Đổi mới công tác chủ nhiệm góp phần hoàn thiện chân dung “người học sinh mới”

GD&TĐ - Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc về bạo lực học đường (đâm bạn, lột đồ bạn để đánh đập hay bắt bạn quỳ để dằn mặt,…), xâm hại tình dục, suy đồi đạo đức, lối sống của HS,… diễn ra gây nhức nhối xã hội.

Đổi mới công tác chủ nhiệm góp phần hoàn thiện chân dung “người học sinh mới”

Đứng trước thực trạng đó, tôi thiết nghĩ cần phải có những giải pháp để đổi mới công tác chủ nhiệm lớp nhằm góp phần hoàn thiện chân dung “Người học sinh mới” một cách nghiêm túc, hệ thống, toàn diện và mang tính khả thi. Công tác chủ nhiệm là tổng thể hàng loạt những công việc liên quan đến khâu quản lý, tổ chức, điều hành, giám sát, kiểm tra, đưa ra kế hoạch hoạt động cho một tập thể học sinh trong một lớp học nhất định.

Giáo viên chủ nhiệm như một người tổng chỉ huy trên mặt trận giáo dục tại lớp mình. Có nhiều giải pháp đã được đề cập đến trong những bài viết trước đây liên quan đến công tác chủ nhiệm. Tuy nhiên giải pháp để gắn liền với việc góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực “người học sinh mới” còn chưa được chú trọng và còn tản mạn. Ở đây, bản thân tôi xin được đề cập đến một số giải pháp mang tính hệ thống, cụ thể như sau:

Một là, cần chú trọng đổi mới tiết sinh hoạt lớp. Từ trước đến nay, tiết sinh hoạt lớp diễn ra hàng tuần ở mọi lớp học. Đây là tiết học để GVCN điều hành sinh hoạt lớp. Trong tiết học này, lâu nay chủ yếu là GVCN làm việc với HS từ đầu đến cuối tiết, HS chỉ ngồi nghe, lĩnh hội và tuân thủ, chấp hành những việc GVCN giao.

Vì thế, cả thầy cô giáo và trò đều cảm thấy áp lực, nhàm chán, mệt mỏi. Bởi vậy, chúng ta cần thay đổi cách thức tiến hành giờ sinh hoạt lớp như: Trao quyền cho học sinh điều hành tiết sinh hoạt lớp; Tổ chức tiết sinh hoạt lớp thành một buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống, giao lưu văn nghệ hoặc tổ chức trò chơi, tổ chức tiết sinh hoạt cho các em “lắng nghe” chính mình,…

Điều quan trọng nhất là để các em chủ động tự đưa ra lời đánh giá, nhận xét, nhận rõ ưu khuyết điểm của bản thân, bạn bè; bàn bạc thống nhất đưa ra kế hoạch hoạt động của lớp; thảo luận những vấn đề mà xã hội, giới trẻ quan tâm; đưa những chủ đề liên quan đến dịp kỷ niệm những ngày lễ quan trọng để tổ chức sinh hoạt văn nghệ; bồi dưỡng kỹ năng sống thông qua buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và các trò chơi. Ví dụ khi tổ chức tiết sinh hoạt để các em “lắng nghe chính mình”, tôi thường cho các em viết thư hoặc ghi vào tờ note gửi thầy (cô), bố (mẹ), cho chính mình hiện tại và tương lai (mấy chục năm sau này).

Đó là những dòng tâm sự về cuộc sống, về những người xung quanh (bố mẹ, thầy cô, bạn bè), về những gì đang diễn ra, về ước mơ, về tương lai của bản thân, … với những chủ đề: Mưa điều ước, Thư gửi thầy /cô, Thư gửi bố / mẹ (hoặc bố mẹ), Gửi tôi ở tương lai,… GVCN sẽ là người lưu giữ những bức thư này đến mai sau hoặc cuối năm trao cho các em để các em giữ. Hoặc áp dụng phương pháp: think (nghĩ) – pair (bắt cặp)- share (chia sẻ)…tạo nên bầu không khí dân chủ, thoải mái, tích cực, đầy hứng khởi cho giờ chủ nhiệm.

Hai là, đổi mới cách thức họp phụ huynh. Trong thực tế, nhiều phụ huynh tâm sự không muốn đi họp cho con vì con suốt ngày bị phê bình, học lực không được bằng bạn bè, hơn nữa, đi họp cơ bản chỉ ngồi nghe, có một phần thảo luận nhưng rất căng thẳng hoặc mang tính hình thức, nặng về hành chính. Xong họp là nộp các khoản đóng góp rồi về nên đi chủ yếu mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ. Bởi vậy, chúng ta cần chú ý: Trước khi chuẩn bị họp phụ huynh, GVCN nên tổ chức cho HS viết những dòng tâm sự vào tờ giấy note, bức thư gửi tâm nguyện của mình tới bố mẹ, thầy cô Tất cả sẽ được trang trí đẹp, rõ ràng trên giấy A0 theo từng nhóm.

Trong quá trình tổ chức cuộc họp, GVCN sẽ tổ chức trò chơi cho phụ huynh để phụ huynh tham gia tìm hiểu những nội dung liên quan đến lớp học, bạn bè của con mình; mời bố mẹ viết những dòng tâm sự về con, để cho cán bộ lớp báo cáo tình hình lớp và trao đổi với phụ huynh, cho phụ huynh ngồi thảo luận nhóm và đi tới góc trang trí của lớp để đọc tâm sự của con mình và được GVCN trao cho bức thư của con gửi cho bố mẹ.  

Ba là, đổi mới cách thức điều hành, chỉ đạo, quản lý lớp. Từ trước đến nay, cách điều hành, chỉ đạo, quản lý lớp truyền thống là: trực tiếp theo dõi, nhắc nhở HS, chỉ đạo qua đội ngũ cán bộ lớp, qua một số em thân cận để giám sát và nắm thông tin tình hình của lớp hoặc gần đây, GVCN còn sử dụng điện thoại và sổ liên lạc điện tử, tin nhắn hệ thống gửi đến phụ huynh. 

Thứ tư là, đổi mới cách thức phối hợp với Đoàn trường. Lâu nay, các hoạt động ngoại ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động vui chơi, giải trí chỉ tiến hành một chiều là Đoàn trường đề ra kế hoạch rồi GVCN đồng hành, thực thi theo nhưng với bản thân tôi thì GVCN là người cần chủ động đề xuất thực hiện một số kế hoạch của lớp với Đoàn trường để cùng Đoàn trường thực hiện một cách phù hợp nhất đồng thời mang lại hiệu quả cao nhất với lớp mình chủ nhiệm và có sự lan tỏa sâu rộng hơn, có sự nối kết với tuổi trẻ toàn trường... 

Từ những hoạt động trên, học sinh được hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực của “người học sinh mới” mà chương trình sách giáo khoa tổng thể đang hướng đến.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ