Nói về mục đích của bồi dưỡng giáo viên (GV), theo GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội – có bồi dưỡng để đạt trình độ đào tạo GV theo quy chuẩn của Luật Giáo dục; bồi dưỡng để thường xuyên cập nhật, bổ sung, kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp tương đương với đào tạo tiếp sau đào tạo ban đầu; bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách giáo dục các cấp học; bồi dưỡng theo từng chuyên đề có tính thời sự cập nhật từ yêu cầu của cấp quản lý, hoặc từ nhu cầu của giáo viên; bồi dưỡng có tính chất thay đổi học thuật, kinh nghiệm giáo dục, dạy học trong tập thể sư phạm bộ môn, nhà trường.
Bồi dưỡng để chuẩn hóa trình độ đào tạo ứng với giáo viên từng cấp học
GS Đinh Quang Báo cho rằng, mục tiêu loại hình bồi dưỡng này phải hướng tới làm cho GV có được phẩm chất và năng lực nghề nghiệp với mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của trình độ tương ứng.
Thường đối tượng bồi dưỡng là GV ở trình độ thấp hơn, nghĩa là họ đã có sẵn kinh nghiệm, tri thức nghề nghiệp đặc biệt là kĩ năng thực hành nên khi xác định mục tiêu cụ thể cần mô tả tường minh chỉ số gia tăng năng lực nghề nghiệp để đạt cấp trình độ đào tạo cao hơn.
Thực chất đây là mục tiêu đào tạo liên thông vốn đã có chương trình ở các trường ĐHSP, CĐSP.
Bồi dưỡng cập nhật, bổ sung, kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp
Đây là loại bồi dưỡng thường xuyên trong suốt quá trình hành nghề của người GV. Nói theo thuật ngữ “giáo dục giáo viên” để chỉ nghề dạy học – giáo dục phải được đào tạo liên tục suốt đời thì đây là hình thức bồi dưỡng sau đào tạo ban đầu.
Theo GS Đinh Quang Báo, mục tiêu hình thức bồi dưỡng này là cập nhật, bổ sung, đổi mới, nâng cao kiến thức, năng lực nghề nghiệp đáp ứng chuẩn năng lực nghề nghiệp của từng giai đoạn ứng với yêu cầu đổi mới, cải cách phát triển giáo dục các cấp học.
Đây là hình thức bồi dưỡng thường xuyên được thực hiện theo từng chu kỳ từ 3 – 5 năm. Đến nay Ngành Giáo dục đã triển khai 3 chu kỳ, đang thực hiện chu kỳ thứ 4.
Trong các hình thức bồi dưỡng GV thì bồi dưỡng thường xuyên này là quan trọng nhất cho nên mục tiêu bồi dưỡng từng chu kỳ cần được nghiên cứu, cụ thể hóa trên yêu cầu giáo dục cấp học, nhu cầu địa phương, nhu cầu của GV, sao cho kết quả bồi dưỡng vừa nâng cao được tiềm lực lâu dài, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt trên cơ sở thường xuyên đánh giá, tự đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp.
Thực chất bồi dưỡng thường xuyên là quá trình phát triển nghề nghiệp, là bồi dưỡng năng lực phát triển nghề nghiệp vủa GV được quy định theo chuẩn nghề nghiệp GV.
Bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và SGK
Hình thức bồi dưỡng này thường được gọi tắt là bồi dưỡng thay sách với mục tiêu giúp GV quán triệt đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, giáo dục trong chương trình, SGK mới; Nắm vững những thay đổi so với chương trình, SGK hiện hành, để dạy và giáo dục học sinh đáp ứng mục tiêu giáo dục.
Mục tiêu cụ thể của bồi dưỡng thay sách được xác định vừa đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình, SGK vừa phát triển nâng cao tiềm lực vì những tình huống khó khăn khi thực hiện chương trình mới mà GV gặp phải cũng là những tình huống điển hình liên quan trực tiếp đến những tiêu chí cơ bản trong năng lực nghề nghiệp GV.
Với quan niệm đó, GS Đinh Quang Báo cho rằng, mục tiêu bồi dưỡng thay sách phải được xác định sao cho kết quả bồi dưỡng phát triển được tiềm lực GV, tiến tới GV luôn chủ động đáp ứng được mọi thay đổi về chương trình, SGK trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
Giải pháp “mì ăn liền” trong bồi dưỡng GV dần dần được khắc phục, thay bằng giải pháp có mục tiêu căn cơ, bền vững. Bồi dưỡng cho mỗi lần đổi mới chương trình và SGK có mục tiêu hướng đến triệt tiêu cách bồi dưỡng mang tính giải pháp tình huống.
Bồi dưỡng theo chuyên đề
Theo GS Đinh Quang Báo, đây là hình thức bồi dưỡng đa dạng về nội dung, cách thức tổ chức, phương thức triển khai.
Mục tiêu bồi dưỡng theo chuyên đề là cập nhật một cách linh hoạt những nội dung hoặc có tính thời sự liên quan đến nghề nghiệp, hoặc có cơ hội tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài, hoặc nhu cầu cấp bách của bản thân GV, cấp quản lý.
Bồi dưỡng theo chuyên đề nên hướng tới mục tiêu cập nhật những vấn đề thời sự về nghề nghiệp.
Bồi dưỡng GV tập sự và nâng ngạch GV
GV tập sự là GV năm đầu vào nghề dạy học, giáo dục. Khái niệm GV tập sự còn được mở rộng là người trong nghề giáo dục 5 năm đầu. Theo quy định hiện hành thì GV tập sự là GV năm đầu tiên trong nghề.
Với nội dung này, theo GS Đinh Quang Báo, qua khảo sát năng lực công tác của GV có thâm niên công tác ở nhà trường 5 năm đầu thấy họ có chung những khiếm khuyết nghề nghiệp vì vậy có thể thiết kế nội dung bồi dưỡng thống nhất cho đối tượng này.
Tuy nhiên chương trình bồi dưỡng đó phải thiết kế tạo ra hai công đoạn: công đoạn một năm đầu hành nghề và công đoạn sau tập sự năm đầu.
Công đoạn đầu có mục tiêu bồi dưỡng GV hoàn thiện những khiếm khuyết mà 4 năm đào tạo ban đầu còn để lại. Thực chất là bồi dưỡng ở công đoạn này giúp GV củng cố, bổ sung kiến thức, kĩ năng dạy học, giáo dục để đáp ứng chương trình, SGK phổ thông cấp học tương ứng.
Công đoạn này khắc phục khiếm khuyết lớn nhất mà đào tạo ban đầu để lại là kĩ năng thực hành và hiểu biết nhà trường phổ thông. Đây là công đoạn bồi dưỡng để GV có thể đạt chuẩn năng lực mức tối thiểu, có thể được hành nghề.
Công đoạn tiếp theo là hoàn thiện nâng cao năng lực nghề nghiệp, GV đã quen với nghề và bắt đầu có năng lực chủ động giải quyết một số tình huống sư phạm điển hình, thường hay gặp.
Cả hai công đoạn bồi dưỡng này đều phải tập trung bồi dưỡng năng lực giáo dục, năng lực tìm hiểu người học và môi trường giáo dục, năng lực tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.