Lạc quan vào chính sách mới

GD&TĐ - Bắt đầu từ ngày 1/7/2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực. Đây là thời điểm được xã hội đón đợi từ lâu, bởi Luật có hiệu lực đồng nghĩa với việc các trường đại học sẽ có nhiều cơ hội để hội nhập và phát triển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lâu nay, câu chuyện về chính sách vẫn luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Thực tế, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn khách quan. Chính vì vậy, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được coi là “chìa khóa”, là đòn bẩy để các cơ sở GDĐH phát huy nội lực trong thực hiện quyền tự chủ của mình, qua đó đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Ở thời điểm này, chúng ta chưa thể nói về kết quả hay những chuyển biến từ chính sách mới mang lại. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, những thay đổi từ chính sách mang lại sẽ có tác động tích cực cho lĩnh vực GDĐH của nước nhà, và chúng ta có quyền lạc quan vào những thay đổi đó.

Chính vì lẽ đó, nhiều người kỳ vọng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sẽ là luồng gió mới và tạo ra khâu đột phá như Khoán 10 trong nông nghiệp, trong đó có cơ chế về tự chủ đại học. Với các chính sách được quy định trong Luật, sẽ tạo điều kiện để các trường ĐH phát huy quyền tự chủ của mình trên các phương diện như: Học thuật, tài chính, nhân sự... Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Luật có hiệu lực sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các trường ĐH của Việt Nam.

Tất nhiên, khi thực hiện cơ chế tự chủ, đồng nghĩa với việc các trường sẽ phải rất năng động, linh hoạt và sáng tạo. Khi đó, sẽ không còn chuyện “cầm tay chỉ việc”, giao nhiệm vụ cụ thể từ cơ quan quản lý hoặc là từ bộ chủ quản như trước đây nữa. Nói như ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Chúng ta sẽ tăng dần thẩm quyền cho các nhà trường theo hướng: Các cơ sở có đủ điều kiện, năng lực tự chủ cao thì sẽ được giao quyền tự chủ cao. Qua việc giao quyền tự chủ đó, sẽ giảm dần vai trò quản lý, điều hành cụ thể của các cơ quan chủ quản. Khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải thay đổi thói quen. Các bộ, ngành, địa phương phải tạo cơ chế để các cơ sở GDĐH phát triển.

Mong muốn của chúng ta là, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học. Theo đó, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức và các nhà quản lý GDĐH sẽ được phát huy tối đa. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Chính sách đã có, việc còn lại là các trường thực thi như thế nào để chính sách phát huy hiệu quả trong thực hiện. Như vậy, vấn đề không chỉ là nằm ở chỗ trách nhiệm giải trình của các trường trước xã hội, điều quan trọng là: Trong quá trình vận hành chính sách và khi các cơ sở GDĐH được cạnh tranh lành mạnh với nhau để phát triển, thì vẫn phải bảo đảm lợi ích của người học. Theo đó, Nhà nước sẽ tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra và hậu kiểm để các cơ sở GDĐH nâng cao tinh thần trách nhiệm giải trình với xã hội. Qua đó giúp nhà trường phát triển đúng định hướng và mục tiêu đề ra. Tin rằng, Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực sẽ là “đòn bẩy” để các trường ĐH của Việt Nam phát triển hội nhập, phát triển, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ