập;

Sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường ĐH và Qui chế ĐH vùng. Cùng với đó, kiện toàn các điều kiện thực hiện tự chủ ĐH; hoàn thiện các chuẩn đối với GDĐH; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên; ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH...

Bộ đã đưa ranhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giáo dục đại học và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên đến 2025, tầm nhìn 2030, Nghị định quy định tự chủ ĐH; rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDĐH; đánh giá kết quả thí điểm thực hiện tự chủ ĐH; tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý...

Chính sách giáo dục đào tạo là một trong những chính sách xã hội cơ bản trong hệ thống các chính sách kinh tế xã hội của nhà nước. Thực tiễn phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước đã khẳng định những chính sách đúng đắn, xuất phát từ thực tế có đóng góp hết sức to lớn cho sự phát triển của toàn ngành.

Tin tưởng rằng, với những nét mới về chủ trương, chính sách gợi mở, thực thi trong năm học 2017-2018 sẽ là hành lang pháp lý tốt, tạo động lực cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ