Đổi mới giáo dục: Cần sớm hiện thực hóa việc trao quyền tự chủ về chuyên môn cho giáo viên

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, tiếng nói của giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế, ngay cả trong chính câu chuyện giáo dục mà các thầy cô là nhân vật trung tâm.

Cô Nguyễn Thị Hà trong một giờ dạy học. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Hà trong một giờ dạy học. Ảnh: NVCC

Do đó, cần trao quyền tự quyết định cho giáo viên về chuyên môn giảng dạy.

Phá bỏ rào cản

Với 21 năm đứng trên bục giảng, thầy Bùi Hữu Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) – cho hay: Việc dạy học hiện nay chủ yếu được thực hiện trên lớp theo bài/tiết (hoặc dạy học theo chủ đề) trong sách giáo khoa, trong phạm vi một tiết học nên không đủ thời gian triển khai đầy đủ các hoạt động học tập của học sinh. Vì vậy, nếu giáo viên thực hiện một cách cứng nhắc, khuôn mẫu, thiếu quyền tự quyết ngay trong chính bộ môn mình dạy rất khó để đổi mới phương pháp dạy học. Thậm chí còn là rào cản của đổi mới giáo dục.

Bên cạnh quan tâm chăm lo đời sống nhà giáo bằng những chế độ, chính sách, cần phá bỏ rào cản trên bằng cách giao cho tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn chủ động cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong chương trình giáo dục hiện hành, thành những chủ đề dạy học.

Đồng thời, có thể chuyển một số nội dung dạy học thành hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thực hiện ngoài lớp học phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Điều này thay thế việc dạy học đang được thực hiện theo từng bài/tiết trong sách giáo khoa như hiện nay, nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Về lâu dài, căn cứ vào chuẩn đầu ra được quy định trong khung chương trình quốc gia, giao quyền chủ động cho giáo viên và tổ chuyên môn trong việc lựa chọn tài liệu dạy học, tự xây dựng nội dung dạy học và cam kết bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đạt được mục tiêu giáo dục.

Để bảo đảm mục tiêu giáo dục, cần giảm tải bớt các khâu hành chính trong giáo dục. Bỡi lẽ, một số thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, không đem lại hiệu quả giáo dục, gây tốn kém, mất tính sáng tạo, làm mất thời gian của giáo viên. Thời gian thực hiện việc đó, để giáo viên đầu tư vào chuyên môn sẽ tốt hơn.

“Việc trao quyền tự quyết định cho giáo viên các vấn đề về chuyên môn giảng dạy đối với lớp mà họ phụ trách, và phải cam kết chuẩn đầu ra được quy định trong khung chương trình quốc gia là xu thế tất yếu và cần sớm được hiện thực hoá”, thầy Tuấn đề xuất.

Thầy Bùi Hữu Tuấn (đứng ở giữa) và học trò. Ảnh: NVCC
Thầy Bùi Hữu Tuấn (đứng ở giữa) và học trò. Ảnh: NVCC

Trao quyền tự chủ cho giáo viên

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) trao đổi: Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, việc áp dụng đổi mới phương pháp dạy học là cần thiết. Theo đó, giáo viên được quyền chủ động hơn trong chuyên môn. Thực tế, không có phương pháp dạy học nào hoặc cuốn sách giáo khoa nào là tuyệt đối. Thay vào đó, thầy cô được tự do, linh hoạt trong việc chọn lựa nội dung ở các bộ sách khác nhau vào giảng dạy dựa trên khung chương trình/kiến thức.

Như vậy, giáo viên cần được trao quyền sáng tạo trong giảng dạy, quyền tự quyết định cho các vấn đề chuyên môn đối với các lớp mình phụ trách. Quyền tự chủ không có nghĩa là tự do muốn dạy gì thì dạy, mà vẫn phải dựa trên khung chương trình đã đề ra. Giáo viên phải dạy đúng chương trình nhưng được chọn lọc những kiến thức, phương pháp khác nhau để tự tạo ra giáo án phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm khi đánh giá, học sinh đạt được yêu cầu.

Ngoài ra, khi giáo viên được trao quyền tự quyết đối với các vấn đề chuyên môn, đòi hỏi họ phải tích cực cập nhật các kiến thức xã hội, thông tin về địa phương, đất nước. Qua đó, vừa có thêm hiểu biết, đủ năng lực lựa chọn những gì cần thiết và phù hợp nhất cho học trò của mình.

Nhắc lại, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã giao quyền tự chủ cho giáo viên, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: “Giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh thời lượng các bài học miễn sao bảo đảm số tiết trong năm học đúng quy định”. Theo đó, giáo viên có quyền điều chỉnh tăng giảm thời lượng theo thực tế giảng dạy. Khi giáo viên được tự chủ, tiết học của thầy - trò dễ thăng hoa hơn. Tất nhiên, tự chủ gắn liền với trách nhiệm và giải trình”.

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, muốn trao quyền tự chủ cho giáo viên phải thực hiện đổi mới quản trị nhà trường. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nhấn mạnh, nhà trường không chỉ là quản lý mà phải thực hiện quản trị.

Thực tế cho thấy, giáo viên là nhân vật trung tâm của đổi mới giáo dục, nhưng đâu đó tiếng nói của giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế, ngay cả trong chính câu chuyện giáo dục mà các thầy, cô là nhân vật trung tâm… Khi giao quyền tự chủ, giáo viên phải có ý thức, trách nhiệm cao, nếu không rất nguy hiểm.

Trước hàng loạt giải pháp các cơ sở giáo dục đang thực hiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, thậm chí đến giáo viên là “điểm nhấn” nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp vẫn phải lấy chất lượng nhà giáo làm gốc và là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng yêu cầu, song song với việc đưa ra bộ chỉ số phát triển giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới bảo đảm đúng hướng, mục tiêu, đúng chỉ đạo, phù hợp với hội nhập quốc tế, cũng cần đưa ra chỉ số đột phá để thấy sự khác biệt của giáo dục Việt Nam so với thế giới.

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, giáo viên cần được tự chủ trong chuyên môn. Họ có quyền quyết định dạy bài nào và lựa chọn tài liệu nào để dạy học, miễn là vẫn đúng với nội dung, chương trình. Ngoài ra, giáo viên có quyền chủ động sử dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Không nhất thiết theo khuôn mẫu là kiểm tra 15 phút, hay 1 tiết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ