Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa (bên trái ảnh) và Vụ trưởng Nguyễn Thị Thu Huyền chủ trì Hội thảo |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dự và chủ trì Hội thảo. Tham gia hội thảo có đại diện của ngành GD - ĐT của 24 tỉnh thành phía Nam có các trường PTDTNT đang hoạt động.
Tăng cả lượng và chất
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc - cho biết: Tính đến năm học 2013 - 2014, hệ thống trường PTDTNT đã có ở 50 tỉnh thành với 304 trường. Quy mô lên đến hơn 86.000 học sinh, trong đó có 55.314 học sinh cấp THCS và 31.394 học sinh THPT.
Đặc biệt tại tỉnh phía Nam, lượng học sinh là người dân tộc thiểu sổ khá đông nên luôn được quan tâm. Các địa phương đã chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường PTDTNT.
Các tỉnh, huyện có đông người DTTS, có nhu cầu và đủ điều kiện mở trường đều đã có trường PTDTNT, trung bình mỗi tỉnh có 1 trường PTDTNT tỉnh và mỗi huyện có 1 trường PTDTNT huyện.
Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã phủ kín trường PTDTNT ở các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên. Mạng lưới, quy mô các trường PTDTNT cơ bản đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương. Con số này cho thấy đã tăng trưởng hơn rất nhiều so với những năm học trước.
Bên cạnh đó, một kết quả khả quan cũng được các đại biểu dự hội thảo ghi nhận. Đó là các tỉnh phía Nam đã có nhiều trường dạy tiếng dân tộc cho học sinh khá tốt. Hoạt động giáo dục - hướng nghiệp và học nghề phổ thông được đẩy mạnh.
Để nâng cao chất lượng toàn diện, gần 90% các trường PTDTNT ở phía Nam đã hướng dẫn chi tiết học sinh lập kế hoạch, thời gian biểu tự học, phân công cán bộ, giáo viên quản lý, đôn đốc, hỗ trợ học sinh tự học ở trên lớp và tại phòng ở nội trú.
Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT, hàng loạt hệ thống các trường PTDTNT trong cả nước nói chung và 24 tỉnh thành phía Nam nói riêng được xây dựng khang trang. Từ phòng học đến bếp ăn và các phòng ốc phục vụ cho sinh hoạt ngoại khóa khác.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo |
Chiến dịch mưa dầm thấm lâu
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập còn tồn tại trong hệ thống các trường PTDTNT ở 24 tỉnh thành phía Nam, cần khắc phục ngày để nâng cao chất lượng.
Một trong những bất cập chung đó là học sinh các trường PTDTNT đều được xét tuyển theo chỉ tiêu phân bổ cho các xã có đồng bào dân tộc thiểu số hoặc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chất lượng đầu vào học sinh không đồng đều.
Bên cạnh đó, học sinh người dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, khả năng tiếp nhận kiến thức hạn chế, trong khi nhiều giáo viên chưa nắm vững tâm lí và cách truyền đạt đối với các học sinh nên chất lượng dạy và học chưa như mong muốn.
Ông Trần Khánh - Đại diện tỉnh Sóc Trăng cùng nhiều đại biểu khác cho rằng việc lựa chọn và bổ nhiệm lãnh đạo trong các trường PTDTNT hiện nay còn nhiều điều đáng bàn.
Có những hiệu trưởng lãnh đạo trường PTDTNT nhưng lại không hề có hiểu biết gì về các đối tượng học sinh này. Từ đó đã không có hướng điều chỉnh và bồi dưỡng giáo viên trong trường. Nhiều tỉnh miền Tây cũng như Sóc Trăng, có tỉ lệ học sinh người dân tộc khá cao nên cần tăng cường thi tuyển hơn là cử tuyển.
Hiện một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý học sinh ở nội trú, đặc biệt là ở một số trường PTDTNT khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Khắc phục tình trạng này, nhà giáo Phạm Văn Toàn - đến từ Đồng Tháp - đưa ra phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Cụ thể: Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các thầy cô cần thường xuyên nhắc nhở, củng cố kiến thức cho các em trong các buổi tự học; lồng ghép kiến thức vào những trò chơi như: Học từ vựng, cấu trúc ngữ pháp qua ô chữ, các hình ảnh trực quan và nhiều hình thức truyền đạt sáng tạo khác, tránh những nhàm chán nhưng không xa dời giáo án - giáo trình khung đã quy định.
Nhiều gợi mở hay và sáng tạo
Thảo luận về việc nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng các học sinh cử tuyển ở Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang, các đại biểu đã đưa ra nhiều tham luận gợi mở, sáng tạo và thiết thực.
Thực tế hiện nay của Trường dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo hệ dự bị cho các trường địa học trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, còn đào đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số nên giáo viên càng phải cần có vốn am hiểu văn hóa vùng-miền. Hiện mỗi năm, trường này tuyển sinh đầu vào trên dưới 1.000 học sinh.
Ông Lộ Minh Trại - đại diện tỉnh Ninh Thuận - thẳng thắn cho biết: Hiện nay là nhiều học sinh ở nhiều trường PTDTNT cũng như trường dự bị đại học không biết nguồn gốc và có những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Một số giáo viên là người dân tộc dốc hết sức soạn sách, tuyên truyền gìn giữ các nét đẹp văn hóa của nhiều dân tộc cho học sinh và giáo viên chưa nhận được đãi ngộ xứng đáng.
Muốn giải quyết được việc này, ngoài cơ sở chính, các trường PTDTNT, trường dự bị đại học cần đầu tư có trọng điểm 2 trung tâm là: Trung tâm ngoại ngữ-tin học và Trung tâm bồi dưỡng văn hóa dân tộc.
Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Phát triển năng lực là một trong những yêu cầu quan trọng nhưng phải gắn với bồi dưỡng văn hóa cho các học sinh ở trường PTDTNT cũng như trường dự bị đại học.
Các trường, cần rà soát, phân loại học sinh theo năng lực học tập, tổ chức ôn tập củng cố kiến thức theo từng nhóm đối tượng, cử giáo viên kèm cặp bồi dưỡng học sinh yếu kém nhằm bảo đảm chất lượng dạy học của trường PTDTNT phải tương đương hoặc cao hơn chất lượng các trường tại địa phương.
Học sinh ở trường dự bị đại học phải được bồi dưỡng nắm vững mọi kiến thức bậc THPT. Chưa thể đổi mới một cách toàn diện phương thức tuyển sinh thì trước mắt vẫn phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Giáo viên trong các trường đặc thù này cần phải hiểu biết một thứ tiếng dân tộc.
Với những kiến nghị về hỗ trợ đầu tư, Bộ GD&ĐT sẽ có đề xuất với các đơn vị liên quan - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.