Đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đổi mới quá trình dạy học gắn liền với đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong quá trình đó, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông từ năm học 2022 - 2023 được chú trọng đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng nề lý thuyết và học thuộc lòng theo văn mẫu, học vẹt, học tủ…

Nội dung kiểm tra, đánh giá phải toàn diện

Chúng ta cần nhận thức rằng đánh giá là một quá trình, đánh giá diễn ra trong suốt quá trình dạy và học.

Không chỉ giáo viên biết cách thức, các kĩ thuật đánh giá học sinh mà quan trọng không kém là học sinh phải học được cách đánh giá của thầy cô, phải biết đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá kết quả học tập rèn luyện của chính mình, để giúp hình thành năng lực của học sinh, cái mà chúng ta đang rất mong muốn.

Kế hoạch đổi mới kiểm tra, đánh giá phải được xác định từ đầu năm học, đầu học kì. Việc đánh giá kết quả bài học (hay một chương, một phần chương trình…) cần được tính đến ngày từ khi xác định mục tiêu và thiết kế bài học nhằm giúp học sinh và giáo viên nắm được những thông tin liên hệ ngược để điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Nội dung kiểm tra, đánh giá phải toàn diện, bao gồm cả kiến thức, kĩ năng và phương pháp, không phải chỉ yêu cầu tái hiện lại kiến thức và kĩ năng mà mở rộng ở nhiều hình thức như kiểm tra miệng, kiểm tra định kỳ, tổ chức các dự án cho các khối lớp trong từng năm học, các hoạt động nhóm, các hình thức trải nghiệm, các sản phẩm của chính học sinh thực hiện trong bài học, đa dạng với nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh để phát huy tối đa phẩm chất, năng lực…

Văn học luôn gắn liền với cuộc sống. Khi học văn, nếu học sinh có những trải nghiệm thực tế, các em sẽ cảm thụ văn học một cách sâu sắc, viết văn không khuôn mẫu, sáo mòn. Thông qua các dự án văn học, từng bài giảng trong sách giáo khoa đã bước ra ngoài cuộc sống, do chính học sinh thể hiện.

Ngoài kiến thức văn học trong chương trình, ở mỗi dự án, học sinh còn phải tìm hiểu thêm những kiến thức cuộc sống, đọc thêm nhiều nguồn tài liệu mở để tăng vốn hiểu biết cho bản thân. Từ đó học sinh nắm chắc tư duy và phương pháp làm bài, chủ động xử lý trong các tình huống, dạng đề mở mà ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa…

Còn đánh giá định kì được thực hiện vào cuối học kì do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề kiểm tra theo hình thức viết tự luận, có thể kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá kĩ năng đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo kiểu văn bản đã học.

Khi kiểm tra cuối kỳ, cơ sở giáo dục tiến hành đổi mới cấu trúc đề, câu hỏi, phân giải độ khó, tránh sử dụng các ngữ liệu đã học… để đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm của học sinh, khả năng liên hệ đời sống, tránh tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn.

Việc đánh giá phải đảm bảo nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của chính học sinh, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

Vì thế, giáo viên không sử dụng lại ngữ liệu sách giáo khoa để hạn chế tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, bói đề, đoán đề… Như vậy buộc giáo viên phải lựa chọn ngữ liệu ngoài phù hợp trên cơ sở ma trận đề đã được xác lập, trong đó ghi nhận sự sáng tạo, sự tiến bộ của học sinh qua những phát hiện mới mẻ, thậm chí với cả những quan điểm trái chiều của học sinh.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các hình thức kiểm tra truyền thống, giáo viên cần tìm hiểu, áp dụng thử và phát triển các phương pháp trắc nghiệm khách quan (câu đúng - sai, câu nhiều lựa chọn, câu ghép đôi, câu điền khuyết…), nhận rõ những ưu điểm, nhược điểm của phương pháp này, sử dụng phối hợp, hợp lí với các phương pháp kiểm tra truyền thống.

Đề minh họa kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II

(Ngữ văn 7 – Sách Cánh Diều)

1. Yêu cầu của đề kiểm tra (Câu hỏi kiểm tra):

- Nội dung phải đảm bảo đơn vị kiến thức (chuẩn kiến thức):

+ Phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi: Mang tính giáo dục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, pháp luật.

+ Chọn văn băn điển hình về thể loại hoặc loại hình

- Đảm bảo mục tiêu dạy học; bám sát kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ ở mức độ đã được quy định trong chương trình môn học.

- Đảm bảo tính chính xác, khoa học

- Phù hợp với thời gian kiểm tra: 90 phút

- Góp phần đánh giá khách quan trình độ học sinh.

- Tỉ lệ điểm dành cho các mức độ nhận thức so với tổng số điểm phù hợp với chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ, đảm bảo: Nhận biết 20%; thông hiểu 50%; vận dụng 30%.

- Câu hỏi của đề được diễn đạt rõ, đơn nghĩa, nêu đúng và đủ yêu cầu của đề.

- Mỗi câu hỏi phải phù hợp với thời gian dự kiến trả lời và với số điểm dành cho nó.

2. Đề ra:

A. ĐỌC HIỂU (5,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới:

LỄ HỘI ĐỀN HÙNG

Đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Linh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là nơi hằng năm thường xuyên diễn ra lễ hội mang tính chất quốc gia để suy tôn các vua Hùng là người đã có công dựng nước.

Lễ hội diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 10 tháng 3 âm lịch. Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3), bắt đầu bằng lễ dâng hương có đại diện của Nhà nước, tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Đồ tế lễ ngoài mâm ngũ quả còn có bánh chưng, bánh giày để nhắc lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa.

Phần rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu… của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích…. Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác.

Hội đền Hùng không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi con người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

(Cổng Thông Tin Điện Tử Phú Thọ, phutho.gov.vn)

Câu 1: Em hãy cho biết văn bản “Lễ hội đền Hùng” thuộc loại văn bản nào? (Biết)

Câu 2: Văn bản “Lễ hội đền Hùng” cung cấp được những thông tin cơ bản nào? (Biết)

Câu 3: Đền Hùng nằm ở địa phương nào? (Biết)

Câu 4: Lễ hội đền Hùng nhắc đến ngành nghề nào của nước ta? (Hiểu)

Câu 5: Lễ hội Đền Hùng gắn với sự tích nào? (Hiểu)

Câu 6: “Lễ hội đền Hùng” nhắc đến truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam ta? (Hiểu)

Câu 7: Theo em, lễ hội đền Hùng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của người Việt Nam ta? (Hiểu)

Câu 8: Em hãy viết đoạn văn 7 - 8 câu giới thiệu về một lễ hội truyền thống ở địa phương em? (Vận dụng)

B. VIẾT (5,0 điểm)

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Uống nước nhớ nguồn”. Em hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được gợi lên từ câu tục ngữ đó.

Hướng dẫn chấm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.