Đổi mới chương trình, SGK tạo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng

GD&TĐ - Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 sau đợt giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

9 kết quả nổi bật

Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 đánh giá: trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Thứ nhất: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDPT đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện.

Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.

Trong giai đoạn 2014 - 2022, Quốc hội đã ban hành 2 luật, 5 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 kết luận; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành 19 nghị định, 2 nghị quyết, 5 quyết định, 1 chỉ thị, 62 thông tư và thông tư liên tịch về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT).

Thứ hai: Chương trình GDPT 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đã được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Chương trình GDPT mới đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; xác định rõ 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu, cốt lõi cần phát triển đối với học sinh phổ thông; đổi mới đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối các nội dung giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; tổ chức, sắp xếp lại một số môn học theo hướng tích hợp ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; khắc phục sự chồng lấn giữa các môn; bảo đảm kết nối giữa các lớp học, cấp học, giữa các chương trình môn học. Nội dung các môn học được xây dựng theo hướng giảm tải, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn đời sống.

Chương trình GDPT mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020 - 2021 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Chương trình GDPT mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020 - 2021 theo đúng lộ trình quy định.

Chương trình GDPT mới đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm học 2020 - 2021 theo đúng lộ trình quy định.

Thứ 3: Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Thứ 4: Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.

Thứ 5: Quy mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Tổng số giáo viên phổ thông cả nước tính đến cuối năm học 2021-2022 là 857.993 người (tăng 12.109 người so với đầu năm học 2018 - 2019), được bổ sung 14.835 biên chế trong năm học 2022-2023.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo của cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 75,3%, 86,4% và 99,9%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được bồi dưỡng, tập huấn theo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn 2016-2022 đã có 30.127 giáo viên cốt cán và 3.815 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên; 319.158 giáo viên và 22.860 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình bồi dưỡng đại trà.

Thứ 6: Hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản đúng tiến độ theo Nghị quyết số 51/2017/QH14, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm.

Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phát hành.

Thứ 7: Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Năm học 2021 - 2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường THCS, 2.441 trường THPT; trong đó, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 28 tỉnh.

Tổng số phòng học trên cả nước là 465.530 phòng (tăng 156.346 phòng so với năm học 2018 - 2019). Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,42% (tăng 5,8% so với năm học 2018 - 2019). Cả nước có 87.426 phòng học bộ môn, 211.572 bộ thiết bị dạy học. Tỷ lệ trường có thư viện ở cấp tiểu học, THCS, THPT lần lượt đạt 92,9%, 88,9% và 86,4%.

Thứ 8: Nhà nước đã cân đối ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Trong giai đoạn 2015-2022, tổng kinh phí đã bố trí là 213.449,72 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, chi thường xuyên là 81.770,14 tỷ đồng, chiếm 38,3%, chi đầu tư là 131.679,58 tỷ đồng, chiếm 61,7%. Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại và nguồn ngân sách trung ương chiếm tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 19,2% và 6,2% tổng kinh phí.

Thứ 9: Chính sách xã hội hóa giáo dục tiếp tục được thực hiện, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, biên soạn sách giáo khoa. Trong giai đoạn 2015-2022, đã thu hút được 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình GDPT); 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực GDPT với tổng số vốn đăng ký là 33,71 triệu USD.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vẫn còn những hạn chế trong thực hiện

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Trong đó có tồn tại, hạn chế liên quan đến: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện…; công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới GDPT; công tác thanh tra, kiểm tra; thời gian ban hành Chương trình GDPT 2018 và thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của Chương trình; quy định về môn học Lịch sử; thiết kế nội dung các môn học tích hợp ở cấp THCS; tổ chức các môn học, hoạt động giáo dục mới; xây dựng tổ hợp môn học tại cấp THPT; biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa...

Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ghi rõ: Chủ trương triển khai chương trình GDPT mới đồng thời ở cả ba cấp học dẫn tới thời gian chuẩn bị ngắn, công tác bảo đảm các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Cùng với đó, kết quả đổi mới phương pháp dạy và học ở nhiều cơ sở giáo dục chưa cao, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến.

Ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được đầy đủ nhu cầu đầu tư để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Việc triển khai một số chương trình, đề án liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Chỉ ra nguyên nhân khách quan của tồn tại, hạn chế, Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 nêu:

Xây dựng chương trình GDPT là nhiệm vụ mới, khó, diễn ra trong bối cảnh ngành Giáo dục đang tập trung hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Chương trình GDPT 2018 được triển khai đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Việc tổ chức dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên phải tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Công tác thi, kiểm tra, đánh giá gặp nhiều khó khăn.

Số lượng cơ sở GDPT lớn, phạm vi triển khai rộng. Điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu.

Chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh ở các địa bàn khác nhau có sự chênh lệch.

Nguyên nhân chủ quan là nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đổi mới chương trình GDPT chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện.

Trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu ở một số địa phương chưa rõ; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 88/2014/QH13 và các văn bản liên quan chưa được chú trọng đúng mức. Công tác dự báo, lập kế hoạch, lộ trình đổi mới chưa sát. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nghị quyết đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình GDPT; tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới GDPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ