Đổi mới dạy học trên nền tảng công nghệ số

GD&TĐ - Nhiều giáo viên tại Hải Phòng tích cực chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực trong dạy học.

Thầy Lê Văn Thắng với bài 5: Màu sắc trăm miền; Nói và Nghe.
Thầy Lê Văn Thắng với bài 5: Màu sắc trăm miền; Nói và Nghe.

Nhịp nhàng phương pháp

Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân vừa thực hiện thành công chuyên đề Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch Sử và Địa Lý lớp 7 theo Chương trình GDPT 2018. Môn Ngữ văn do thầy Lê Văn Thắng giảng dạy với bài 5: Màu sắc trăm miền; Nói và Nghe: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại. Thầy Nguyễn Văn Công dạy môn Lịch sử và Đại lý chủ đề chung 2, tiết 2: Đô thị: Lịch sử và hiện tại.

Cô Lê Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ, cả 2 tiết đã sử dụng các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá như phần mềm trắc nghiệm trực tuyến Plickers, kĩ thuật 5W-1H, phương pháp sân khấu hoá… Đây là những phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại, hình thức hoạt động mới mẻ, phát huy tối đa tinh thần tự học, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết tập thể.

Chuyên đề đã khơi gợi hứng thú và đam mê đối với học tập và nghiên cứu khoa học ở mỗi học sinh, đặc biệt là đối với các môn khoa học xã hội trong chương trình mới. Qua hoạt động, học sinh được hình thành và phát triển các năng lực chung như: Tự học, tự giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp và tương tác cùng các năng lực chuyên biệt như: Ngôn ngữ, cảm thụ thẩm mĩ. Các em cũng được phát triển những đức tính phẩm chất tốt đẹp, đó là tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu và quý trọng cái đẹp văn hoá, sự văn minh, tiến bộ, tinh thần trách nhiệm và khát vọng sáng tạo.

Học sinh được nhận xét chéo lẫn nhau trong tiết học Ngữ văn.

Học sinh được nhận xét chéo lẫn nhau trong tiết học Ngữ văn.

Trong tiết dạy môn Ngữ văn, bài 5: Màu sắc trăm miền; Nói và Nghe: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại, thầy Thắng đã linh hoạt các phương pháp dạy học để học sinh xác định được những vấn đề trọng tâm của bài nói về văn hoá truyền thống. Học trò biết cách xây dựng bài nói theo yêu cầu.

Qua phần chuẩn bị, các nhóm đã đưa ra sản phẩm bài nói của mình. Nhóm 1 trình bày về Lễ hội Đền nghè; Nhóm 2 thông tin về làng hoa Hạ Lũng; Nhóm 3 trình bày sơ đồ tư duy về bánh đa cua Hải Phòng. Các nhóm được quan sát chéo và đánh giá lẫn nhau qua phiếu đánh giá với các tiêu chí, nội dung, mức độ đạt được. Các nhóm vận dụng nhiều phương pháp được học để trình bày bài nói của mình như: Sân khấu hoá, thuyết trình, hoạt động nhóm, hoạt động cá nhân. Sau mỗi phần trình bày của mỗi nhóm, các bạn và thầy sẽ nhận xét, cho điểm.

Phần luyện tập, thầy Thắng khéo léo giao nhiệm vụ để học sinh thực hiện, nắm chắc được yêu cầu của bài nói về chủ đề, nội dung, bố cục, ngữ điệu và sự tương tác cũng như cách thể hiện tình cảm, cảm xúc tự nhiên, chân thành của người nói.

Tiết dạy sôi nổi môn Lịch sử, Địa lý của thầy Công.

Tiết dạy sôi nổi môn Lịch sử, Địa lý của thầy Công.

Trong bài dạy môn Lịch sử và Địa lý chủ đề chung 2, tiết 2: Đô thị: Lịch sử và hiện tại, thầy Nguyễn Văn Công vận dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: Dạy học dự án, khai thác, sử dụng tư liệu và đồ dùng trực quan, tích hợp kiến thức liên môn, đàm thoại; kĩ thuật tia chớp…

Thầy Công đã giúp học trò phân tích được các điều kiện địa lý và lịch sử góp phần hình thành và phát triển một đô thị cổ đại và trung đại. Học sinh biết trình bày về mối quan hệ giữa đô thị với các nền văn minh cổ đại, vai trò của giới thương nhân với sự phát triển đô thị châu Âu trung đại.

Trong bài dạy, học sinh được hình thành năng lực tìm hiểu về lịch sử, biết cách sử dụng và sưu tầm sử dụng một số tư liệu; nhận thức và tư duy lịch sử, phân tích được các điều kiện địa lý và lịch sử góp phần hình thành và phát triển một đô thị cổ đại và trung đại. Đồng thời các em biết cách vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn, các em có thể đóng vai, tái hiện được hoạt động kinh tế trong đô thị cổ đại, trung đại; vận dụng kiến thức để tìm hiểu sự hình thành, phát triển của đô thị Hải Phòng xưa và nay.

Phần trình bày bài trong tiết Ngữ văn của học trò Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân.

Phần trình bày bài trong tiết Ngữ văn của học trò Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân.

Chia sẻ từ thực tiễn

Trong tiết học chuyên đề Ngữ văn, Đào Việt Phương, lớp 7C12 cùng du khách nước ngoài (bạn Đặng Minh Khôi cùng lớp vào vai) đã tìm hiểu về văn hoá truyền thống của Hải Phòng qua món ăn bánh đa cua. Việt Phương sử dụng tiếng Anh rất lưu loát, biểu cảm khiến cho phần trình bày của nhóm thêm hấp dẫn, sinh động.

Việt Phương cho rằng: Hoạt động nhóm trong môn Ngữ văn rất thú vị khiến các bạn có tinh thần đoàn kết, gắn bó qua trải nghiệm thực tiễn. Nhiều hoạt động được sân khấu hoá thể hiện sở trường của các bạn trong lớp làm cho giờ học nhẹ nhàng, vui vẻ.

Thầy Lê Văn Thắng cho hay: Để thực hiện thành công các tiết dạy bộ môn theo chương trình GDPT 2018 cần vận dụng nhiều phương pháp khác nhau bao gồm cả truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên trong từng bài học, từng đơn vị kiến thức cụ thể lại cần lựa chọn những phương pháp sao cho hiệu quả nhất để đạt mục tiêu bài học đề ra chứ không phải chỉ là phô diễn số lượng về phương pháp, kĩ thuật trong dạy học.

Chẳng hạn, theo thầy Thắng, khi thực hiện bài học luyện nói về một vấn đề nào đó thì giáo viên có thể tổ chức nhiều hình thức và phương pháp khác nhau nhưng nên sử dụng phương pháp thuyết trình để nhiều học sinh có thể trình bày nội dung bài nói do chính mình đã chuẩn bị trước tập thể ở từng mức độ khác nhau.

Thầy Nguyễn Văn Công cho rằng, sử dụng nhiều phương pháp dạy học sẽ mang lại giờ dạy hiệu quả nhưng không có phương pháp nào là toàn năng. Bởi theo thầy Công mỗi phương pháp đều được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm sư phạm và tùy từng đối tượng người học, nội dung dạy học và tình huống phát sinh để vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học đạt kết quả tối ưu.

Việc sử dụng những phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực đã thể hiện việc đổi mới phương pháp dạy học. Thêm vào đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy sẽ giúp các em tri giác tốt hơn, từ đó kích thích được trí tưởng tượng và sáng tạo của học sinh.

Thầy Công nhấn mạnh: “Mục tiêu chương trình GDPT 2018 sẽ chuyển từ dạy học định hướng nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Vì vậy, đổi mới kiểm tra đánh giá là rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đó. Trong tiết dạy học chuyên đề, tôi đã vận dụng phương pháp làm việc cá nhân bằng phiếu học tập. Thông qua kết quả phiếu học tập cá nhân tôi sẽ dựa vào đó để đánh giá, cho điểm thường xuyên”.

Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ học tập cho nhóm cũng có thể đánh giá thông qua sản phẩm học tập của học sinh. Ví dụ: Giao nhiệm vụ cho 1 nhóm học sinh vẽ tranh Lãnh địa phong kiến và Đô thị trung đại làm đồ dùng dạy học hay nhóm học sinh tham gia sân khấu hóa, tái hiện lại khung cảnh một hội chợ thương mại ở đô thị châu Âu trung đại. Các sản phẩm này của học sinh đã mang lại không khí sôi nổi trong tiết học và bản thân tôi đánh giá rất cao về khả năng làm việc nhóm của các em.

Nguyễn Trần Gia Hưng, học sinh lớp 7C7 chia sẻ: Học môn Lịch sử và Địa lý rất thú vị. Chúng em không phải ngồi nghe và ghi chép những lời giảng của thầy, mà dưới sự dẫn dắt của thầy chúng em được cùng nhau hoạt động, thảo luận đóng vai diễn trên cơ sở kiến thức nền thầy đã cung cấp. Được cùng nhau hoạt động chúng em sẽ nhớ kiến thức lâu hơn và được phát huy sở trường của mình qua các trải nghiệm.

Dự 2 tiết chuyên đề trên, ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: 2 tiết dạy đảm bảo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường hoạt động, đạt mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh và đổi mới kiểm tra đánh giá. Trong tiết dạy, trò được hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm. Tiết dạy linh hoạt nhiều phương pháp: Sân khấu hoá làm cho tiết học sinh động, hấp dẫn; phương pháp dạy học theo trạm trong kiểm tra, đánh giá rất hiệu quả. Học sinh được hoạt động nhiều; được kiểm tra, đánh giá chéo, khiến trò hào hứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ