Độc, lạ nghề uốn tầm vông ở Bảy Núi

GD&TĐ - Cây tầm vông có thân thẳng đứng nhưng vì chen chúc trong vườn để hứng ánh nắng mặt trời nên ngọn cây, gốc cây thường bị cong vẹo. Vì thế bà con vùng Bảy Núi (An Giang) đã nghĩ ra cách làm thẳng cây bằng cách “nướng” qua lửa.

Một công đoạn uốn tầm vông.
Một công đoạn uốn tầm vông.

Nghề đốt lửa “nướng” tầm vông hay còn gọi là uốn tầm vông đã tồn tại hơn 20 năm qua tại vùng Bảy Núi. Bên bếp lửa đỏ rực, qua bàn tay khéo léo của người thợ, những cây tầm vông cong queo sẽ trở nên suôn thẳng.

Nghề uốn tầm vông vốn xuất phát từ tỉnh Tây Ninh. Trước đây, các tỉnh miền Tây thường chỉ bán cây tầm vông tươi. Sau khi học được nghề ở Tây Ninh, nhiều địa phương, nhất là ở vùng Bảy Núi đã xây dựng các lò “nướng” tầm vông để vừa tăng giá bán sản phẩm lại vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nghề uốn tầm vông đòi hỏi người thợ phải biết canh ngọn lửa, chiều gió. Đây được xem là khâu khó nhất. Những người thợ lành nghề chỉ cần nhìn ngọn lửa trong lò là có thể biết được thời gian “uốn” phù hợp. Tùy vào lửa lớn hay nhỏ, nhiệt độ nhiều hay ít mà thời gian “uốn” sẽ nhanh hay chậm, nhưng thường mỗi cây mất từ 2 - 3 phút.

Ông Chau Ron (45 tuổi, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) gắn bó với nghề này được 10 năm, cho biết: “Khi uốn tầm vông phải uốn đoạn gốc trước, sau đó tới đoạn giữa và phần ngọn”.

Công việc uốn tầm vông được thực hiện theo cặp, cứ một người uốn gốc thì người kia sẽ uốn ngọn. Mỗi lượt uốn có từ 10 - 15 cây tầm vông tùy thuộc kích thước, độ dài, độ già của cây.

Độc, lạ nghề uốn tầm vông ở Bảy Núi ảnh 1

Tầm vông được hơ trong lửa để uốn thẳng.

Thường, phần gốc tầm vông sẽ được uốn trước, khâu này đòi hỏi sự khéo léo lẫn sức lực của người làm. Tầm vông thuộc họ tre nhưng thân cây nhỏ hơn, đặc ruột vì thế để uốn được phần gốc, người thợ cần có thêm các móc đè cây xuống, còn ngọn chỉ cần đặt vào lò đợi đủ lửa là bẻ.

Dù không được đánh dấu nhưng chỉ cần nhìn vào, người thợ biết cách đảo chiều tầm vông tạo dáng thẳng từ thân đến ngọn. Cây tầm vông nào cũng phải uốn, ít thì 2 - 3 chỗ, nhiều thì 5 - 7 chỗ, mỗi chỗ mất khoảng một phút.

Theo ông Chau Ron, nghề này rất cực nhọc. Với những ngày nắng “như thiêu, như đốt”, người làm nghề uốn tầm vông càng thêm vất vả.

Cây tầm vông trồng khoảng 3 năm là có thể thu hoạch. Nghề uốn tầm vông chỉ làm chừng vài tháng, thường sau mùa thu hoạch là từ tháng 2 và tháng 8 âm lịch.

Vào thời điểm này, những bếp lò uốn tầm vông luôn rực cháy. Thường người thợ “nướng” hay “uốn” tầm vông đều hưởng tiền công tùy thuộc số lượng sản phẩm hoàn thành, bình quân 1.500 đồng mỗi cây.

Người có tay nghề cao sẽ “uốn” được từ 200 - 250 cây/ngày. Công việc thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ mỗi ngày. Những ngày cao điểm, nhu cầu về số lượng tầm vông tăng cao, người lao động phải làm đến 20 giờ.

Ông Chau Sa Ron (43 tuổi, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), cho biết: “Lúc trước làm lúa nhưng vất vả quá nên theo nghề uốn tầm vông được 5 năm. Mỗi ngày tôi làm được 150 - 200 cây, với giá 1.500 đồng/cây nên thu nhập cũng kha khá”.Một người thợ uốn tầm vông lành nghề có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

Tầm vông sau khi uốn sẽ được mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng…, những địa phương có các khu nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, chế tác sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.

Nghề uốn tầm vông tuy lắm vất vả, nhưng bù lại đã giúp hàng trăm hộ dân, đa số là người dân tộc Khmer, người Chăm có cuộc sống ổn định. 

Tầm vông được chở đi tiêu thụ.

Tầm vông được chở đi tiêu thụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ