Đổi giấy lấy cây - sáng tạo “xanh” của học sinh miền núi

GD&TĐ - Góp nhặt những tấm bìa các tông, sách, báo cũ, vỏ chai nhựa… để đổi về chậu cây nhỏ xinh là ý tưởng sáng tạo “xanh” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên.

Hoạt động thu hút rất đông bạn trẻ thành phố tham gia.
Hoạt động thu hút rất đông bạn trẻ thành phố tham gia.

Sức hút của phong trào đã tạo nên làn sóng tích cực trong giới trẻ ở địa phương miền núi này.

Sáng tạo “xanh”

“Đổi giấy lấy cây” là tên gọi của một dự án vì môi trường được nhóm học sinh trong Câu lạc bộ (CLB) Môi trường và Cộng đồng, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xây dựng từ năm 2019. Dự án triển khai dựa trên những ý tưởng tương tự được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

“Trong mỗi gia đình hằng ngày đều sử dụng và thải ra môi trường không ít giấy vụn, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa… Nếu vứt ra bên ngoài sẽ gây ô nhiễm và cũng rất lãng phí. Vì thế, xuất phát từ ý tưởng muốn lan tỏa phong trào trồng xây xanh và bảo vệ mội trường, chúng em đứng ra thu gom những loại phế liệu này và đổi lại cho các bạn các cây để trồng” – em Đỗ Mai Trang, Chủ nhiệm CLB cho biết.

Để phù hợp với thực tiễn tại địa phương miền núi, CLB đã thay đổi yêu cầu và mục đích hướng đến của hoạt động. Trang cho hay: Thay vì chỉ bó hẹp trong khuôn khổ 1 trường học, CLB đã mở rộng quy mô, đối tượng tham gia. Bất cứ ai có giấy, vỏ chai nhựa… đều có thể đổi cây.

Kế hoạch tổ chức hoạt động được thông tin rộng rãi thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó sức mạnh của mạng xã hội được phát huy tối đa. Để có nguồn cây ổn định, Trang cùng 35 thành viên trong CLB chia nhau đi tìm cơ sở cung ứng, thương thuyết lựa chọn cơ sở có giá cả phù hợp, nhiều ưu đãi nhất và phải có nguồn cây đa dạng, đảm bảo.

Mục tiêu chính hướng tới là học sinh, vì thế cây để đổi cũng được lựa chọn đúng tâm lý, sở thích giới trẻ, như: Sen đá, xương rồng, hạnh phúc… Chậu trồng cây được các thành viên khéo tay trong CLB trang trí, thiết kế và tô màu tạo hình bắt mắt. Các thành viên CLB cũng tìm hiểu giá cả thị trường, đặt vấn đề trước với cơ sở thu mua phế liệu. Cứ 3kg giấy sẽ cho đổi 1 cây nhỏ; 9 – 10kg cho 1 cây to…

“Số tiền bán phế liệu chúng em trả cho cơ sở bán cây. Nhưng quan trọng hơn, trong quá trình thực hiện, chúng em thu được rất nhiều sách cũ, vở viết chưa sử dụng… Chúng em đã liên hệ với một số trường học vùng khó của huyện Mường Chà, sau khi hoàn tất chương trình sẽ trao số sách, vở có thể sử dụng này cho các trường, để hỗ trợ học sinh khó khăn” – Trang cho hay.

Phế liệu, giấy vụn đổi về những chậu cây được tạo hình thú vị.
Phế liệu, giấy vụn đổi về những chậu cây được tạo hình thú vị.

Lan tỏa ngoài mong đợi

Ngay khi vừa tổ chức triển khai, hoạt động đã thu hút rất đông sự hưởng ứng của các bạn trẻ khu vực thành phố. Trung bình mỗi ngày có hàng chục bạn trẻ mang sách, vở cũ đến đổi cây.

“Lúc đầu chúng em chỉ đặt 200 cây, nhưng mới vài ba hôm có khoảng 500 cây được đổi. Đa phần các bạn mang giấy đến đổi. Người nhiều nhất tới 42kg giấy. Số giấy và phế liệu đổi giờ đang chất đầy 1 phòng học” – Trang phấn khởi khoe.

Đúng như CLB mong đợi, nhiều bạn trẻ không phải học sinh của trường biết đến hoạt động và tích cực hưởng ứng. Nguyễn Thanh Hoa là sinh viên năm thứ 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngay khi vừa biết thông tin đã mang 12kg giấy đến đổi.

Hoa chia sẻ: Đây là toàn bộ số sách giáo khoa được em tích qua nhiều năm học. Khi biết hoạt động ý nghĩa của các bạn trẻ, em mang đến đổi liền. Em thấy mình được lợi kép, vừa có cây để trồng nhưng hơn thế em cũng thấy vui khi biết số sách cũ của em sẽ được trao cho các bạn học sinh khó khăn khác”.

Còn đối với Trần Vũ Châu Anh, mặc dù mới học lớp 7, song khi thấy chương trình ý nghĩa của các anh chị cũng tích cực hưởng ứng. Châu Anh và anh trai của mình đã mang 39kg sách cũ đến đổi 4 cây về trồng.

“Các anh chị cho em lựa chọn thoải mái để có cây ưng ý mang về. Em thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường mà lại có cây xanh để trồng trong nhà” – Châu Anh tâm sự.

Cô Lê Thúy Hòa, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: Ngay khi học sinh vừa lên ý tưởng, nhà trường đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện triển khai. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm sống vì môi trường và cộng đồng cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.