Đổi mới hoạt động của nhà trường

GD&TĐ - Từ mô hình VNEN có thể rút ra những bài học bổ ích trong đổi mới hoạt động của nhà trường, đặc biệt khi chúng ta đang chuẩn bị cho việc triển khai chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới. 

Một tiết học VNEN của học sinh tiểu học tại Bắc Giang
Một tiết học VNEN của học sinh tiểu học tại Bắc Giang

Điều này được TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, người trực tiếp chỉ đạo triển khai Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE – VNEN) ngay từ những ngày đầu chia sẻ.

- Theo TS, VNEN cho ta bài học gì về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục?

Trên thực tế, giáo viên các trường phổ thông hiện nay đã được đào tạo theo mục tiêu chính là trang bị kiến thức, chưa phải theo định hướng phát triển năng lực.

Vì vậy, trước yêu cầu mới, mặc dù hầu hết giáo viên có trình độ đào tạo (bằng cấp) đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng năng lực giáo dục thực tế của nhiều giáo viên không tương xứng; không ít giáo viên chưa tích cực vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tiên tiến.

VNEN coi trọng việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn của giáo viên trong từng trường và giữa các trường lân cận, coi trọng việc học tập lẫn nhau thông qua việc trao đổi, rút kinh nghiệm thực tế các giờ dạy.

Ở Việt Nam, đã có và hiện nay vẫn đang coi trọng mô hình sinh hoạt chuyên môn dựa trên phân tích bài học và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của từng nhà trường, tương tự với cách làm của VNEN và cùng với VNEN.

Trên thực tế, những trường thực hành đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực và rèn luyện phương pháp tự học của học sinh đều đã đi theo hướng này.

Để sinh hoạt chuyên môn qua phân tích bài học, tập thể giáo viên có thể cùng nhau xây dựng nên kế hoạch dạy học (giáo án) tốt nhất rồi cử giáo viên có năng lực nhất thực hiện trên lớp; tổ chuyên môn dự giờ, phân tích các hoạt động dạy của giáo viên, nhưng chủ yếu là phân tích các hoạt động học của học sinh, với mục đích chính là để học được các kinh nghiệm tốt; cũng có thể chọn ngẫu nhiên bài học (giờ dạy) để dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm về cả những thành công và hạn chế của tiết học, có ích cho cả người dạy và người dự giờ.

Thời gian gần đây, đã có những tiết dạy (bài học) được dự giờ qua mạng internet, trao đổi giữa các trường phổ thông khác nhau, giữa trường phổ thông và trường sư phạm; hình thức sinh hoạt chuyên môn từ xa như vậy rất đáng được khuyến khích.

Xin nói thêm, mục đích của việc dự giờ, phân tích bài học là để rút kinh nghiệm, học tập trong tập thể theo tinh thần “học thầy không tày học bạn”, dự giờ để học đồng nghiệp, chứ không phải để “phán”, không phải để xếp loại giờ dạy hay đánh giá đồng nghiệp.

Do đó, khi góp ý, nếu nêu được nhiều ưu điểm của giờ dạy thì cũng tức là người dự đã học được nhiều kinh nghiệm tốt từ bạn mình hoặc khẳng định được nhiều cách làm tốt mà cả bản thân và đồng nghiệp đều đã thực hiện. Điều đó cũng đặt ra nhu cầu tự nhiên là công khai bài học: các giờ dạy đều sẵn sàng cho đồng nghiệp đến dự và góp ý, ngược lại giáo viên nào cũng chủ động đi dự giờ để học tập đồng nghiệp.

Với hình thức học tập thường xuyên như vậy của đội ngũ giáo viên thì hình thức hoạt động tập huấn của các cấp cũng phải thay đổi. Cần coi trọng việc đưa lên và quản trị các bài giảng của giảng viên (cấp trung ương) trên internet để không phải tập huấn giáp mặt lặp lại qua nhiều bậc, nhiều lần ở các địa phương như trước đây (để tránh “tam sao thất bản”), để giáo viên có thể học từ chính giảng viên bất cứ lúc nào phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, để giáo viên cả nước có thể trao đổi với nhau, không còn bó hẹp trong từng trường.

Đội ngũ giáo viên cốt cán ở các địa phương không còn là người giảng lại những bài của giảng viên cấp trên cho giáo viên địa phương mình mà trở thành người đứng ra tổ chức các sinh hoạt chuyên môn thực tế của giáo viên tại đơn vị (nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, xây dựng bài giảng minh hoạ, dự giờ, rút kinh nghiệm, trả lời thắc mắc…) mà giảng viên không có điều kiện làm.

- Cán bộ quản lí và công tác quản lí có vai trò như thế nào đối với đổi mới nhà trường nói chung, đổi mới như VNEN nói riêng thưa TS?

Kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công từ VNEN cho thấy kết quả đổi mới nhà trường phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và quyết tâm của các cấp quản lí, trực tiếp nhất là hiệu trưởng.

Những biện pháp đổi mới ban đầu của giáo viên thường gặp nhiều khó khăn, rào cản và có thể chưa đạt được những mong muốn đặt ra; rất cần các cấp quản lí biết phát hiện, nâng đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp tục rút kinh nghiệm và làm tốt dần; tránh những nhận xét áp đặt, khắt khe.

Không nên đặt ra việc xếp loại giờ dạy đối với các tiết dạy còn mang tính thử nghiệm, mới vận dụng các biện pháp tiên tiến để giáo viên được chủ động, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo cá nhân.

Nhà trường cần giảm đến tối thiểu các công việc hành chính, sổ sách để giáo viên tập trung thời gian, trí tuệ vào đổi mới hoạt động chuyên môn, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục. Cán bộ quản lí các cấp phải bằng nhiều cách để không chỉ là người chỉ đạo mà phải thật sự là người đồng hành đổi mới cùng với giáo viên.

- Bài học nào được rút ra từ VNEN về phát huy vai trò của giáo dục gia đình và giáo dục cộng đồng?

Về vấn đề này, VNEN quan tâm đến 3 điểm chính sau đây:

Nội dung giáo dục phải gắn với sản xuất, kinh doanh của địa phương. Kết quả học tập sẽ tốt nếu nội dung giáo dục mang tính thiết thực, người học thấy rõ ý nghĩa thực tiễn của kiến thức cần học và vận dụng được kiến thức đã học.

Đó cũng là lí do mà Bộ đang chỉ đạo xây dựng những mô hình nhà trường phổ thông gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương để học sinh áp dụng kiến thức học được vào giải quyết các vấn đề của gia đình, của địa phương; người dạy không chỉ là giáo viên mà còn có các nghệ nhân, các kỹ sư, công nhân kỹ thuật…

Mỗi bài học đều có các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vừa học vào thực tiễn. Đó là các nhiệm vụ học tập có tính mở về nội dung và nhiều mức độ yêu cầu khác nhau để giáo viên và học sinh dễ triển khai trong thực tế với sự hỗ trợ của người lớn, của các nguồn tư liệu ngoài sách giáo khoa, phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhà trường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để phụ huynh học sinh chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục. Chúng ta đang cố gắng “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Điều đó đòi hỏi trước tiên phải thay đổi nhận thức trong ngành, trong xã hội, trong phụ huynh học sinh về thế nào là chất lượng giáo dục tốt và bằng cách nào để đạt được chất lượng tốt.

Đã có nhiều trường VNEN chủ động mời phụ huynh học sinh đến trường để nghe giải thích, trực tiếp tham quan, tham gia thực hiện các hoạt động giáo dục (dự giờ dạy của giáo viên, quan sát việc học của con em trên lớp, tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm, làm báo cáo viên, dạy làm nghề thủ công…) để hiểu về ý nghĩa, tác dụng, cách thức đổi mới giáo dục của nhà trường, tạo sự đồng tình, ủng hộ, hỗ trợ đổi mới giáo dục như: góp tiền trang bị tủ sách lớp học, hướng dẫn con em hoàn thành các nội dung học tập có liên hệ thực tế ở gia đình hay cộng đồng…

Các trường phổ thông cũng cần lưu ý thêm:

Nhà trường tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Những hoạt động đó, ngoài ý nghĩa là hoạt động thiện nguyện (có thể không nhiều) còn có ý nghĩa giáo dục (chắc chắn được rất nhiều), gây xúc động, làm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm và năng lực hoạt động của giáo viên, của học sinh; thu hút được cả sự tham gia của phụ huynh học sinh, của những nhà hảo tâm muốn đóng góp cho xã hội, cho giáo dục; mở rộng không gian, thời gian giáo dục cho nhà trường, có tác dụng hướng nghiệp; tác dụng huy động nguồn nhân lực, trí lực cho giáo dục.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục. Trường học tốt phải là trường huy động được nhiều nguồn lực khác nhau từ xã hội. Tuy nhiên, cần tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực xã hội vào những mục đích không thiết thực cho học sinh, không hiệu quả, tránh việc huy động mang tính bắt buộc dẫn đến sự phản ứng của nhà tài trợ, của phụ huynh học sinh.

Việc đầu tiên là cần phải giải thích rõ ý nghĩa thiết thực, phục vụ trực tiếp và vì quyền lợi học sinh của việc quyên góp, xin hỗ trợ; sự cam kết sử dụng nguồn hỗ trợ có hiệu quả (tiết kiệm, công khai, giám sát, kết quả tốt, được nghiệm thu…); sau đó là kết quả thực tế. Nếu tốt thì nhà trường sẽ có thêm những cơ hội huy động khác, nếu không đúng như cam kết thì “một sự bất tín, vạn sự bất tin” và hết cơ hội cho lần sau.

- Xin cảm ơn TS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ