Thật ra, giáo dục toàn diện để phát triển năng lực và phẩm chất người học không phải là vấn đề mới của mục tiêu giáo dục nước ta, nhưng có lịch sử phát triển và đến nay cần có sự thay đổi căn bản.
Báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT, cũng như Báo cáo đánh giá độc lập của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) về tác động của VNEN đã khẳng định: VNEN đáp ứng đúng theo yêu cầu đổi mới mục tiêu GD&ĐT, thể hiện ở chất lượng học các môn toán và tiếng Việt của học sinh tốt hơn do làm giảm tỷ lệ điểm số thấp, tăng tỷ lệ điểm trung bình; học sinh phát triển hơn các kỹ năng cần thiết của công dân thế kỷ 21: làm việc nhóm, lãnh đạo, giao tiếp, tự học, tự chủ… Kết quả đó cần được nghiên cứu và vận dụng tốt hơn trong thời gian hiện nay và sắp tới.
Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, đổi mới giáo dục quan trọng nhất là chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm năng lực phải có quá trình hình thành dựa trên tri thức và những phẩm chất riêng của mỗi người.
Quá trình giáo dục phải là quá trình tổ chức các hoạt động học tập, rèn luyện để phát triển những tố chất sẵn có của từng cá nhân thành những thuộc tính riêng mỗi người, bao gồm kiến thức, kĩ năng và các phẩm chất cá nhân (động cơ, hứng thú, ý thức trách nhiệm, niềm tin, ý chí…) cho phép thực hiện thành công, hiệu quả nhất các vấn đề của cuộc sống trong những hoàn cảnh nhất định, mang dấu ấn cá nhân nhưng phù hợp với giá trị xã hội.
Để có thể thích ứng với hoàn cảnh thường xuyên biến đổi thì khả năng tự học suốt đời, năng lực tư duy, năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề xuất hiện trong cuộc sống mới là cái đọng lại và cần thiết cho cả cuộc đời của tất cả học sinh. Do đó, dạy cách học quan trọng hơn dạy kiến thức.
Đổi mới giáo dục đòi hỏi nội dung dạy học phải thật tinh giản, cơ bản, hiện đại và thiết thực; phương pháp dạy học phải chuyển từ việc chú trọng truyền thụ kiến thức sang thông qua hướng dẫn người học tự tìm ra kiến thức dựa trên tự học (bao gồm học cá nhân và học tương tác với bạn, với thầy) để dạy họ cách học; coi trọng hoạt động trải nghiệm trong từng bài học và trong các hoạt động ở trường, ở gia đình và xã hội; qua đó hình thành và phát triển ở người học năng lực tư duy độc lập, năng lực và hứng thú tự học, vận dụng tổng hợp và linh hoạt tri thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.
Phải bảo đảm sự thống nhất giữa dạy học tích hợp (để phát triển năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng) và dạy học phân hoá (để phù hợp với đặc điểm nhận thức và nhu cầu của từng người học) trong từng cấp học và trình độ đào tạo.
Việc kiểm tra đánh giá người học cũng phải chuyển trọng tâm từ đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức. Cần phải nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của việc đánh giá, trước hết, đánh giá phải góp phần làm nên và cải thiện kịp thời chất lượng giáo dục; đánh giá phải góp phần phát triển năng lực tự học; đánh giá để xác nhận phẩm chất và năng lực mà học sinh đạt được.
“Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 (hợp nhất Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT) hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học đã đánh dấu những tiến bộ quan trọng của việc đổi mới đánh giá học sinh phổ thông Việt Nam. Tinh thần đổi mới đó cần được nghiên cứu, áp dụng phù hợp cả ở THCS và THPT” – TS Nguyễn Vinh Hiển cho hay.