Từ năm học 2018 - 2019, trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) đã triển khai thực hiện chương trình đổi mới đào tạo ngành Y khoa, đào tạo dựa trên chuẩn năng lực bác sĩ đa khoa được Bộ Y tế ban hành năm 2015 và chuẩn đầu ra ngành Y khoa của nhà trường ban hành năm 2018.
Chương trình đổi mới được xây dựng tổng thể từ năm thứ nhất đến năm thứ 6 với các học phần đào tạo được phân bố hợp lý bao gồm y học cơ bản, y học cơ sở, y học lâm sàng.
Để thực hiện đổi mới đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, nhà trường thực hiện đổi mới đồng bộ từ xây dựng chương trình theo hướng tích hợp lồng ghép, tổ chức đào tạo theo hướng thực hành lâm sàng sớm và liên tục, lấy người học làm trung tâm, chuẩn hoá công tác lượng giá dựa trên năng lực, chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, ưu tiên hàng đầu là hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo cho đào tạo trực truyến và đặc biệt, tiếng anh chuyên ngành được tổ chức đào tạo liên tục trong 5 năm, song hành với các học phần chuyên môn.
Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, chương trình y học bản và y học cơ sở được thiết kế theo module tương ứng với hệ cơ quan trong cơ thể, bố trí theo trình tự logic thể hiện sự liên quan mật thiết của các cơ quan. Nội dung module được xây dựng theo các kiến thức cốt lõi của mỗi hệ cơ quan, gắn liền với các tình huống lâm sàng điển hình minh hoạ cho các kiến thức cốt lõi giúp hình thành năng lực vận dụng kiến thức y học cơ sở giải quyết các tình huống trong thực hành lâm sàng.
Sinh viên được đi thực hành lâm sàng sớm từ năm thứ hai, tại các cơ sở y tế tuyến huyện, với mô hình bệnh tật không quá phức tạp, giúp sinh viên vận dụng được những kiến thức của module vào thực tiễn lâm sàng. Đồng thời, lâm sàng giúp củng cố vững chắc hơn những kiến thức của module.
Trong thời gian học tập, sinh viên lần lượt được thực hành tại các tuyến y tế trong hệ thống y tế của ngành, từ trạm y tế xã, tới bệnh viện tuyến Trung ương. Với mô hình thực hành lâm sàng này, ngoài việc hình thành năng lực chăm sóc y khoa theo phân tuyến kỹ thuật, sinh viên có nhãn quan đầy đủ về hệ thống y tế Việt Nam, sẽ không còn bỡ ngỡ khi ra trường và có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Thay cho việc truyền thụ kiến thức, sinh viên được hướng dẫn tỉ mỉ việc tự chuẩn bị bài ở nhà thông qua việc khám phá tài liệu có hướng dẫn và tự trả lời câu hỏi được thiết kế trên hệ thống e learning về các kiến thức cốt lõi của mỗi bài. Khoảng trống kiến thức, kỹ năng của sinh viên sẽ được thảo luận trên lớp và bên giường bệnh, trong tua trực với nhiều hình thức khác nhau, như thông qua trả lời câu hỏi clicker, qua bài thực hành, làm việc nhóm, giải quyết tình huống lâm sàng, giờ học bên giường bệnh, chăm sóc người bệnh…
Với phương pháp dạy học này, người học thực sự trở thành trung tâm trong mỗi giờ học, năng lực thực hành nghề nghiệp của sinh viên được hình thành dần dần theo từng cấp độ, tăng dần qua mỗi học phần và qua từng năm học.
Song song với học chuyên môn, sinh viên còn được học tiếng anh chuyên ngành trong suốt 5 năm. Với nội dung đổi mới, sinh viên sẽ ứng dụng được tiếng anh trong việc tra cứu thông tin, cập nhật kiến thức chuyên môn kịp thời, đồng thời có thể giao tiếp với người bệnh nói tiếng Anh và tham gia sinh hoạt khoa học, hội thảo quốc tế.
Sự hài lòng của người bệnh là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng của nguồn nhân lực y tế. Nhận thức rõ điều này, song song với dạy và học kiến thức y học và kỹ năng chăm sóc y khoa, Nhà trường rất chú trọng tới việc đào tạo, rèn luyện y đức và tính chuyên nghiệp cho sinh viên thông qua các bài tập thực hành cũng như thông qua công tác tham gia chăm sóc sức khoẻ người bệnh cùng với nhân viên y tế.
Để đánh giá đúng năng lực của người học, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng và toàn diện, tất cả các học phần lý thuyết được đánh giá thông qua bộ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm MCQ. Ở phần thực hành, sinh viên được đánh giá thường xuyên, tất cả các mặt như kỹ năng chăm sóc y khoa, kỹ năng giao tiếp, tính chuyên nghiệp.
Điểm đặc biệt của chương trình đổi mới đó là việc áp dụng phản hồi kịp thời, phản hồi 360 độ,… giúp sinh viên kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm, sửa chữa. Với phương pháp phản hồi tích cực, không phán xét, không trì trích giúp sinh viên sớm đạt được năng lực mong muốn.
Thông qua đổi mới toàn diện chương trình đào tạo dựa trên năng lực, Trường ĐH Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) mong muốn các Bác sĩ khi tốt nghiệp có năng lực hành nghề chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, chăm sóc sức khoẻ người bệnh an toàn, hiệu quả và người bệnh thật sự hài lòng.
Như vậy, với mục tiêu và tầm nhìn chiến lược, nhà trường đang từng bước đồng bộ, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm xây dựng Nhà trường thành Đại học sức khỏe đa ngành, đa bậc học cơ sở đào tạo ra đội ngũ chuyên sâu của ngành y tế, có tiềm năng, tiềm lực nghiên cứu khoa học làm tiền đề phát triển vững chắc, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.