Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT).
Các trường đã chủ động
- Ngày 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức có hiệu lực thi hành. Một trong những chính sách được dư luận quan tâm ở luật này là cơ chế tự chủ ĐH. Theo bà, đến thời điểm này, các trường đã sẵn sàng đón nhận chính sách tự chủ như thế nào?
- Nhìn chung, hầu hết các cơ sở GDĐH đều đã tổ chức nghiên cứu và phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH tới cán bộ, giảng viên và người học; Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện luật, đặc biệt là tự chủ đại học. Các trường lớn đều chú trọng rà soát cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự để thực hiện theo quy định của luật mới. Đặc biệt là việc thành lập, kiện toàn Hội đồng trường theo quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính… và các quy định nội bộ khác cũng đang được các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện. Nhiều trường đã tổ chức hội nghị toàn trường để xác định chiến lược phát triển trong điều kiện mới – điều kiện đẩy mạnh tự chủ ĐH.
- Vậy Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn gì để các trường bắt nhịp với cơ chế tự chủ? Các trường sẽ phải làm gì để thực hiện chính sách mới, thưa bà?
- Trong điều kiện tự chủ ĐH, Bộ GD&ĐT cũng không đặt nặng vai trò phải hỗ trợ các trường. Vai trò chính của Bộ là xây dựng chính sách, pháp luật và kiến tạo cơ chế phát triển đã được thể hiện rõ nét trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật và dự thảo Nghị định tự chủ đối với các cơ sở GDĐH công lập.
Ảnh minh họa |
Các trường sư phạm cùng “nhập cuộc”
- Còn đối với các trường sư phạm thì sao? Liệu có những khó khăn, rào cản nào hay không, thưa bà?
- Các trường sư phạm sẽ thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình như các cơ sở GDĐH khác, trừ một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu đào tạo GV, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trình độ đại học, mở mới các ngành đào tạo GV các trình độ phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GD&ĐT).
Khó khăn hay rào cản đối với các trường sư phạm nhìn chung sẽ không khác với những cơ sở khác vì tất cả các cơ sở có đào tạo GV hiện nay đều đã là các trường đa ngành, không bị bó buộc trong phạm vi nhiệm vụ Nhà nước giao.
Tuy nhiên, khác với các trường khác, trường đào tạo GV phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo - nhân tố vừa là điểm xuất phát vừa là sự quyết định thành công trong đổi mới GD-ĐT. Trường sư phạm cũng có khó khăn nhất định về mặt tài chính bởi khi tự chủ, các trường này không được thu học phí cao đối với các ngành đào tạo GV (do đào tạo theo đặt hàng của Nhà nước và có mức trần học phí được cấp theo đầu sinh viên).
Vấn đề việc làm và thu nhập của SV sư phạm tốt nghiệp cũng là khó khăn do chủ trương tinh giản biên chế và dự báo cung cầu trong đào tạo sư phạm… Để giải quyết vấn đề này, cùng với việc Bộ Tài chính đã xây dựng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang cùng với các địa phương khảo sát nhu cầu đào tạo GV làm căn cứ xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng GV các cấp; đồng thời, Bộ cũng cùng với các trường sư phạm nòng cốt xây dựng đề án tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo GV và xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm. Thực hiện những nội dung này cũng cần phải có thời gian nhưng đó là cách tháo gỡ khó khăn cho các trường sư phạm hiện nay.
Về phía trường, trước mắt, cần nâng cao nhận thức về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và tự chủ đại học, thực hiện Công văn 499 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời thực hiện kiểm định chất lượng và chuẩn bị tốt các điều kiện tự chủ quy định tại Điều 32 của luật này.
Về lâu dài, vấn đề quan trọng là mỗi trường cần nâng cao năng lực quản trị quản lý; xác định mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển trường; xây dựng và ban hành các văn bản nội bộ phù hợp với cơ chế lựa chọn và mục tiêu phát triển; phát triển ngành đào tạo, xây dựng những ngành thế mạnh của trường trong đào tạo và nghiên cứu, kết nối doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đồng thời, có chính sách thu hút các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường bền vững; tùy theo năng lực mà đặt ra và thực hiện các mục tiêu quốc tế như thu hút giảng viên, SV nước ngoài, áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế để thực hiện kiểm định, xếp hạng…
SV tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh minh họa |
Kiểm định sẽ trở thành nhu cầu của chính các trường
- Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là kiểm định chất lượng và trách nhiệm giải trình của các trường đại học. Vậy chúng ta sẽ giám sát việc này như thế nào để mọi việc được thực hiện thực chất?
- Trong thời gian gần đây, kiểm định chất lượng đã thực sự được đẩy mạnh. Tính đến ngày 31/5/2019, đã có 121 cơ sở GDĐH được đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD bởi các tổ chức kiểm định trong nước; 6 cơ sở GDĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES) và Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Có 142 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, trong đó có 16 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 126 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế.
Theo quy định, kiểm định là điều kiện cơ bản để được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo và tự chủ thực hiện các hoạt động chuyên môn khác. Kết quả kiểm định được công khai, là điều kiện để thu hút người học trong tuyển sinh, là một trong các cơ sở để nhà trường xác định mức học phí... Văn hóa chất lượng đang bước đầu được hình thành và kiểm định sẽ trở thành nhu cầu của chính các trường chứ không phải chỉ để thực hiện quy định của pháp luật.
Trách nhiệm giải trình cũng đã được quy định rõ là trách nhiệm cơ sở GDĐH báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở GDĐH. Cơ chế minh bạch thông tin để người học và xã hội giám sát, đặc biệt là các thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng thực tế của cơ sở GDĐH.
Mặt khác tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm với hệ thống chế tài đủ sức răn đe và phòng ngừa chung sẽ là cơ chế giám sát hiệu quả và bảo đảm hoạt động thực chất. Với cơ chế minh bạch thông tin như hiện nay thì người học cũng ngày càng trở thành những người lựa chọn thông minh và những trường không bảo đảm chất lượng sẽ không có cơ hội để tiếp tục tồn tại.
- Bà kỳ vọng gì đối với lĩnh vực GDĐH khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH chính thức đi vào cuộc sống?
- Tất cả những người đã tham gia soạn thảo, ban hành luật này đều thực sự mong muốn nó sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học; sự năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức và các nhà quản lý GDĐH sẽ được phát huy tối đa để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GDĐH, hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn bà!