Đồng hành cùng nhà giáo: Tôn vinh những nỗ lực của người thầy

GD&TĐ - Dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhưng đội ngũ nhà giáo luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam động viên kịp thời cho học sinh xuất sắc và các thầy cô giáo có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: TG
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam động viên kịp thời cho học sinh xuất sắc và các thầy cô giáo có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi. Ảnh: TG

Ghi nhận, tôn vinh nỗ lực của người thầy, nhà trường, địa phương triển khai nhiều hình thức phù hợp.

Nỗ lực vì học trò

Tranh thủ thời gian nghỉ dịch, các cô giáo Trường Mầm non Ánh Sao (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tranh thủ cải tạo lại khu vườn rau. Tận dụng diện tích trên sân thượng, khu vườn rau này là nơi để trẻ thực hành kỹ năng gieo trồng chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây, làm các thí nghiệm về cây cỏ. Đặc biệt, khu vườn rau còn phục vụ cho chính bữa ăn của trẻ.

“Vườn rau của bé” là một trong những ý tưởng đầu tư dám nghĩ dám làm của cô Hiệu trưởng Vũ Ngọc Dự. Cô Dự luôn theo sát, đồng hành với đội ngũ giáo viên trong từng nhiệm vụ nhằm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm và trở thành địa chỉ tin yêu của các phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Hằng - phụ huynh học sinh - chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy yên tâm khi gửi con học tại trường. Mong dịch bệnh sẽ nhanh kết thúc để các con quay lại trường và được hòa mình vào không gian xinh đẹp này”.

Trong giờ học môn Hóa học của học sinh Trường THCS Trưng Vương (huyện Mê Linh, Hà Nội), học sinh hăng hái phát biểu xây dựng bài, được tham gia các trò chơi hấp dẫn để tiếp thu bài giảng. “Mềm hóa” những công thức hóa học, đồng thời khuyến khích học sinh tìm tòi khám phá là “bí quyết” của cô Phạm Thị Thu Hường nhằm giúp học sinh yêu thích môn học này.

Từ nhiều năm nay, cô Hường được bạn bè đồng nghiệp ngưỡng mộ bởi những thành tích đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh cũng như phát huy tính chủ động sáng tạo của các em. Đội tuyển học sinh giỏi của trường do cô dẫn dắt nhiều năm liền đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố. Có được thành tích này là nhờ sự tâm huyết, sáng tạo của cô trong gần 20 năm gắn bó với nghề.

Khiêm tốn tự nhận mình là “không có phương châm dạy học nào đặc biệt”, nhưng bằng sự tâm huyết trong công tác giảng dạy và kiến thức chuyên môn sâu rộng, thầy Nguyễn Trung Tuân đã đóng góp không hề nhỏ cho chiếc Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế mà học trò Đỗ Bách Khoa (học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đoạt được.

Thầy Nguyễn Trung Tuân cho biết: Các thành viên trong đội tuyển đặt quyết tâm cao nhất cho kỳ thi nên dù kết quả ra sao cũng đáng tự hào. Và Đỗ Bách Khoa là học sinh xuất sắc nhất. Khoa khiêm tốn và nghiêm túc trong học tập, thành tích này chính là phần thưởng xứng đáng cho công sức mà em đã bỏ ra.

Dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của thầy Nguyễn Hồng Hải - người có gần 20 năm kinh nghiệm trong bộ môn Hóa học, Nguyễn Duy Anh và Nguyễn Lê Thảo Anh (học sinh lớp 12 Hóa 1, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Hóa học quốc tế.

Nổi tiếng với phong cách giảng dạy gần gũi, sinh động, gợi mở, thầy đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh yêu Hóa và giỏi Hóa. Thầy Hải luôn cố gắng chăm sóc, bồi dưỡng cho từng học sinh. Với mong muốn là làm sao để mỗi khi gặp thầy, các em đều thấy hứng thú với môn học và có động lực để học, tự học tốt hơn.

Trường Đại học Kinh tế động viên chúc mừng giảng viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: TG
Trường Đại học Kinh tế động viên chúc mừng giảng viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: TG

Tạo động lực nghiên cứu khoa học

Trong năm 2021, PGS.TS Nguyễn An Thịnh - giảng viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) có nhiều bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí xếp hạng Q1, Q2 thuộc hệ thống danh mục ISI/Scopus. Điều này thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năng lực nghiên cứu sâu rộng, sự sáng tạo và kiên trì bền bỉ của nhà nghiên cứu trên hành trình chinh phục và lan tỏa tri thức.

PGS.TS Nguyễn An Thịnh chia sẻ: Để gặt hái được thành quả nhất định trong nghiên cứu khoa học còn là sự may mắn khi luôn được các thầy cô, đồng nghiệp, đối tác hỗ trợ và hợp tác tích cực để hoàn thành khối lượng công việc lớn với một kết quả tốt nhất. Việc động viên, hỗ trợ, khen thưởng của nhà trường cũng giúp giảng viên có thêm động lực để nghiên cứu khoa học.

Cũng sở hữu nhiều công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí hàng đầu trong nước và quốc tế trong năm nay, TS Nguyễn Xuân Đông - giảng viên Trường ĐH Kinh tế - tâm sự: Niềm vui lớn nhất là kết quả nghiên cứu của mình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, bởi đó là sản phẩm được quốc tế công nhận và lưu lại cho các thế hệ học giả đọc và tham khảo.

Đội tuyển học sinh giỏi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: TG
Đội tuyển học sinh giỏi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: TG

“Sức bền” để duy trì cống hiến

Thấu hiểu ý nghĩa của lời động viên, sự khích lệ kịp thời, thầy Bùi Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho biết: Trong năm 2021, học sinh nhà trường có thành tích xuất sắc của thầy và trò trên đấu trường quốc tế.

Đằng sau thành công của học trò, không thể không nhắc đến những giáo viên đã tâm huyết dẫn dắt đội tuyển. Bằng tinh thần nhiệt huyết và chuyên môn vững chắc, các thầy chính là những người anh hùng đứng sau những thành tựu vẻ vang ấy, truyền cảm hứng sâu sắc cho các đồng nghiệp cũng như các thế hệ học sinh.

Ghi nhận và tôn vinh nỗ lực của thầy và trò, theo thầy Bùi Văn Phúc, hàng năm, nhà trường luôn quan tâm động viên, tạo động lực cho các thầy cô phấn đấu, nâng cao trình độ giảng dạy. Đó không chỉ là những phần thưởng, bằng khen, giấy khen mỗi khi có thành tích, mà còn là sự động viên, chăm lo trong cuộc sống hàng ngày, giúp nhà giáo vượt qua khó khăn.

Đăng tải bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trên thế giới vô cùng quan trọng, nhằm nâng cao uy tín học thuật, củng cố vị trí trong cộng đồng nghiên cứu khoa học. Để làm được điều đó, các tác giả phải đánh đổi nhiều mồ hôi công sức với sự miệt mài, nghiêm túc, sáng tạo. Chia sẻ điều này, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - nhận định: Trường luôn có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời những nỗ lực đổi mới và sáng tạo trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên.

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội - chia sẻ: Bên cạnh những hoạt động tôn vinh nhà giáo, Công đoàn ngành tập trung chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đề xuất về chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn Giáo dục Hà Nội tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở tập trung triển khai biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phúc lợi ưu đãi cho đoàn viên.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp nhà nghiên cứu vượt qua thách thức, theo TS Nguyễn Xuân Đông là sự đam mê trong nghiên cứu học thuật. Cùng với đó là sự động viên, khen thưởng kịp thời của lãnh đạo nhà trường, giúp cho học giả có được sức bền để vượt qua khó khăn, vất vả trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.