Đổi mới chương trình, SGK: Ngành Giáo dục không thể “đi một mình”

GD&TĐ - Cần làm rõ một số vấn đề còn băn khoăn từ dư luận; lường trước tính cục bộ địa phương khi triển khai nhiều bộ SGK; nhất thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị... Đây là quan điểm của ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) - khi trao đổi xung quanh việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, SGK GD phổ thông mới.

Đổi mới chương trình, SGK: Ngành Giáo dục không thể “đi một mình”

Một chương trình, nhiều bộ SGK: Lường trước tính cục bộ địa phương

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; trong đó có việc quan trọng là đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông, cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Nhận định của ông Nguyễn Đắc Hưng: Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc triển khai các công việc và thông qua Chương trình GD phổ thông tổng thể vào tháng 7/2017; sau đó công bố xin ý kiến góp ý dự thảo các chương trình môn học vào tháng 1/2018.

Chương trình mới đã thể hiện được yêu cầu đổi mới, giảm tải, tiếp cận với xu thế tích cực của chương trình các nước tiên tiến trên thế giới; đặc biệt cố gắng thực hiện định hướng của Nghị quyết 29 và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực.

“Tuy nhiên, hiện nay xã hội vẫn quan tâm và muốn làm rõ thêm về tích hợp: tích hợp đến đâu, điều kiện để thực hiện dạy học tích hợp, mạch kiến thức chủ đạo của các môn tích hợp... Rồi việc giảm tải cụ thể ra sao, có đảm bảo hết lớp 9 HS sẽ đảm bảo kiến thức phổ thông nền tảng hay không? Tiếp nữa, chương trình mới có đáp ứng được yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay chưa?...

Bộ GD&ĐT, bộ phận biên soạn chương trình, từ Ban chỉ đạo đến Tổng Chủ biên, chủ biên các chương trình môn học, các chuyên gia, nhà khoa học đã hết sức nỗ lực, cố gắng, cầu thị để tiếp thu, sửa đổi chương trình. Tôi nghĩ rằng, một số băn khoăn nói trên sẽ được Ban Soạn thảo làm rõ hơn nữa để dư luận yên tâm.

Chúng ta không chạy theo dư luận mà nghiêm túc lắng nghe theo tinh thần cầu thị, khoa học, đồng thời cũng rất cần bản lĩnh để thực hiện nếu khẳng định là đúng - ông Nguyễn Đắc Hưng chia sẻ.

Quan tâm và ủng hộ chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, ông Nguyễn Đắc Hưng cũng lưu ý đến bài toán quản lý để làm sao không xảy ra cục bộ địa phương; tạo cạnh tranh lành mạnh để HS được thụ hưởng bộ sách giáo khoa tốt nhất, chất lượng nhất. Bài toán đặt ra là phải có hội đồng thẩm định rất nghiêm túc, độc lập, thậm chí lấy ý kiến đánh giá, cho điểm từ cộng đồng giáo viên.

Cần sự chung tay thật sự

Liên quan đến điều kiện thực hiện chương trình mới, ông Nguyễn Đắc Hưng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò đội ngũ giáo viên và cho rằng cần phải làm động tác phân loại để xem giáo viên nào đã đáp ứng yêu cầu, giáo viên nào cần bồi dưỡng hay đào tạo lại, nếu có người không đủ điều kiện cần mạnh dạn sắp xếp sang làm công việc khác. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó.

Về cơ sở vật chất, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng, một trong những yêu cầu của chương trình mới khi xây dựng là phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của HS. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn nhất là sĩ số HS.

“Để triển khai hiệu quả chương trình mới, một trong những điều kiện quan trọng là sĩ số HS trên lớp phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, việc giải bài toán này lại thuộc về sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, kinh phí không thuộc thẩm quyền của ngành GD mà là của chính quyền địa phương, của Chính phủ. Trong khi đó, những yếu tố trên không đảm bảo, không thể triển khai hiệu quả chương trình mới.

Bởi vậy, để thành công trong sự nghiệp đổi mới GD, ngành GD không thể đi một mình mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia của các đoàn thể chính trị. Cùng với đó là sự đồng thuận của dư luận xã hội” - ông Nguyễn Đắc Hưng chia sẻ.

Trước khi chia sẻ quan điểm về chương trình, SGK, ông Nguyễn Đắc Hưng đã có những đánh giá tích cực về chất lượng GD phổ thông của Việt Nam. Minh chứng ông đưa ra là HS Việt Nam tham gia các sân chơi quốc tế, cả đại trà và mũi nhọn và đều được đánh giá cao. Về đại trà, Việt Nam đã 2 lần tham gia kỳ đánh giá HS quốc tế PISA và đạt thứ hạng cao, dù nằm trong danh sách các nước có thu nhập thấp nhất trên thế giới tham gia PISA.

Về mũi nhọn, HS Việt Nam từ tiểu học đến THPT khi tham gia các sân chơi trí tuệ quốc tế đều đạt thành tích rất cao. Đặc biệt, năm 2017, 5 đoàn HS Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đã mang về 14 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng - thành tích cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, HS Việt Nam sau khi tốt nghiệp THPT đi du học ở nước ngoài, trong đó có những nước nền GD phát triển, rất nhiều em đạt thành tích tốt, kết quả học tập ở top cao và chuyển tiếp lên học thạc sĩ, tiến sĩ...

“Những kết quả đó là đánh giá khách quan nhất cho chất lượng GD phổ thông của Việt Nam. Thế giới đánh giá cao GD của Việt Nam, thậm chí có nhiều nước muốn học tập GD Việt Nam. Đánh giá chung, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam là một trong những nước có nền GD tốt; chương trình GD phổ thông của Việt Nam đã GD được HS có nền tảng tri thức khá tốt” - ông Nguyễn Đắc Hưng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.