Không thể chậm trễ đổi mới dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Đa số giáo viên đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn. Tuy nhiên, để việc triển khai đạt hiệu quả tối đa cần sự đồng bộ trên phạm vi cả nước, bảo đảm công bằng với tất cả học sinh.

Giờ học của cô trò Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Giờ học của cô trò Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Lắng nghe ý kiến từ giáo viên bộ môn

Không thể phủ nhận thực tế còn giáo viên dùng văn mẫu để dạy học trò, không đổi mới phương pháp dạy học; không phát triển được khả năng ngôn ngữ, cảm thụ văn học và yêu thích môn học nơi học sinh…

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, ngoài hướng dẫn các trường học về đổi mới trong đánh giá, kiểm tra đối với môn Ngữ văn, Sở sớm tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến từ giáo viên bộ môn nhằm có những hỗ trợ kịp thời.

Với hạn chế thực tại, cô Nguyễn Thị Nhin, giáo viên Ngữ văn Trường THPT số 1, thành phố Lào Cai (Lào Cai), cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn rất cần thiết. Chỉ có đổi mới mới hạn chế khắc phục được tối đa tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép, học thuộc văn mẫu…

Bày tỏ mong đợi và tán thành cao với chủ trương đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đánh giá rằng chúng ta đi đúng xu hướng dạy học hiện đại, hòa nhập, giúp nâng cao năng lực học sinh theo hướng dạy học phát triển năng lực CT GDPT 2018.

Theo cô Thúy, cách kiểm tra, đánh giá cũ trong các đề thi (đại học, lớp 10) luôn có phần nghị luận văn học, cảm nhận phân tích 1 bài hoặc đoạn văn bản trong sách giáo khoa. Điều này biến việc làm bài thành hoạt động tái hiện những gì thầy cô luyện; học sinh viết y văn mẫu, “lời hay ý đẹp” của giáo viên thì đánh giá cao.

Để đáp ứng yêu cầu chương trình mới, đổi mới đề thi, kiểm tra là cần thiết để nâng cao năng lực đọc, hiểu, phân tích 1 tác phẩm văn chương bất kỳ cho học trò. Hơn nữa, đưa văn bản ngoài sách giáo khoa vào đề thi, kiểm tra sẽ đạt được sự công bằng cho mọi học sinh khi làm bài bởi văn bản, ngữ liệu mới, được tiếp cận như nhau, không thể thuộc lòng văn mẫu để làm bài.

Tiết học Văn của học sinh Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tiết học Văn của học sinh Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Đều tay, nhất quán

Cô Nguyễn Hồng Hải, Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) chỉ ra những khó khăn giáo viên sẽ gặp phải khi thực hiện đổi mới kiểm tra dạy học và đánh giá môn Văn. Đó là thời lượng dạy trên lớp không thay đổi về số tiết. Nếu chuyển sang dạy kỹ năng làm bài theo cách kiểm tra, đánh giá mới sẽ không còn nhiều thời gian để học sinh luyện tập.

Việc xây dựng hệ thống câu hỏi với dữ liệu mới đòi hỏi đầu tư thời gian, tâm sức, chuyên môn. Trong khi đó, năm học mới đang rất gần, giáo viên còn nhiều việc cần chuẩn bị. Một thách thức khác, giáo viên nhiều năm đã quen với kiểm tra, đánh giá theo cách cũ khó để thích nghi với hoàn cảnh, yêu cầu chuyên môn ngay. Do đó, việc thay đổi cần có thời gian, lộ trình để giáo viên kịp ngấm, nghiên cứu phương pháp, bồi dưỡng chuyên môn…

Theo đề xuất của cô Hải, khi Bộ GD&ĐT chưa bắt buộc 100% bài kiểm tra dùng ngữ liệu mới, giáo viên không nên quá “căng thẳng”. Trước mắt, trên cùng một văn bản trong sách giáo khoa, có thể thay đổi cách đặt câu hỏi. Một văn bản nhưng câu hỏi khác thì học sinh sẽ phải học, ôn tập và trả lời kiểu khác. Và thời gian tới, Bộ, sở cần triển khai tập huấn với nội dung bám sát yêu cầu thực tế và đưa ra phương pháp, ứng dụng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện triển khai của giáo viên.

Cho rằng, việc kiểm tra theo hướng “dứt” hoàn toàn ngữ liệu trong sách giáo khoa cần có lộ trình, cô Mai Thị Ánh Nguyệt, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình, Hà Nội) viện dẫn: Với lớp 6 và 7 có thể triển khai ngay, còn lớp 8 và 9 nên lấy tỷ lệ 60% kiến thức trong sách, 40% bên ngoài, hoặc cao hơn là 50/50.

Tán thành với hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, song cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THCS Lương Yên cũng bày tỏ, trừ một số giáo viên đã dạy sách giáo khoa mới còn lại vẫn cơ bản dạy theo truyền thống. Họ cần có sự thích nghi dần dần.

“Trong hướng dẫn của Bộ chỉ yêu cầu với các đề kiểm tra cuối kỳ, giữa kỳ, không bắt buộc 100% bài kiểm tra triển khai theo cách mới, song thực tế còn 4 bài kiểm tra thường xuyên. Như vậy, nhà trường có thể chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên kiểm tra kết hợp cả theo cách mới và cũ với 4 bài kiểm tra này để thầy và trò dần thích nghi”, cô Thúy trao đổi.

Đối với nhà trường cần bám sát hướng dẫn của Bộ, sở để chỉ đạo sát sao giáo viên; Tổ chức tập huấn, trao đổi chuyên môn cho giáo viên Tổ Văn; khuyến khích và yêu cầu giáo viên tiếp cận hướng dẫn mới và tự nghiên cứu học hỏi… Như vậy, khi giáo viên bước vào triển khai sẽ không bị bỡ ngỡ và hiệu quả.

Ở góc độ quản lý, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), đề xuất, việc triển khai đổi mới trong kiểm tra, đánh giá dạy – học môn Ngữ văn cần phải có sự “đều tay” và nhất quán. Các sở GD&ĐT phải giám sát, kiểm tra mức độ triển khai của các trường để bảo đảm công bằng cho học sinh. “Có thể không cần phải tập huấn cho giáo viên nhưng các sở GD&ĐT phải có hướng dẫn chi tiết những vấn đề liên quan. Chẳng hạn, việc không dùng các tác phẩm trong sách giáo khoa để ra đề chỉ áp dụng khi thực hiện kiểm tra, đánh giá cuối kỳ hay bao gồm cả bài kiểm tra giữa kỳ, đánh giá thường xuyên?”, cô Vân lấy ví dụ.

Một điều nữa mà rất nhiều cán bộ quản lý như cô Kim Vân mong mỏi là không những đề thi tốt nghiệp THPT mà ngay cả các đề thi đánh giá năng lực, cũng cần phải có sự điều chỉnh trong sử dụng ngữ liệu, văn bản đối với môn Ngữ văn theo hướng không trích lại các tác phẩm đã có trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Kim Vân, “ngữ liệu đề thi như thế nào gọi là chuẩn vẫn chưa có. Chưa kể, mỗi giáo viên lại có quan điểm, mức độ khác nhau trong yêu cầu đối với học sinh cũng như thẩm định, cảm nhận, phân tích ngữ liệu. Đề kiểm tra cuối mỗi học kỳ có sự phản biện trước tổ chuyên môn. Nhưng đề kiểm tra một tiết do mỗi giáo viên tự xây dựng. Có thể giáo viên này cho rằng đạt đến mức A là ở ngưỡng đánh giá nhận biết, nhưng giáo viên khác lại có yêu cầu cao hơn”. Những điều này, tổ chuyên môn Ngữ văn phải hỗ trợ ban giám hiệu trong thẩm định, đánh giá.

Cô Nguyễn Thị Nhin đề xuất nên lấy một phần hoặc lấy các văn bản cùng phong cách của 1 tác giả, cùng giai đoạn, cùng trào lưu văn học… thay vì thay thế hoàn toàn ngữ liệu trong sách giáo khoa. Mặt khác, trước khi triển khai đại trà, ban giám hiệu cần cùng tổ chuyên môn bàn họp, đưa ra những góp ý, đề xuất. Khi thực hiện vấn đề mới vào thực tiễn sẽ “bật” ra khó khăn nên nhà trường cần hỗ trợ kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ