(GD&TĐ) - Đổi mới đánh giá, kiểm, tra, thi cử, chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục chú trọng hình thành phát triển năng lực và phẩm chất là một nội dung của buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng nay (4/12), với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng các vị khách mời: PGS Văn Như Cương; PGS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - đã thẳng thắn, tâm huyết trao đổi, chia sẻ, trả lời những câu hỏi mà độc giả gửi tới. Báo GD&TĐ xin trích đăng một số nội dung.
Bộ GD&ĐT đã bồi dưỡng giáo viên về đổi mới kiểm tra, đánh giá vài năm nay
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
- Bộ GD&ĐT có tính đến việc khi chưa bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên có đủ trình độ và kỹ năng trong việc kiểm tra, đánh giá, thì sẽ khó có thể đạt được thành công trong đột phá trong thi cử?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc bồi dưỡng, tập huấn để nắm được tinh thần, cách thức triển khai trong thay đổi kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ giáo viên đã được Bộ GD&ĐT tiến hành vài năm nay.
Trước hết, thay đổi nội dung cách thức ra đề thi theo hướng mở, vận dụng sáng tạo và xây dựng được ma trận đề thi để bao quát được chương trình học và đánh giá được mức độ của học sinh, từ mức độ nhớ, mức độ hiểu, mức độ vận dụng, sáng tạo của HS như thế nào, ta đã làm và có được thành công bước đầu. Tham gia vào kỳ thi PISA, ta đã học được kinh nghiệm quốc tế trong ra đề thi.
Trong thực tiễn, tại nhiều trường học và các kỳ thi tuyển chọn đã đổi mới cách ra đề thi với những đề Văn mở, bay bổng, sáng tạo. Có những đề thi không chỉ là đề Văn mà còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống… Như vậy đề thi mở có nhiều tác dụng khác nhau. Ta không trông vào kết quả cuối cùng có đúng hay không mà trông vào quá trình đi đến kết quả như thế nào, logic, lập luận, năng lực của học sinh ra sao. Và việc chấm đề mở của giáo viên cũng theo hướng như vậy.
Nội dung môn học về kiểm tra, đánh giá trong nhà trường sư phạm hiện chưa xứng tầm
- Đổi mới kiểm tra đánh giá có rất nhiều ưu điểm và lợi thế cho giáo viên. Vậy tại sao chưa quy định môn học Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thành môn học bắt buộc trong đào tạo giáo viên? Thời gian tới Đề án đổi mới có tính đưa môn học này vào các trường sư phạm không? (NCS Nguyễn Thu Hà, Khoa Tâm lý – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nói rằng chưa có môn này trong chương trình đào tạo bắt buộc ở trường sư phạm là oan! Nhưng đúng là nội dung dành cho môn Kiểm tra, đánh giá hiện chưa xứng tầm.
Chúng tôi có khảo sát và thấy rằng thời lượng dành cho môn học này còn ít, nội dung đào tạo kiểm tra đánh giá trong các trường sư phạm còn lạc hậu. Vì vậy, chương trình đào tạo trường sư phạm cần đổi mới, trước hết là tăng thời lượng, tiếp đó cần đổi mới quan niệm, phương pháp, cách xử lý, kỹ thuật kiểm tra đánh giá… Chính các trường sư phạm đã nhìn ra nhu cầu này và đang đổi mới các trường sư phạm nói chung cũng như đổi mới môn học kiểm tra, đánh giá nói riêng.
PGS Đinh Xuân Khoa |
PGS Đinh Xuân Khoa: Ra đề mở khó, nhưng là xu hướng nên khuyến khích. Khi đưa đề mở sẽ kiểm tra được năng lực, khả năng của học sinh một cách toàn diện trong một bài thi. Nhưng đề mở có chấm mở không, cần khái quát thành lý luận.
Tại ĐH Vinh có chương trình kiểm tra đánh giá là môn học bắt buộc 2 tín chỉ, nằm trong khối phương pháp. Bộ GD&ĐT đã giao cho ĐH Vinh xây dựng ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục. Trường đã chuẩn bị kỹ càng và đã mời chuyên gia soạn đề cương.
Nhưng khi mở ngành thì phải đáp ứng yêu càu cần có Tiến sĩ chuyên ngành. Quả thực, tiến sĩ chuyên ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục của chúng ta rất ít. Và điều đó khẳng định một điều là tại sao Bộ GD&ĐT lại chọn đổi mới thi cử, kiếm tra, đánh giá làm khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo hiện nay.
Chúng tôi khẳng định là có môn học này trong nhà trường, nhưng chưa sâu. Nên các trường sư phạm cần đổi mới trước một bước, đổi mới cho giảng viên, rồi giảng viên bồi dưỡng cho giáo viên trường phổ thông. Và như vậy chúng ta sẽ tạo ra sự đồng thuận và nâng cao kỹ năng chung cho toàn ngành.
Dấu cộng giữa trường sư phạm và phổ thông trong đào tạo GV có kỹ năng kiểm tra, đánh giá
- Sự thành công của các kỳ thi tuyển sinh ĐH phải chăng có là kết quả của các trường phổ thông? Vậy nên sự phối hợp giữa các trường sư phạm và hệ thống các trường phổ thông như thế nào để có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong đào tạo giáo viên có kỹ năng kiểm tra đánh giá thi cử? (Thạc sỹ Phạm Như Hoa – GV Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội).
PGS Đinh Xuân Khoa: Kỳ thi ĐH là kỳ thi tuyển chọn, tất cả kỹ năng kiến thức thái độ đều do giáo viên phổ thông đào tạo, hình thành. Và kỳ thi ĐH thành công là kết quả của các thầy cô giáo bậc học phổ thông dày công dạy dỗ các em.
Trường sư phạm đào tạo nhân lực phục vụ giáo dục phổ thông. Muốn phục vụ tốt chúng tôi phải có sự phối kết hợp. Thực tế ở Trường ĐH Vinh chúng tôi có các trường thực hành nằm trong trường. Mọi nghiên cứu về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, chúng tôi đều thực hiện trước hết ở trường thực hành của trường mình, sau đó từ mối quan hệ với các trường vệ tinh nằm trên địa bàn của 4 tỉnh là Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi phối kết hợp từ khâu đưa giáo sinh đi thực tập, kiến tập đến tham gia giảng dạy, đánh giá.
Và đặc biệt, các trường phổ thông sẽ phản hồi lại kỹ năng của SV nhà trường. Trên cơ sở đó, chúng tôi điều chỉnh chương trình đổi mới phương pháp dạy học để làm sao các em có được kỹ năng đánh giá, ra đề và chấm thi một cách tốt nhất.
Đổi mới thi cử ảnh hưởng thế nào đến nghề nghiệp của học sinh?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đổi mới thi cử phù hợp với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung. Trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, sẽ có những yêu cầu rất cao về định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Thể hiện ở việc có những bộ môn, có những chuyên đề mà học sinh được tự chọn theo sở thích, mong muốn của mình, hướng tới nghề nghiệp của mình trong tương lai. Sẽ có những phần đánh giá những nội dung đó để thấy rằng học sinh có phù hợp, có đáp ứng được yêu cầu của đào tạo tiếp theo cho ngành nghề mà mình theo hay không.
Mặt khác, đổi mới không chỉ ở việc kiểm tra học thuộc, mà còn kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của học sinh, phục vụ cho việc hướng nghiệp cho các em sau này.
- Để chuẩn bị đón đầu lứa học sinh sau đổi mới giáo dục, trường ĐH Vinh đã có những kế hoạch và chương trình gì cụ thể?
PGS Đinh Xuân Khoa: Để đón dầu lứa học sinh đổi mới, trước hết chúng tôi phải chuẩn bị cho SV Sư phạm ĐH Vinh có những đổi mới trong chương trình, trong đào tạo.
Các trường Sư phạm đào tạo nhân lực phục vụ các trường phổ thông, vì vậy khung đào tạo phổ thông cần sớm ban hành, để các trường thêm môn mới, cơ cấu lại nhà trường, mở thêm khoa mới để đảm bảo tích hợp và phân hóa sâu trong chương trình mà Bộ dự kiến.
Như vậy, trước mắt, chúng tôi tự mình nghiên cứu đổi mới trên quan niệm, trên kinh nghiệm, tiếp thu trong nước và quốc tế để chuẩn bị cho đổi mới.
Chúng tôi cũng chuẩn bị đổi mới cho thi tuyển sinh vào trường và thực hiện tự chủ. Hội đồng của chúng tôi đã họp, nghiên cứu và đã đưa ra định hướng: Hiện Trường ĐH Vinh đào tạo 50 ngành, trong đó 13 ngành đào tạo về sư phạm. Sau này, nếu không còn kỳ thi ĐH theo 3 chung, dự kiến chúng tôi tổ chức thi 3 môn: Toán, Văn, và ngoại ngữ (tiếng Anh). Sau đó chúng tôi sử dụng kết quả thi của phổ thông – kết quả thi của sau khi đổi mới, một kết quả đánh giá khách quan – tùy từng chuyên ngành để có những yêu cầu khác nhau về điểm thi.
Vì trường là cơ sở giáo dục có đào tạo sư phạm, có chuyên gia nghiên cứu về giáo dục và trường đã đặt vấn đề, đặt hàng, đã làm thử và nghiên cứu tất cả các mô hình để nhà trường không bị động khi có hiệu lệnh đổi mới.
- Liệu có cần thiết mỗi một trường phổ thông thành lập một Hội đồng kiểm định chất lượng học sinh nhằm đánh giá để các trường ĐH xét tuyển một cách công bằng? PGS Văn Như Cương: Tôi không suy nghĩ theo hướng đó. Tôi cho rằng đổi mới thi cử là quan trọng, góp phần định hướng học tập tiếp tục của các em học sinh. Nhưng nếu lập ra mỗi trường một hội đồng thì hết sức phức tạp và rối rắm, không giải quyết vấn đề gì khi chúng ta đã thống nhất trong tất cả các giáo viên cách thi cử, cách chấm bài… Những điểm số ở nhà trường nếu nói lên chính xác năng lực, khả năng, tiềm năng của học sinh thì những điều đánh giá qua thi của ta sẽ công bằng, khách quan – như mục tiêu đặt ra. Lúc này, mội hội đồng trường để xét tuyển không có ý nghĩa gì. |
Gia Hân (ghi)
TIN LIÊN QUAN |
---|