Thành công từ sự thấu hiểu

GD&TĐ - “Học sinh tiểu học luôn bắt đầu như trang giấy trắng, học sinh các trường vùng bản càng khó khăn khi tiếp thu kiến thức vì không hiểu tiếng Việt”. Là người dân tộc Cơ Tu, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cô giáo Lê Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Roàng, A Lưới thấu hiểu điều này hơn ai hết. Và, đó cũng là bàn đạp để cô đạt được những thành công trong sự nghiệp giáo dục của mình…

Cô giáo Lê Thị Giang trao phần thưởng cho HS có thành tích học tập xuất sắc
Cô giáo Lê Thị Giang trao phần thưởng cho HS có thành tích học tập xuất sắc

Sinh năm 1972, từ nhỏ cô Giang đã xác định phải chăm chỉ học mới xóa được đói nghèo và ước mơ trở thành giáo viên lớn dần trong cô từ đó. Vượt qua bao khó khăn của thời “cơm độn sắn” mà vẫn bữa đói bữa no, là chị cả của 3 đứa em trong gia đình nghèo, những ngày ở trường nội trú, thức ăn chính chỉ có muối tiêu cũng không làm chùn quyết tâm của Giang. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên - Huế năm 2000, trở về quê, Giang được nhận công tác tại Trường Tiểu học Hương Lâm, rồi chuyển về Trường Tiểu học A Roàng từ năm 2005 đến nay.

Hòa mình với những ngôi trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, từ những ngày đầu bước lên bục giảng, việc nâng cao tiếng Việt cho học sinh vùng bản được cô Giang chú trọng, cô tâm sự: “Chính những ánh mắt trong trẻo của các cô, cậu bé có màu da bánh mật, quần áo luôn lấm lem khi bập bẹ nói tiếng Việt đã cho tôi nhiều ý tưởng để xây dựng thành công Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số”.

Biết là khó, nhưng ngay những ngày đầu hòa nhập với nghề, cô giáo Lê Thị Giang tự tin rằng chỉ cần từng bước sẽ tháo gỡ hết mọi khó khăn. Những năm đầu là giáo viên chủ nhiệm, cô tự đặt ra chỉ tiêu cho mình là phải bằng mọi giá duy trì được sĩ số lớp học của mình. Và thế là, để làm được điều đó, Giang biết rằng công việc mỗi ngày không chỉ dừng lại sau tiếng trống trường; dù là ngày nghỉ, hay cuối buổi học, cô tìm mọi cách thu xếp thời gian đến từng nhà vận động, giải thích với phụ huynh về lợi ích của việc đầu tư kiến thức cho con cái.

Giang trải lòng: “Nhiều phụ huynh có thái độ bất cần nên mình phải thể hiện cho được tấm chân tình và phải kiên trì”. Sau nhiều lần đi đi về về, cô đã trở nên thân thiện và gần như chưa bao giờ thất bại. Nhiều học sinh nhờ đó cũng đã vượt qua khó khăn để tiếp tục việc học, như em A King Tuấn Đạt, mồ côi mẹ, ở thôn Hương Sơn cách trường hơn 5 km thì có 2 km đường phải qua ruộng nên chỉ đi bộ được thôi, ba em suốt ngày say xỉn.

Để gặp được ba Đạt lúc tỉnh, cô Giang phải nhiều lần đi đi về về mới trao đổi, động viên để ông dành nhiều thời gian hơn cho con. Hay, em Kăn A Lưng, HS lớp 5/1, ba mất cách đây 2 năm, mẹ không quan tâm, có hôm em đến trường mặt tái nhợt vì đói, cô phải mua mì gói cho em ăn rồi tìm gặp mẹ em để khuyên nhủ. Các em tưởng chừng như đã phải dừng việc học, nhưng giờ Đạt đang là học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, còn A Lưng, năm nào cũng hoàn thành tốt các môn học.

Năm 2008, được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng rồi trở thành hiệu trưởng, cô Giang vừa hết lòng truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp vừa lấy việc tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần làm một trong những tiêu chí xét thi đua. Với cách làm này, tỷ lệ học sinh chuyên cần ở A Roàng đến nay luôn đạt từ 95 đến 100% (kể cả mùa mưa).

Cùng với đó, cô chỉ đạo giáo viên vừa tăng cường sử dụng tiếng Việt vào bài giảng vừa phải học tiếng địa phương mới dễ dàng giúp học sinh giải thích từ khó; Mỗi năm nhà trường tổ chức từ 7 đến 8 hoạt động phong trào để tạo môi trường giao tiếp giúp học sinh vừa nâng cao vốn tiếng Việt vừa thích đến trường hơn, chất lượng giáo dục của trường nhờ đó chuyển biến rõ rệt.

Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, nhận xét: “Trường tiểu học vùng bản. A Roàng làm được điều này bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ giáo viên, chúng tôi đánh giá cao sự tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng của cô hiệu trưởng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.