Dự thảo Luật Nhà giáo quy định phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
Bày tỏ đồng tình, thầy Lê Văn Hòa cho rằng, cùng với kiến thức chuyên môn, nhà giáo rất cần kỹ năng sư phạm. Đó là khả năng giảng dạy ứng biến linh hoạt, truyền cảm hứng học tập, sáng tạo ra các hoạt động để thực hiện quá trình dạy học và giáo dục một cách hiệu quả.
Kỹ năng sư phạm bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt, lôi cuốn lớp học, hay tư duy sáng tạo, giúp giáo viên tạo dựng một môi trường học tập tích cực cho học sinh.
“Thực tế cho thấy, rất nhiều giáo viên được tuyển dụng chỉ thông qua hình thức xét tuyển hồ sơ, khi đi vào giảng dạy thực tế đã bộc lộ không ít hạn chế về kỹ năng sư phạm, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung”, thầy Lê Văn Hòa chia sẻ.
Về vấn đề tuyển dụng nhà giáo với các trường trong hệ thống giáo dục công lập, dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng…
Thầy Lê Văn Hòa cũng bày tỏ đồng tình với quy định này và cho rằng: Việc phân cấp, uỷ quyền cho cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng là bước đi mới. Nhưng chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục có quy mô, số lượng tuyển dụng lớn và cũng cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn chặn tiêu cực phát sinh.
Vấn đề tuyển dụng giáo viên hiện nay cơ bản đang được thực thực hiện khá chặt chẽ, khách quan và đang dần khắc phục được hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ theo từng trường, vùng miền.
Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng còn qua nhiều tầng nấc như: Ngành Giáo dục thống kê, báo cáo nhu cầu, ngành Nội vụ phê duyệt chỉ tiêu, ngành Giáo dục xây dựng phương án và tiến hành tuyển dụng.
Hàng năm, việc tuyển dụng giáo viên hoàn thành để đi vào thực tế giảng dạy thường rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 11. Điều này gây nhiều bất cập cho các trường học thiếu giáo viên và bản thân người được tuyển dụng cũng nằm trong trạng thái mong chờ, gây lãng phí không cần thiết.
Như vậy, cần rút ngắn về mặt thời gian trong từng bước của quy trình làm sao để ngay từ đầu năm học các nhà trường có giáo viên dạy và người tuyển dụng cũng được đi làm theo nguyện vọng.
Đánh giá nhà giáo còn cồng kềnh
Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo liên quan đến đánh giá đối với nhà giáo, theo thầy Lê Văn Hòa, hiện nay, việc đánh giá nhà giáo được thực hiện 1 lần cuối năm học. Tuy nhiên, giáo viên trong hệ thống trường công lập mỗi năm học đều phải thực hiện đánh giá theo 2 kênh: đánh giá xếp loại viên chức theo Luật Viên chức và đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp.
Trong đó, đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp được thực hiện rất công phu trên ứng dụng của phần mềm TEMIS hoặc hồ sơ giấy.
Thông thường, vào cuối năm học giáo viên phải thực hiện rất nhiều công việc. Đây lại là giai đoạn ôn tập cho học sinh thi cử, nên giáo viên rất vất vả.
Việc duy trì đánh giá giáo viên trên cả 2 hệ thống vừa mất thời gian, vừa tốn kém về kinh phí, cồng kềnh về thủ tục hành chính.
“Chúng tôi mong muốn, chỉ thực hiện đánh giá theo chuẩn giáo viên là đủ. Nếu cần thiết, nên tích hợp một số tiêu chí của đánh giá viên chức vào hệ thống tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp để duy trì thống nhất một kênh đánh giá duy nhất là phù hợp”, thầy Lê Văn Hòa đề xuất.
"Với quy mô dân số, tốc độ phát triển của kinh tế - xã hội và giáo dục của Việt Nam thì việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết. Luật Nhà giáo ra đời sẽ giúp định vị nhà giáo và đặc thù nghề nghiệp trong xã hội", Thầy Lê Văn Hòa nhận định.
Bình luận