Đồng hành cùng nhà giáo: Ấm áp từ những sẻ chia

GD&TĐ - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Trường THPT số 1 TP Lào Cai hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Trường THPT số 3 Mường Khương. Ảnh: NTCC
Trường THPT số 1 TP Lào Cai hỗ trợ nhu yếu phẩm cho Trường THPT số 3 Mường Khương. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, trong khó khăn ấy, mỗi địa phương, nhà trường đều cố gắng hỗ trợ, chăm lo cả tinh thần lẫn vật chất để động viên nhà giáo sớm vượt qua đại dịch, tiếp tục cống hiến và gắn bó cùng trường lớp.

Việc làm thiết thực

Đứng trước hoàn cảnh nhà giáo, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, Công đoàn Giáo dục Hà Giang quyết định hỗ trợ 33 cán bộ, giáo viên, người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 20 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

33 trường hợp giáo viên, NLĐ được nhận hỗ trợ vừa qua đều có vợ hoặc chồng thậm chí cả gia đình diện F0. Chồng hoặc vợ không có việc làm ổn định, con nhỏ; hộ cận nghèo; thuê nhà ở, người ly hôn một mình nuôi 2 con…

Điển hình như gia đình thầy Nguyễn Minh Khánh công tác tại Trường THPT Ngọc Hà (TP Hà Giang), 2 con còn nhỏ, 2 bố con đều F0. Vợ thầy Khánh lao động tự do nên không có thu nhập do phải nghỉ việc phòng dịch. Trường hợp cô Lê Thị Thúy Phương - Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang (TP Hà Giang), chồng không có việc làm ổn định, con nhỏ dưới 20 tháng tuổi, cả gia đình đều bị F0…

Ngoài kinh phí hỗ trợ của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Hà Giang cũng hỗ trợ cho 4 công đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19. Tất cả đều thuộc diện F0.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Trong đợt dịch vừa qua, toàn ngành Giáo dục quận Hà Đông có một số trường hợp nhà giáo thuộc diện F0, F1. Nhiễm bệnh, cách ly khiến cuộc sống của gia đình họ bị đảo lộn. Mặt khác, trên thực tế còn nhiều gia đình nhà giáo khó khăn, mất việc làm, con cái ốm đau. Nhiều cô giáo bị bệnh và đang chữa bệnh hiểm nghèo…

Để động viên và hỗ trợ phần nào cho nhà giáo, Công đoàn Giáo dục Hà Nội và Liên đoàn Lao động quận Hà Đông đã động viên, hỗ trợ vật chất cho khoảng 30 thầy cô. Đặc biệt, tại các nhà trường, dù khó khăn vẫn phát động và ủng hộ nguồn lực giúp đỡ giáo viên và học sinh về vật chất.

“Có thể sự hỗ trợ với từng cán bộ, giáo viên và NLĐ chưa lớn, nhưng điều đó thiết thực và ý nghĩa. Càng trong khó khăn, càng thấy được tình đồng nghiệp cao quý, sự ấm áp sẻ chia của xã hội, ngành Giáo dục… với đội ngũ nhà giáo”, bà Hằng bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, là trường công lập nên lương cơ bản của giáo viên được giữ nguyên, trừ khoản hỗ trợ thêm ngoài lương bị cắt. Tuy nhiên, nếu học sinh tiếp tục nghỉ qua tháng 12/2021, trường sẽ phải nợ lương giáo viên. Bởi trường đang thực hiện tự chủ tài chính, lương của giáo viên sẽ không có nếu nguồn thu học phí bị ngắt.

“Giáo viên trường công lập đều xác định may mắn hơn so với đồng nghiệp các trường mầm non ngoài công lập khi hầu hết mất việc và không có sự hỗ trợ. Dù cuộc sống khó khăn hơn, nhiều gia đình giáo viên phải làm việc khác để mưu sinh. Công đoàn trường không hỗ trợ được nhiều về vật chất nhưng luôn quan tâm hỏi thăm, động viên để giáo viên nỗ lực vượt khó. Tất cả đều hướng tới thời điểm học sinh được trở lại trường. Cuộc sống và công việc giáo viên sẽ dần ổn định trong trạng thái bình thường mới…”, cô Linh trao đổi.

Tại Mường Khương (Lào Cai), UBND huyện đã phong tỏa tạm thời Trường THPT số 3 huyện Mường Khương với quy mô 25 giáo viên, nhân viên và 346 học sinh/8 lớp để phòng, chống dịch Covid-19. Trước thực tế toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường phải sinh hoạt tập trung trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, Công đoàn Trường THPT số 1 TP Lào Cai đã huy động và trao tận nơi lương thực thực phẩm trị giá 30 triệu đồng.

Học sinh Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) được hướng dẫn vận động, vui chơi trực tuyến dưới sự hỗ trợ của gia đình. Ảnh: TG
Học sinh Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) được hướng dẫn vận động, vui chơi trực tuyến dưới sự hỗ trợ của gia đình. Ảnh: TG

Tiếp thêm động lực để vượt khó

Bà Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Giang chia sẻ, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên và NLĐ bị ảnh hưởng Covid-19 từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn có thêm hỗ trợ từ Công đoàn Giáo dục tỉnh (1 triệu đồng/người). Tuy số tiền khiêm tốn nhưng là nguồn động viên tinh thần và hỗ trợ kịp thời vật chất cho những nhà giáo bị ảnh hưởng bởi dịch.

Cũng theo bà Phương, trong dịch bệnh thì “Một nắm khi đói hơn một gói khi no”, các thầy cô đều bày tỏ sự xúc động bởi sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của ngành Giáo dục. Nhiều thầy cô cho biết, đời sống nhà giáo vùng khó vốn khó chồng khó, đại dịch càng tăng thêm thử thách. Tuy nhiên, họ đã nhận được sự quan tâm của ngành. Điều đó giúp họ thêm quyết tâm chiến thắng đại dịch. Và đặc biệt họ đã và mãi yêu nghề, bám trường bám lớp cho dù chưa hết thử thách, khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Phương Thúy - nhân viên y tế Trường THPT Ngọc Hà (TP Hà Giang) diện F0, 2 con F1 tự cách ly tại nhà nên gặp nhiều khó khăn. Công đoàn Giáo dục Hà Giang đã hỗ trợ 1 triệu đồng trong quá trình mẹ con cô điều trị bệnh và cách ly tại nhà.

Trao đổi về món quà ý nghĩa, cô Thúy xúc động nói: “Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, nhiều đồng nghiệp mắc bệnh. Vì vậy, mọi sự quan tâm của Công đoàn Giáo dục Hà Giang, Công đoàn trường, đồng nghiệp dù là hỏi thăm hay những hỗ trợ vật chất nhỏ… tôi đều vô cùng cảm động và biết ơn. Tôi coi đây là sự động viên lớn để bản thân thực hiện thật tốt 21 ngày điều trị, cách ly vừa chăm sóc cho các con”.

Hiện sức khỏe của cả gia đình đã trở lại bình thường, cô Thúy được trở lại công việc của mình. “Từng được nhận sự quan tâm hỗ trợ của đồng nghiệp, nhà trường, Công đoàn Giáo dục Hà Giang… nên khi trở lại trường, tôi cảm thấy thêm gắn bó với công việc và quyết tâm làm tốt nhất nhiệm vụ. Tôi cũng phát huy kinh nghiệm của cá nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói chung và về công tác y tế trường học nói riêng”, cô Thúy tâm sự.

Trực tiếp tham gia công tác hỗ trợ cho Trường THPT số 3 huyện Mường Khương thực hiện phong tỏa, phòng chống dịch, cô Phạm Thị Tuyết Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 TP Lào Cai chia sẻ: “Đây là việc làm thiết thực của mỗi cán bộ trong ngành Giáo dục. Mỗi người đều thấy mình cần có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong khó khăn. Sự sẻ chia ấy cũng là cách để nhà trường giáo dục học sinh toàn trường về tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chiến thắng dịch Covid-19…        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ