Diễn ra tại đình Thần Nông - đình làng Phong Lệ, đây có thể được xem là Lễ hội Mục đồng “có một, không hai” tại Việt Nam.
Vinh danh Mục đồng
Những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi hẹn được ông Ngô Văn Xý – Trưởng thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để được dẫn vào làng Phong Lệ xưa, nơi được xem là làng cổ của TP Đà Nẵng.
Đón chúng tôi tại đầu làng, ông Xý nói rằng: “Ngày trước, thôn Phong Nam thuộc trung tâm làng cổ Phong Lệ. Vùng đất Phong Lệ ngày xưa là vùng đất rộng lớn, nằm trên địa bàn khu dân cư Phong Bắc (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) bây giờ”.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng Phong Lệ xưa, ông Xý cho biết, làng Phong Lệ ngày xưa có đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền các làng và nhà thờ của nhiều tộc họ. Cùng với Túy Loan, Phong Lệ được xem là một trong những làng cổ lâu đời nhất ở Đà Nẵng, với tuổi đời hàng trăm năm.
Những giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của người con Phong Lệ được người dân nơi đây nhớ vanh vách. Sau biến cố của đất nước, chiến tranh, thời gian… giờ đây thôn vẫn còn 10 căn nhà cổ với tuổi đời gần 200 năm. Thời gian qua đi, nhiều căn nhà xuống cấp, không thể ở nhưng dân làng vẫn quyết giữ. Vì đó được xem là bản sắc của ngôi làng này.
Điều đặc biệt, khiến ai cũng thích thú khi đến với thôn Phong Nam chính là được nghe kể và chứng kiến Lễ hội Mục đồng – tôn vinh trẻ chăn trâu (tại đình Thần nông).
Dẫn chúng tôi đến đình Thần nông, nay tọa lạc bên trong khuôn viên Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, ông Xý cho hay, đình Thần nông hay còn gọi là đình Mục đồng được hình thành vào cuối đời vua Tự Đức (1848 - 1883). Đình có cấu trúc hình chữ Đinh có 3 bộ phận gắn liền nhau từ ngoài vào trong. Có tiền đường hậu tẩm hình thành 5 gian.
Trên các mái nhà chính đều có đắp long, lân đặc biệt là chiếc sừng trâu được đắp lên cao. Cột kèo xà đình được chạm trổ tinh vi. Trên 6 hàng cột trong đình đều treo các câu liễn đối khắc Hán từ, sơn son thếp vàng. Đó là những câu khen tặng của các bậc Danh nhân Phan Bội Châu, Cao Bá Quát trong những lần về viếng thăm đình.
Gian chính giữa thờ Thần nông, vị tổ sư của ngành nông nghiệp, giúp cho dân làng cầu khẩn được mưa thuận gió hòa. Gian tả thờ các bậc tiền bối hữu công khai khẩn, khai canh, khai cư… Còn gian hữu thờ các bậc tiền nhân Mục đồng từng dày công lao và làm rạng rỡ cho tầng lớp hà tiện bất hạnh.
“Ngày xưa các quan chức hoặc con em trong làng thi cử đỗ đạt, trước hết phải vào đình làng trình làm lễ tôn vinh khuyến học, khuyến tài để giúp ích cho nước nhà”, ông Xý chia sẻ.
Lễ hội có một không hai ở Việt Nam
Nói về Lễ hội Mục đồng, ông Xý cho biết, giai thoại kể rằng, làng Phong Lệ có một cồn Thần. Mọi người đến đây đều bị dính chặt chân xuống đất như có bàn tay ai níu lại. Duy chỉ có đám trẻ chăn trâu là vô tư qua lại mà không hề hấn gì. Tiếng đồn lan xa, cồn Thần dần trở thành nơi tụ tập của các Mục đồng.
Từ câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, là Lễ hội Mục đồng. Lễ hội thường diễn ra từ hạ tuần tháng Ba âm lịch, khi vụ mùa đã hoàn tất là lúc các công việc sắp đặt cho lễ hội bắt đầu. Theo thông lệ cứ đến 3 năm, làng lại tổ chức Lễ hội Mục đồng một lần.
Lễ bắt đầu vào sáng tinh mơ ngay giữa đình thần. Sau khi hương khói, khấn lễ, Trùm Mục (người cai quản các Mục đồng) lễ phục tươm tất trịnh trọng tiến vào hậu tẩm khấn vái, cung kính thỉnh bài vị Thần nông nâng cao ngang mày rồi quỳ xuống đặt vào trong kiệu gỗ. Kiệu rước được bài trí như kiệu rước thần, nóc kiệu có 4 mái, rèm cửa sổ đẹp của kiệu được giăng hoa kết đèn rực rỡ, kiệu do 4 Mục đồng khiêng.
Đoàn người cờ xí xếp hàng, chiêng trống lại gióng giã vang lên. Tất cả mục đồng hướng vào chánh điện đồng loạt chắp tay xá ba cái rồi đám rước dài lượt thượt đi qua đường làng, hướng về Cồn Thần, trong tiếng nhạc rộn rã và cờ.
Đến cồn Thần, giàn cổ nhạc cùng với chiêng trống vang lên. Vị chủ tế thay mặt dân làng dâng lễ cáo trình xin được rước Thần về đình để cúng tế. Sau một hồi khấn vái, vị chủ tế thảy hai đồng xu lên chiếc đĩa nhỏ để “xin keo” (xin “âm dương”), nếu rơi xuống mặt đĩa một ngửa một sấp (một âm một dương) thì ra hiệu báo cho mọi người biết rằng Thần đã giáng hạ. Thế là đoàn người hân hoan rước kiệu Thần về làng.
Trời vừa sáng, đám rước về đến đình làng. Sau đó là lễ đặt bài vị và lễ dâng vật cúng của dân làng.Trong lễ, mọi người ai ai cũng giữ sự cung kính trước Mục đồng. Lễ vật xôi gà được bày trên chiếu hoa trải khắp gian đình, ai nấy đều vui vẻ vì tin rằng lòng thành của mình đã được thần mục chứng giám, đồng ruộng sẽ tốt tươi.
Theo ông Xý, Lễ hội Mục đồng được xem là lễ hội độc đáo và có lẽ là có một không hai ở Việt Nam.
Cũng theo lời ông Xý, thời gian, chiến tranh và sự phát triển ồ ạt của quá trình đô thị hóa đã làm mai một nét văn hóa độc đáo ở làng quê Phong Lệ. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân nơi đây quên đi những lễ hội độc đáo này. Vào những năm không tổ chức lễ hội, các chư phái tộc làng Phong Lệ vẫn tổ chức cúng kính Thần nông một cách nghiêm trang.
Được biết, năm 2001, UBND TP Đà Nẵng công nhận đình Thần nông là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Đến năm 2007, đình Thần nông chính thức trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Cuối năm 2010, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phục dựng Lễ hội Mục đồng tại làng Phong Lệ.