Ông Đỗ Văn Phu cho biết:
“Tỉnh phấn đấu 96 - 98% trẻ em dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi xuống dưới 10%. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, 100% giáo viên dạy mầm non 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2017, có 60% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn."
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 78%. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,5%; 99,4% học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học. Huy động học sinh từ 11 - 14 tuổi vào học THCS đạt 96,9%. Học sinh được công nhận hết bậc tiểu học hàng năm vào học THCS đạt tỷ lệ 99%; đối với những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt tỷ lệ từ 97% trở lên; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS. Học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt tỷ lệ 75%, mở rộng quy mô và nâng cấp cơ sở vật chất các trường phổ thông đã có.
Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế mà ngành GD&ĐT địa phương đang phải đối mặt, như: tình trạng thiếu phòng học; tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao; công tác quản lý của một số cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục còn hạn chế, chưa sâu sát, linh hoạt nên ảnh hưởng đến công tác đổi mới giáo dục, quyền lợi của nhà giáo, học sinh chưa được đảm bảo; tình trạng lạm thu vào mỗi đầu năm học; dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân; tình trạng học sinh số lượng học sinh tiểu học chưa biết đọc, viết, tính toán, đọc chậm, viết chậm còn cao; chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thiếu bền vững….
Ông Đỗ Văn Phu bày tỏ: Nhằm giải quyết những khó khăn, hạn chế này, dự kiến trong năm học 2017-2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ chi gần từ 300 – 400 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa hàng loạt các trường học đang xuống cấp, tạm bợ; bổ sung mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Trong đó, ưu tiên đầu tư cho bậc tiểu học, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày. Ngành GD&ĐT cũng đã đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể, tăng cường thanh tra, kiểm tra dạy thêm, học thêm trái quy định, dạy trước chương trình trong hè 2017, tình hình sử dụng thiết bị dạy học được cấp; kịp thời kiểm tra, giải quyết các hiện tượng tiêu cực trong ngành.
Quyết tâm tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao toàn diện chất lượng dạy - học; chủ động hội nhập có hiệu quả và hợp tác quốc tế trong giáo dục. Huy động mọi nguồn lực để phát triển GD&ĐT, ưu tiên đầu tư, hoàn thiện bậc học mầm non; phát huy sáng tạo, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học phổ thông.
Theo đó, tích cực tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về GD&ĐT tỉnh nhà; Quy định mức hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang đại học chính quy tập trung từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021; Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết. Rà soát, đánh giá lại đội ngũ giáo viên ở tất cả các bậc học theo tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Tiếp tục ứng dụng CNTT trong công tác quản lí, dạy học; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, cải các hành chính, kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 29.
“Những kế hoạch, giải pháp mà ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đang quyết tâm thực hiện không chỉ hướng đến xóa bỏ những khó khăn, rào cản tồn tại bào năm qua, mà còn xây dựng, tạo đà cho sự phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, bền vững”, ông Đỗ Văn Phu khẳng định.