Trong đó, thực hành sư phạm (THSP) là nội dung phải có trong phương thức tuyển dụng giáo viên.
Xem xét năng lực THSP của ứng viên để tuyển dụng giáo viên không phải việc làm mới. Thời gian qua, ở khối ngoài công lập, các trường đều chú trọng nội dung này trong quy trình tuyển dụng.
Ở khối công lập, tại TPHCM, cùng với chủ trương đổi mới, những năm gần đây ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn các trường THPT đã trực tiếp làm giám khảo vòng thi thực hành nhằm kiểm tra năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy của ứng viên.
Các ứng viên sẽ thực hiện một bài dạy theo yêu cầu và trả lời phỏng vấn của ban giám khảo. Thông qua THSP, các trường tìm ra được nhân sự có cùng chí hướng, thống nhất với mục tiêu giáo dục của nhà trường. Quá trình THSP có hội đồng trực tiếp giám sát, đảm bảo việc tuyển dụng minh bạch và khách quan.
Nội dung THSP mang lại nhiều lợi ích, nhưng do chưa có quy định bắt buộc, giám khảo chưa được tập huấn, nên ở nhiều địa phương, việc tuyển dụng giáo viên chủ yếu xét trên hồ sơ. Cách làm truyền thống này đã nảy sinh nhiều bất cập khi không ít giáo viên được tuyển dụng chỉ thông qua hình thức xét tuyển hồ sơ, khi giảng dạy đã bộc lộ hạn chế về kỹ năng sư phạm, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung.
Việc dự thảo Luật Nhà giáo đưa nội dung THSP là yêu cầu bắt buộc trong quy trình tuyển dụng được các nhà trường ủng hộ, bởi quy định giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề. Tuy vậy, trước yêu cầu mới này, không ít sinh viên sư phạm tỏ ra lo lắng, vì THSP trong quá trình đào tạo ở đại học một số nơi còn “cưỡi ngựa xem hoa”.
Thực tế cho thấy, trong chương trình đào tạo sư phạm hiện nay, học phần để đào tạo kỹ năng cho giáo viên tương lai còn hạn chế. Có những môn nghiệp vụ chỉ được dạy lý thuyết. Sinh viên trải nghiệm thực tế trong nhà trường phổ thông chủ yếu thông qua kỳ kiến tập và thực tập (khoảng 7 - 8 tuần) ở cuối chu kỳ đào tạo (năm 3, 4), nên không có điều kiện thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế từ chính đội ngũ giáo viên, vào nghề thường nhiều lúng túng.
Nhiều trường/ khoa sư phạm và trường phổ thông còn bất cập trong công tác chuẩn bị, quản lý THSP trong khâu tiếp nhận sinh viên. Nhiều nơi chưa có văn bản ký kết hợp tác với trường phổ thông trong việc THSP; Thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác THSP cũng như các quy định về đánh giá của giáo viên phổ thông với sinh viên; Thời gian THSP chưa hợp lý khi chồng chéo với học môn học khác.
Việc đánh giá sinh viên THSP nhiều nơi còn cảm tính, dễ dãi nên người học chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học kỹ năng nghề trong thực tế.
Dạy học là hoạt động đặc thù cần nhiều kỹ năng chứ không chỉ cần kiến thức chuyên ngành nên giáo dục kỹ năng sư phạm là một vấn đề thiết thực, cần được coi trọng.
Cùng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm tốt giúp nhà giáo có thể ứng biến linh hoạt, truyền cảm hứng học tập, sáng tạo ra các hoạt động để thực hiện quá trình dạy học và giáo dục một cách hiệu quả. Để vững kỹ năng này, ngay từ trường sư phạm, sinh viên phải dốc sức luyện tập trong hoạt động thực tiễn, phải được trải nghiệm thực tế thông qua THSP với chất lượng và thời lượng tương xứng.
Cùng với việc tiến tới đưa THSP bắt buộc vào quy trình tuyển dụng giáo viên, các trường sư phạm cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình hình thành rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên một cách thường xuyên.
Sự đầu tư đổi mới về công tác quản lý, nội dung, hình thức tổ chức và kiểm tra, đánh giá THSP tại các trường sẽ không chỉ tạo thêm sự tự tin cho ứng viên khi ứng tuyển theo yêu cầu mới, mà còn tạo bước chuyển biến cơ bản trong nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo tương lai.