Đồng hành cùng nhà giáo: Cùng giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp

GD&TĐ - Năng lực của đội ngũ là một trong những nhân tố quyết định chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục.

Khóa bồi dưỡng giáo viên cốt cán của tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ Chương trình ETEP. Ảnh: ITN
Khóa bồi dưỡng giáo viên cốt cán của tỉnh Phú Yên trong khuôn khổ Chương trình ETEP. Ảnh: ITN

Bởi vậy, nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, giảng viên được coi là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Mỗi trường đều có giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giúp đội ngũ phát triển chuyên môn.

Tạo điều kiện tối đa

Nâng cao năng lực giảng viên được coi là công việc thường xuyên, liên tục của từng trường, khoa và mỗi giảng viên. Bởi vậy, nhiều cơ sở giáo dục đại học có quỹ riêng để hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên vay vốn không lãi suất nhằm phục vụ việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Bố trí giảng viên làm thay phần việc của người được cử đi học cũng là một hình thức hỗ trợ đồng nghiệp trong khi người đi học vẫn được hưởng lương và các chế độ từ quỹ phúc lợi.

Là trường đào tạo đa ngành, đa bậc học, quy mô đào tạo trên 20.000 sinh viên, để thực hiện công tác đào tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) có đội ngũ cán bộ giảng viên, nhân viên hơn 2.000 người. Đây là lực lượng nòng cốt để tạo nên chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu cho nhà trường.

TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, là cơ sở giáo dục ngoài công lập, tự chủ về tài chính nên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đưa ra những chính sách lương thưởng phù hợp với năng lực của từng người, hỗ trợ đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cho cán bộ, giảng viên.

“Giảng viên các trường đại học công lập được trả lương bằng ngân sách, được đào tạo, nâng cao trình độ, thậm chí cử đi đào tạo nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Nhưng ở các trường ngoài công lập như ĐH Nguyễn Tất Thành, nhà trường tự bỏ kinh phí.

Trong suốt 22 năm hình thành, phát triển, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên người lao động có môi trường làm việc tốt nhất, hưởng được nhiều chế độ đãi ngộ nhất. Có được điều này là nhờ vào sự nỗ lực của Hội đồng quản trị, ban giám hiệu và sự cố gắng của quý thầy cô trong công tác tuyển sinh, đào tạo, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học…” - TS Trần Ái Cầm chia sẻ.

Theo quy chế thu chi nội bộ của trường, cán bộ, giảng viên, nhân viên đi học chuyên môn nghiệp vụ trong diện quy hoạch được hưởng nguyên lương và các chế độ khác. Ngoài ra, người đi học còn được hỗ trợ toàn bộ học phí, tiền tàu xe, đúng theo hình thức đào tạo được ghi trong giấy triệu tập hoặc quyết định cử đi học. Nhà trường bố trí người làm thay để cán bộ, giảng viên, nhân viên đi học theo thông báo của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Những người hoàn thành chương trình đào tạo bồi dưỡng trước hoặc đúng tiến độ được trường tiếp nhận vị trí công tác cũ, xem xét tăng lương, bổ nhiệm chức danh cao hơn. Cán bộ, giảng viên, người lao động nhận học vị tiến sĩ đúng thời hạn và quay về trường làm việc được khen thưởng tương ứng số tiền các năm hỗ trợ đào tạo.

Nhằm hỗ trợ cán bộ, giảng viên, nhân viên có kinh phí để nâng cao trình độ chuyên môn, như học thạc sĩ, tiến sĩ… nhà trường liên kết với nhiều ngân hàng để cán bộ, giảng viên, người lao động vay vốn với mức lãi suất thấp. Với các khóa học chuyên môn nghiệp vụ do nhà trường yêu cầu, người học được hỗ trợ 100% học phí… bên cạnh đó, hàng loạt các hỗ trợ khác được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành triển khai như: Hỗ trợ bảo hiểm nhân thọ cho cấp quản lý; thưởng các ngày lễ, tết, hiếu hỉ, ốm đau, hưu trí; có cơ chế thăng tiến, khen thưởng rõ ràng cho giảng viên hoàn thành vượt nhiệm vụ giảng dạy đề ra…

Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Lên kế hoạch dài hơi

Hỗ trợ đội ngũ nhà giáo phát triển nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT đã có chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm. Bộ GD&ĐT cũng thông qua Chương trình ETEP triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ và kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Qua đó, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt, từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại cơ sở trường học.

Tất cả giáo viên được tiếp cận nguồn tài liệu gốc, tự nghiên cứu, tự học với sự hỗ trợ trực tuyến của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt trong suốt quá trình. Bất cứ khó khăn gì trong quá trình vận dụng kiến thức vào thực tế giảng dạy, người tham gia bồi dưỡng đều có thể tìm sự hỗ trợ từ giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm và đồng nghiệp bằng nhiều hình thức, thông qua nhiều kênh khác nhau như điện thoại, Zalo, messenger, email…

Bên cạnh chính sách chung, các trường phổ thông cũng có những chính sách hỗ trợ riêng cho đội ngũ. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) chia sẻ, nhà trường đã lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 5 năm để định hướng giáo viên phấn đấu. Đồng thời, kế hoạch thực hiện được thảo luận để thống nhất, sau đó phổ biến công khai, minh bạch trong đơn vị. Trường đồng thời liên kết với các ngân hàng để giáo viên vay tín chấp, lãi suất ưu đãi, trả dài hạn; bảo lãnh cho GV vay tín chấp với Công đoàn ngành Giáo dục, Liên đoàn lao động thành phố.

Để tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, ngoài nỗ lực của nhà trường, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng kiến nghị UBND TP Cần Thơ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ sau đại học kể cả khác với chuyên ngành. Đơn cử, quy định giáo viên phải học sau đại học chuyên ngành phương pháp giảng dạy đúng môn mình đang dạy. Quy định này không phù hợp thực tiễn do nhiều môn học chưa có chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành phương pháp giảng dạy. Đối với các ngành có đào tạo đúng chuyên môn nhưng giáo viên phải đi xa, tốn chi phí, ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng gia đình. Điều này khiến nhiều giáo viên ngại đi học.

Ông Trần Đắc Viện - Chủ tịch Công đoàn giáo dục tỉnh Hưng Yên cho biết: Các nhà trường trên địa bàn đều quan tâm, tạo điều kiện cho thầy cô về thời gian để đi học nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm dạy đủ tiết và hưởng 100% lương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có Quyết định số 01 ngày 12/1/2018, quy định hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học, trong đó có giáo viên với mức hỗ trợ từ 15 - 20 triệu đồng tùy thời gian đào tạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.