'Chinh phục' phần đọc, hiểu trong bài thi Ngữ văn

GD&TĐ - Để tránh lạc đề và đạt điểm cao phần đọc - hiểu trong bài thi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Bách Sa đã chia sẻ một số kinh nghiệm bổ ích.

Thầy Nguyễn Bách Sa, giáo viên trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Hà ôn tập cho học sinh lớp 12.
Thầy Nguyễn Bách Sa, giáo viên trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Hà ôn tập cho học sinh lớp 12.

Lỗi thường gặp trong phần đọc - hiểu

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra, chính vì vậy, đây là giai đoạn nước rút để học sinh lớp 12 ôn tập, củng cố lại kiến thức.

Đối với môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Bách Sa, giáo viên trường Phổ thông DTNT huyện Đăk Hà (Kon Tum) chia sẻ, dựa vào đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT, có thể nói cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm 2023 cơ bản giống với các năm trước. Cụ thể, cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn gồm 2 phần: phần Đọc-hiểu (3,0 điểm) và phần Làm văn (7,0 điểm).

Phần đọc – hiểu bao quát nội dung kiến thức khá rộng về tiếng Việt, làm văn cũng như các kỹ năng đọc – hiểu văn bản mà thí sinh đã được học trong chương trình phổ thông. Nếu thí sinh nắm chắc một số lưu ý sau thì việc chinh phục được phần thi này không quá khó.

Theo đó, thí sinh cần tránh các lỗi sai trong quá trình ôn tập, thi. Những lỗi sai thường gặp phải là:

- Lỗi sai do không nắm vững kiến thức.

+ Đó có thể là lỗi không phân biệt được các khái niệm phương thức biểu đạt, thao tác lập luận với phong cách ngôn ngữ.

+ Lỗi không nhận diện được biện pháp tu từ, không biết cách nêu hiệu quả của phép tu từ.

+ Lỗi không xác định được đề tài, chủ đề, phương thức trần thuật, nhân vật trữ tình,… trong văn bản.

- Lỗi trả lời dài dòng, không đúng trọng tâm, khiến câu trả lời vừa thiếu, vừa thừa, làm ảnh hưởng đến thời gian làm các phần còn lại của bài thi.

- Lỗi trả lời không đủ ý, không bám sát vào văn bản.

Kiểm tra năng lực

Để học sinh có thêm từ ngữ, vốn kiến thức, thầy Sa thường xuyên tặng sách cho các em.
Để học sinh có thêm từ ngữ, vốn kiến thức, thầy Sa thường xuyên tặng sách cho các em.

Ngoài ra, học sinh cần thực hành giải đề trên cơ sở rèn luyện kĩ năng phân tích các câu hỏi theo mức độ kiểm tra năng lực. Các câu hỏi trong phần Đọc – hiểu thường có ba mức độ:

Nhận biết

Đối với câu hỏi kiểm tra năng lực nhận biết về hình thức của văn bản, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản liên quan đến hình thức văn bản, gọi tên chính xác đơn vị kiến thức ấy. Ví dụ: Phương thức biểu đạt, thể thơ… Thí sinh cần lưu ý một số dấu hiệu xuất hiện trong câu hỏi (chính, chủ yếu, các, những, một, một số,…) để xác định số lượng nội dung, kiến thức để trả lời.

Đối với câu hỏi kiểm tra năng lực nắm bắt thông tin văn bản, thí sinh cần đọc kĩ văn bản. Qua đó xác định vị trí câu có các thông tin liên quan, chứa yêu cầu trong văn bản để làm căn cứ trả lời. Cách làm đơn giản nhất là là trích dẫn trực tiếp thông tin có trong ngữ liệu đó vì khi diễn đạt lại sẽ rất dễ bị sai ý hoặc thiếu sót.

Phương châm trả lời các câu hỏi nhận biết là: ngắn - đủ - đúng.

Thông hiểu: Các câu hỏi thuộc mức độ này rất đa dạng, một số trường hợp thường gặp, như:

Câu hỏi yêu cầu hiểu nghĩa của từ, câu, hiểu về ý kiến, câu văn (câu thơ), hình ảnh thơ….: Thí sinh cần tìm từ khóa, ngăn vế, tách vế, hiểu từ khoá và hiểu các vế câu. Bên cạnh đó, đặt ý kiến, câu văn (câu thơ), hình ảnh thơ,… trong ngữ cảnh, cắt nghĩa từ ngữ quan trọng. Đồng thời diễn giải nội dung ý kiến/câu văn/câu thơ/hình ảnh thơ và suy nghĩ xem tác giả muốn nói điều gì qua ý kiến, câu văn, (câu thơ) hình ảnh thơ đó.

Câu hỏi yêu cầu lí giải hình ảnh thơ, câu thơ (văn) ý kiến,...(gọi chung là chi tiết trong văn bản) có ý nghĩa gì ?

+ Thí sinh cần trả lời được một số câu hỏi như: chi tiết đó nói về cái gì, làm nổi bật điều gì về nhân vật, về chủ đề tác phẩm. Đồng thời chi tiết đó có góp phần thể hiện tài năng nghệ thuật nào của tác giả, tác động đến nhận thức, tình cảm, thái độ của người đọc như thế nào?,… Để đảm bảo đủ ý, thí sinh cần trả lời đủ ý về cả nghệ thuật lẫn nội dung.

Câu hỏi yêu cầu nêu khái quát nội dung của đoạn thơ (văn) thì thí sinh trả lời cho các câu hỏi: Đoạn thơ (văn) nói về điều gì, thể hiện cảm xúc, thái độ gì của tác giả ?, tác giả nói thế để làm gì ?. Có thể dựa vào câu mở bài, câu kết bài, cụm từ lặp lại nhiều lần để khái quát lên nội dung.

Câu hỏi nêu tên gọi và cho biết ý nghĩa của biện pháp tu từ trong văn bản: Thí sinh cần gọi tên biện pháp tu từ và chỉ ra câu, từ trong văn bản là dẫn chứng cho việc gọi tên biện pháp tu từ đó. Khi nêu tác dụng của biện pháp tu từ, cần nêu được tác dụng về cả mặt nghệ thuật lẫn nội dung (tức là có 2 ý trả lời).

Vận dụng: Có một số dạng câu hỏi kiểm tra năng lực vận dụng thường gặp sau:

Câu hỏi trình bày quan điểm về một ý kiến ( có đồng ý với ý kiến…? Vì sao?): Thí sinh cần nêu rõ đồng tình hay không đồng tình. Nếu đồng tình thì lí giải theo hướng nêu ý nghĩa của quan điểm đó. Nếu không đồng tình thì lí giải theo hướng phản biện lại quan điểm đó. Nếu vừa đồng tình, vừa không đồng tình thì kết hợp cả hai để lí giải.

Câu hỏi yêu cầu rút ra bài học/thông điệp có ý nghĩa nhất: Thí sinh diễn đạt ngắn gọn bài học/ thông điệp trong một câu văn. Trình bày khoảng 2-3 lí lẽ về ý nghĩa của thông điệp/ bài học đó.

Câu hỏi trình bày suy nghĩ, điều tâm đắc… (Câu thơ/ văn, đoạn thơ/văn....gợi cho anh chị những suy nghĩ gì?): Thí sinh cần trình bày rõ điều được nói tới trong câu thơ/câu văn là gì, đó có phải là hiện tượng đang diễn ra trong cuộc sống hay không. Bên cạnh đó, điều đó tác động đến nhận thức, tình cảm, hành động của cá nhân mình ra sao?,… Lưu ý rằng, cần nêu được từ hai nội dung trở lên, rõ ràng, tránh dài dòng.

Câu hỏi yêu cầu đưa ra những giải pháp/ hành động cụ thể: Thí sinh cần đưa ra những hành động/ giải pháp cụ thể, có tính khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ