PGS.TS Đặng Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (ĐTBC&TT) điểm lại: Năm 1990, khoa Báo chí (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một ngôi trường không nằm trong hệ thống trường Đảng, hơn nữa, còn là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội).
Ngay từ những ngày đầu thành lập, khoa Báo chí đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, trong đó, nhiều thầy, cô là những nhà khoa học lớn. Nối tiếp sự nghiệp của các thế hệ đi trước, đội ngũ giảng viên của Viện ĐTBC&TT hiện nay phần lớn là những cán bộ trẻ tuổi, 100% giảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó 35% cán bộ giảng dạy của Viện là PGS, hơn 60% đạt học vị Tiến sỹ. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp ở Liên Xô, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nga... và là các chuyên gia uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu báo chí truyền thông.
Đến nay, Viện đào tạo báo chí và truyền thông đã trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu KHXH và NV hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên của Viện được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về các ngành KHXH và NV, những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa cùng sự hiểu biết xã hội toàn diện. Hệ thống trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại vào bậc nhất trong các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông hiện nay.
Từ mái trường này, hơn 10.000 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ báo chí đã tỏa về mọi miền đất nước, tác nghiệp, tạo nên dòng chảy liền mạch trong xã hội, gắn kết thông tin giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân, gắn kết giữa doanh nghiệp với công chúng. Nhiều cựu sinh viên là các nhà báo luôn ở tuyến đầu trong những thời khắc cam go của bão tố, lũ lụt, thiên tai, nhiều nhà báo là cây bút hàng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; hàng trăm cựu sinh viên đã được nhận giải thưởng Báo chí quốc gia, và giải báo chí toàn quốc của các ngành, các cấp,…
Tiếp nối truyền thống đào tạo 30 năm qua, nhiệm vụ và định hướng chiến lược của Viện trong thời gian tới là: Đào tạo báo chí truyền thông không chỉ tập trung đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ tác nghiệp, mà phải đào tạo một cách toàn diện, đặc biệt là về chính trị tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp, kiến thức chung về văn hóa, xã hội cho người làm báo; đồng thời, phải chỉ ra những giá trị cốt lõi, định hướng cho mô hình phát triển báo chí truyền thông của Việt Nam trong tương lai...