Đào tạo báo chí: Thích ứng với sự phát triển

GD&TĐ -Cùng với sự phát triển của đời sống và mạng xã hội, lĩnh vực báo chí chịu không ít thách thức. Vậy chương trình đào tạo (CTĐT) báo chí tại các trường đại học có những điều chỉnh gì để phù hợp với xu thế hiện đại?

Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM (thứ 4 từ phải qua) thăm và trao đổi về các hoạt động hợp tác với Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Ảnh: TG
Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM (thứ 4 từ phải qua) thăm và trao đổi về các hoạt động hợp tác với Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM. Ảnh: TG

Luôn cập nhật

Theo TS Phan Quốc Hải - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông (BC&TT), Trường ĐH Khoa học - Đại học Huế, nội dung đào tạo báo chí vừa phải hiện đại, đáp ứng được nhu cầu người học, gắn với bối cảnh số hóa vừa mang đặc trưng của môi trường học thuật chuyên sâu. Các nội dung như truyền thông mới, báo chí trên các thiết bị di động, báo chí đa phương tiện, đa nền tảng… kết hợp với những nội dung chuyên sâu về phân tích lý thuyết báo chí, xu thế và sự vận động, công chúng báo chí là những nội dung chính trong chương trình giảng dạy.

“Thời đại 4.0, mọi quy tắc và luật chơi trên bàn cờ truyền thông và báo chí đã thay đổi, vấn nạn tin giả, truyền thông “bẩn” đang khó kiểm soát thì đạo đức, tính nhân văn cần phải được đề cao và thực thi nhiều hơn, hiệu quả hơn. Vì thế, đào tạo báo chí truyền thông phải có trách nhiệm trang cấp cho người học những kiến thức, phông nền cơ bản về văn hóa, đạo đức, ứng xử, để nhận diện đúng vấn đề và đưa tin. Những vấn đề về nhận diện thông tin trung thực và tin sai sự thật, phòng chống tin xuyên tạc, kiểm chứng truyền thông xã hội, trách nhiệm và đạo đức nghề báo giúp người học nhận thức cũng như hành động nghề nghiệp chuẩn mực khi ra trường luôn được cập nhật trong CTĐT” - TS Phan Quốc Hải chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ThS Phạm Duy Phúc - Phó Trưởng khoa BC&TT, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM cho rằng: “Công nghệ truyền thông hiện nay đặt ra cho những người làm báo cả cơ hội để học hỏi, thử nghiệm, phát triển những năng lực mới mẻ lẫn thách thức để tìm ra phong cách tác nghiệp, lối tường thuật tin tức mới chinh phục công chúng. CTĐT báo chí của nhà trường cũng liên tục được rà soát, điều chỉnh, cập nhật định kỳ 2 năm/lần từ hơn mười năm qua để người học có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường nghề nghiệp vốn dĩ nhiều sáng tạo và thay đổi liên tục.

“Chỉ cần đối sánh CTĐT của nhà trường trong 5 - 6 năm trở lại đây có thể thấy rõ sự khác biệt của quá trình cập nhật, thích ứng đó. CTĐT từ năm 2016 trở về trước hướng đến tạo ra nguồn nhân lực cho môi trường báo chí đơn lập với tính phân hóa và chuyên môn hóa sâu sắc. Người làm báo tư duy, tác nghiệp chuyên biệt phù hợp với từng loại hình báo chí cụ thể như báo in hay phát thanh, truyền hình với các tòa soạn riêng biệt, thì từ năm 2017 đến nay, CTĐT đã khác.

Sinh viên chuyên ngành báo chí được đào tạo năng lực truyền thông đa phương tiện để có thể làm việc trong các tòa soạn, cơ quan báo chí tích hợp, hội tụ. Một sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí hiện không chỉ có năng lực hiểu sâu, viết và biên tập tốt, mà còn biết xử lý âm thanh, đồ họa, hình ảnh, viết kịch bản, đạo diễn và tự thể hiện sản phẩm của mình. Nói cách khác, CTĐT báo chí hiện nhằm tạo ra người làm báo có năng lực 4 trong 1: Sản xuất tin bài cho cả báo in, báo trực tuyến hay phát thanh, truyền hình” - ThS Phạm Duy Phúc chia sẻ.

Các giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) và Khoa Báo chí Trường CĐ PTTH II tại Hội thảo “Đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong bối cảnh hiện nay” tổ chức tại TP Huế (tháng 4/2021).
Các giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) và Khoa Báo chí Trường CĐ PTTH II tại Hội thảo “Đổi mới đào tạo báo chí truyền thông trong bối cảnh hiện nay” tổ chức tại TP Huế (tháng 4/2021).

Thầy cô chuyển mình

ThS Huỳnh Minh Tuấn - giảng viên bộ môn Báo Điện tử (Khoa BC&TT, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM), cho rằng: Môi trường báo chí truyền thông hiện thay đổi quá nhanh. Đặc biệt, với sự chi phối của phương tiện công nghệ mới, giảng viên phải không ngừng nâng cao năng lực bản thân. Từ đó, mới có thể đào tạo ra được những sinh viên có đủ kỹ năng, kiến thức đáp ứng thực tiễn.

Quá trình tự nâng cao năng lực của giảng viên buộc phải diễn ra thường xuyên, bằng nhiều phương pháp và cách thức khác nhau. Tìm tòi học hỏi qua tài liệu, sách báo mới nhất về lĩnh vực báo chí truyền thông, cũng như chủ động tham gia vào các hoạt động truyền thông thực tế nhằm có những cập nhật trực quan nhất về nghề luôn là ưu  tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần tìm kiếm cơ hội để trải nghiệm, giao lưu, cập nhật kiến thức, kỹ năng thông qua các khóa tập huấn, chương trình trao đổi, nghiên cứu ngắn hạn trong và ngoài nước.

“Hoạt động nghiên cứu khoa học cũng giúp giảng viên có cơ hội tổng kết thực tiễn nghề nghiệp, củng cố và hệ thống hóa các kiến thức mới. Từ đó, trang bị lại cho sinh viên không chỉ có kỹ năng làm nghề, mà còn cả cách tư duy cùng hệ thống kiến thức lý luận cơ sở vững chắc” - ThS Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ.

Thời gian qua ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng với hệ thống giáo dục cả nước giảng viên dạy báo chí cũng chuyển sang dạy, học và thi theo hình thức trực tuyến.

Theo ThS Hoàng Lê Thúy Nga - Phó Trưởng khoa kiêm Trưởng bộ môn Truyền thông (Khoa BC&TT, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế), học online làm giảm cơ hội tiếp cận các sự kiện thực tế đối với sinh viên ngành Báo chí. Sinh viên gặp trở ngại trong việc tham gia thực hành ở một số học phần về kỹ năng như: Viết tin, Phỏng vấn, Điều tra, Kỹ năng báo chí, Viết phóng sự, Tổ chức sự kiện, Quay và dựng phim, Xây dựng chương trình phát thanh, chương trình truyền hình...

Trước tình hình trên, ThS Hoàng Lê Thúy Nga cho rằng: Hình thức học online, thi vấn đáp online, làm bài tập, bài tiểu luận cũng là giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm quy định phòng chống dịch vừa giúp sinh viên tổng hợp, hệ thống các kiến thức được học. Tùy theo đặc thù, nội dung môn học, đề thi, đề bài kiểm tra, tiểu luận có thể ở dạng khảo sát, thống kê, mô tả, phân tích nội dung những tác phẩm, sản phẩm báo chí, truyền thông được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Thực tế, học tập dựa vào phương pháp phân tích nội dung và hình thức của sản phẩm báo chí - truyền thông, tác phẩm báo chí có sẵn sẽ giúp sinh viên tự rút ra cách viết, các dạng thức, cách trình bày, so sánh các mô hình... Từ đó, sinh viên có thể vận dụng để viết tin, bài báo chí, sản xuất, sáng tạo các sản phẩm truyền thông bất cứ lúc nào. Do vậy, bằng cách kết hợp những kỹ năng thực hành đã học tập trung từ trước và kết hợp với lý thuyết, sinh viên vẫn thực hiện tốt bài kiểm tra, bài thi, tiểu luận cuối kỳ. - ThS Hoàng Lê Thúy Nga 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.