Yêu cầu mới trong đào tạo báo chí

GD&TĐ - Để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, công tác đào tạo báo chí ở nước ta đã  và đang có sự thay đổi lớn.

Công tác đào tạo báo chí không thể đứng ngoài cuộc trong sự đổi thay của thời 4.0
Công tác đào tạo báo chí không thể đứng ngoài cuộc trong sự đổi thay của thời 4.0

Cơ hội và thách thức

Có thể thấy, kỷ nguyên số đã tác động mạnh mẽ đến công tác đào tạo lực lượng cán bộ, phóng viên báo chí trong nước. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trong kỷ nguyên truyền thông số, nền báo chí truyền thông của nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Tại các cuộc hội thảo lớn về công tác đào tạo báo chí, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, công tác đào tạo báo chí đang đứng trước một số thách thức sau: Thách thức về nhận thức và kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, thách thức về hoạt động sản xuất tác phẩm báo chí, về hoạt động quản lý báo chí, thách thức về cách ứng xử với công chúng ngày nay như thế nào khi mạng xã hội bùng nổ, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp cho hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí thuận lợi và nhanh chóng, tác nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, cập nhật thông tin liên tục đến độc giả. Một chiếc điện thoại thông minh, phóng viên có thể vừa dùng làm máy chụp ảnh, vừa có chức năng ghi âm, vừa có thể gõ bản thảo và khi đã được kết nối mạng Internet, phóng viên thuận lợi phản ánh sự kiện đang diễn ra, cập nhật gửi về tòa soạn và đưa đến độc giả với tốc độ nhanh nhất có thể.

Đào tạo báo chí phải thay đổi

Có thể nói, trong thời đại kỷ nguyên số, tác nghiệp của phóng viên báo chí hoàn toàn thay đổi. Vì thế, trong các trường ĐH, thời gian qua công tác đào tạo cũng bắt buộc phải thay đổi. Mục đích tạo ra nguồn nhân lực báo chí đáp ứng thời đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả. Nhà trường phải dạy cho sinh viên cái họ cần để hành nghề, đào tạo phải “lấy người học làm trung tâm, bám sát nhu cầu xã hội”. Sinh viên cần được tăng cường thời lượng và kỹ năng thực hành, giảm học lý thuyết.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí vì thế phải chuyên biệt theo các loại hình và theo xu hướng tích hợp đa phương tiện, xây dựng tòa soạn theo hướng hội tụ. Đồng thời, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, trên cơ sở kế thừa chương trình đào tạo quốc tế. Chương trình đào tạo báo chí đòi hỏi phải tăng cường tính hội nhập quốc tế. Phương thức đào tạo phải theo hướng tích hợp đa phương tiện.

PGS. TS Nguyễn Văn Dững cũng chỉ ra rằng, định hướng đào tạo báo chí trong kỷ nguyên truyền thông số phải chú trọng các vấn đề sau: Trước hết phải tạo điều kiện và hướng dẫn phương pháp để người học tích hợp kiến thức nền tảng, kiến thức bách khoa đủ rộng, đồng thời tạo cơ hội định hướng tích hợp kiến thức ngành, chuyên ngành, tích hợp đa kỹ năng trong điều kiện kỹ thuật và truyền thông số, bảo đảm tác nghiệp trong môi trường truyền thông số và thế giới đang bị làm phẳng.

Tiếp nữa, thu hẹp quy mô đào tạo nhà báo chuyên nghiệp để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo chuyên trách có hệ kiến thức và kỹ năng, phương pháp chuyên sâu như: Báo chí điều tra, báo chí chính luận, báo chí môi trường, báo chí - truyền thông…

Có thể thấy, chính cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi nhu cầu nhận thức về thông tin của độc giả. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi công tác đào tạo báo chí phải thay đổi theo để đào tạo được nguồn nhân lực báo chí hoàn toàn thích ứng với xu thế thời đại – thời đại kỷ nguyên số 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...