Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số

GD&TĐ - Ngày 16/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Toàn cảnh Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” tại Hà Nội.

Nâng cao đào tạo nguồn nhân lực

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cùng thách thức và làm thay đổi về cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Không chỉ cần năng lực chuyên môn cao, nhân lực báo chí, truyền thông phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao như tính chính xác, độc lập, công bằng, bí mật, nhân văn, trách nhiệm và minh bạch.

Theo Thứ trưởng, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã có nhiều nỗ lực, tích cực đổi mới nhưng công tác đào tạo vẫn tiến hành theo phương thức truyền thống, đến nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số.

Kết quả là nhiều sinh viên báo chí ra trường, trở thành nhà báo nhưng chưa được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cho tác nghiệp báo chí số. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đánh giá, phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số.

ThS Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số cần gắn với 3 chữ “K”, bao gồm Kiến thức, Kỹ năng, Kỹ thuật và công nghệ. Không chỉ được học và tự học kiến thức chuyên sâu lẫn nền tảng, các nhà báo trẻ phải chịu khó học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp báo chí ngay từ khi còn ở trên “thao trường, bãi tập”.

“Hiện nay, kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ nhà báo từ thu thập thông tin, phân tích dữ liệu đến sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên đa nền tảng. Do vậy các cơ quan báo chí hiện nay phải đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực làm báo không chỉ có tư duy tốt về nội dung mà còn phải giỏi cả về kỹ thuật công nghệ”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập báo VietNamNet, đánh giá, sinh viên báo chí những năm gần đây được đào tạo bài bản, tự tin, mạnh dạn hơn, nhiều em có ngoại ngữ tốt, biết thiết kế, dựng video đơn giản... Dù vậy, để tìm 1 sinh viên có đủ các kĩ năng cơ bản để đào tạo nguồn phóng viên mới rất khó.

Để sinh viên có thể thích nghi ngay với hoạt động của tòa soạn, cần đẩy mạnh việc thực hành, thực tập tại các cơ sở báo chí. Ngoài chương trình học hiện nay, sinh viên cần được đầu tư thêm một số kỹ năng mới như làm báo đa phương tiện, khả năng xử lý dữ liệu, hiểu biết về SEO…

PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu tại diễn đàn.
PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu tại diễn đàn.

Đổi mới phương pháp tổ chức đào tạo

Trong vai trò tổ chức đào tạo, PGS. TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: Đào tạo báo chí truyền thông hiện đại cần đảm bảo 3 yếu tố gồm nội dung, phương pháp, công nghệ và cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông là yếu tố được đặt ra thường xuyên.

PGS. TS Nguyễn Trường Giang đề xuất Bộ TT&TT có sáng kiến, gợi mở để kết nối chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Về phía cơ sở đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông gắn liền với sự thay đổi thói quen, ý thức của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong truyền và tiếp nhận thông tin.

Đổi mới phương pháp đào tạo cần gắn với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo đạo đức nghề nghiệp; Đề cao vai trò người thầy; Lấy người học làm trung tâm…

PGS. TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng Bộ TT&TT cần nghiên cứu để ban hành quy định đối với các nhà báo không tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo báo chí trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay, bắt buộc phải có chứng chỉ nghề nghiệp báo chí.

Đồng thời, PGS đề xuất đưa kiến thức về năng lực thông tin, năng lực tiếp nhận thông tin và đạo đức trong truyền thông thành một nội dung giảng dạy trong môn Giáo dục Công dân tại các cấp học Phổ thông.

Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hoà nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.