Học sinh phải là trung tâm của hoạt động dạy học

GD&TĐ -Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT đã áp dụng nhiều mô hình giáo dục tích cực. Với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học phát triển năng lực phẩm chất cho HS, việc áp dụng mô hình trường học mới VNEN đã mang lại những hiệu quả trong các nhà trường. Đây là một trong những phương pháp dạy học tạo động lực, phát huy các giá trị năng lực bản thân cho HS.

Giáo viên sẽ hỗ trợ khi HS có những thắc mắc
Giáo viên sẽ hỗ trợ khi HS có những thắc mắc

Những tích cực trong giảng dạy

Trong quá trình áp dụng vào thực tế, nhiều nhà quản lý giáo dục cũng như các giáo viên đều chia sẻ những ưu điểm mà phương pháp dạy học theo mô hình hình VNEN đã mang lại. Với cách giảng dạy truyền thống, người giáo viên giảng giải kiến thức có sẵn cho học sinh, hoặc nêu câu hỏi vấn đáp để HS trả lời, từ đó rút ra kiến thức cần thiết. Theo cách học này học sinh thụ động hơn, sự phát triển tư duy và kĩ năng sống cho HS bị coi nhẹ.

Nhưng với mô hình trường học mới, phương pháp giảng dạy đã khắc phục được những trở ngại đó. Phương pháp dạy học VNEN tập trung hướng học sinh tự học (theo hình thức cá nhân, nhóm). Sự tự học của học sinh đi từ tri thức, kỹ năng đã biết, kinh nghiệm của bản thân đến tri thức mới rồi thực hành, vận dụng ứng dụng vào thực tiễn. Như vậy việc tự học trở thành yếu tố nổi bật nhất của mô hình này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Phương pháp dạy của VNEN dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên, học sinh tự phát hiện, tự tìm kiến thức và nếu thấy khó khăn thì liên lạc với giáo viên để nhận sự hỗ trợ. Từ đó hướng tới hình thành kỹ năng, thái độ phù hợp, các kỹ năng sống thiết yếu như: Giải quyết vấn đề sáng tạo, giao tiếp, hợp tác… Đây cũng là xu thế tất yếu cần hướng tới trong chương trình phổ thông mới (hướng tới hình thành các phẩm chất và năng lực thiết yếu của người học.)

Cô Trần Thị Thúy, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bế Văn Đàn Thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên cũng cho biết: Trước những mặt tích cực mà mô hình VNEN mang lại, từ năm học 2016-2017, trường Tiểu học Bế Văn Đàn thành phố Điện Biên Phủ đã áp dụng tổ chức dạy học theo Mô hình trường học mới Việt Nam. Ban giám hiệu nhà trường xác định: Để thực hiện thành công mô hình này, ngoài sự nỗ lực của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên rất cần sự đồng thuận từ phía phụ huynh và sự tham gia của cộng đồng trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.

Sau khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên Phủ triển khai tập huấn, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn lại cho giáo viên, tạo điều kiện cho các thầy cô được dự giờ, tham quan tìm hiểu thực tế các đơn vị đã tổ chức thành công Mô hình trường học mới. Trước mỗi tiết học, giáo viên chuẩn bị bài, bổ sung kiến thức nâng cao để kịp thời bồi dưỡng học sinh. Trong quá trình lên lớp giáo viên chú trọng dạy học theo trình độ, đối tượng; bố trí học sinh ngồi học theo nhóm năng lực nhằm phát huy khả năng phân tích tổng hợp, kích thích sự sáng tạo, tăng cường tính linh hoạt, tư duy cho các em.

 Giáo viên chủ nhiệm đã tiến hành cho các lớp tổ chức họp bầu Hội đồng tự quản (có sự tham gia của học sinh, giáo viên và phụ huynh). Bên cạnh đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho giáo viên, nhà trường đã tổ chức được các tiết dạy mẫu ở các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý,... cho giáo viên dự giờ, trao đổi thống nhất về phương pháp. Hàng tháng, quý đều tổ chức cho giáo viên được tham gia chuyên đề cấp trường, cấp cụm trường. Kịp thời rút kinh nghiệm và có hướng điều chỉnh cho công tác dạy và học theo Mô hình trường học mới Việt Nam.

Chất lượng học tập của học sinh lớp 2,3,4,5 năm học 2016-2017 được nâng lên, cụ thể: Về năng lực: 99,86% học sinh Hoàn thành Tốt, Hoàn thành; về Phẩm chất: 100% xếp loại Tốt, Đạt; môn Toán, Tiếng Việt: 99,7% học sinh Hoàn thành Tốt, Hoàn thành môn học.

Học sinh được làm chủ hoạt động học

HS rất tự tin khi hoạt động nhóm
HS rất tự tin khi hoạt động nhóm

Cô Nguyễn Thùy Dung, GV lớp 3A Trường tiểu học CGD Vichtory (Hà Nội) chia sẻ: Dạy học theo mô hình giáo dục VNEN, học sinh có sự chủ động, tích cực hơn, phụ huynh rất mừng về điều đó. Học sinh được làm chủ các hoạt động trên lớp. Giáo viên không giảng giải, thuyết trình nhiều mà chỉ đóng vai trò là người tổ chức các hoạt động để học sinh tự tham gia các hoạt động, tự trải nghiệm, tự chiếm lĩnh các tri thức. Giáo viên có vai trò là người chốt các kiến thức đúng. Ví dụ dạy phân môn tập đọc, giáo viên đưa ra các lệnh hướng dẫn như: “các em tự đọc hoạt động 2” hoặc “các em tự đọc câu chuyện hai lần”, học sinh thực hiện các lệnh hướng dẫn trong bài học.

Đặc điểm của SGK VNEN được trải ra với các hoạt động một cách rõ ràng. Ví dụ trong bài dạy “Cậu bé thông mình”, hoạt động đầu tiên là khởi động để gây hứng thú cho học sinh. HS sẽ được nghe một câu chuyện về Lương Thế Vinh là một người thông minh tiêu biểu của Việt Nam. GV sẽ giới thiệu sơ lược về nhân vật nhằm tạo hứng thú cho HS khi học bài. Bước tiếp theo, GV đọc mẫu rồi cho HS tự đọc thầm bài 2 lần. Sau đó HS có thể đọc nhỏ cho bạn bên cạnh nghe, hoặc GV gọi HS đứng lên đọc bài. GV không nhận xét mà  yêu cầu học sinh nhận xét về cách đọc của bạn. Rõ ràng cách dạy này giúp học sinh tích cực trong hoạt động học tại lớp. Các bước tiếp theo HS sẽ tự đọc các câu hỏi và tự trả lời, những học sinh khác sẽ nhận xét, và bổ sung.

Cũng theo cô Nguyễn Thị Dung, mặc dù là một trường ngoài công lập, nhưng nhà trường cũng rất mạnh dạn áp dụng mô hình này trong giảng dạy. Khi cho con theo học chương trình này, lúc đầu các phụ huynh cũng khá bỡ ngỡ và lo lắng. Tất nhiên bao giờ khi bắt tay vào một mô hình mới mọi người thường có những câu hỏi băn khoăn. Tuy nhiên sau một thời gian theo dõi việc học tập của con, các phụ huynh rất phấn khởi vì thấy con mạnh dạn, tự tin.

Hơn nữa dạy theo mô hình trường học mới có điểm đặc biệt đó là có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Trong các bài học của học sinh đều có phần luyện tập về nhà để học sinh trao đổi với bố mẹ. Trong quá trình trao đổi, hỏi đáp những câu hỏi mở này giúp học sinh khắc sâu được kiến thức và phụ huynh cũng theo dõi được quá trình học tập của các con khi ở trường. “Cách thiết kế sách của chương trình VNEN rất khoa học theo mô hình 3 trong 1. Giáo viên nhìn vào đó để dạy, học sinh nhìn vào đó để học và phụ huynh nhìn vào đó cũng có thể tự dạy cho con được.” – Cô Nguyễn Thùy Dung đã cho biết như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.