Mùa “trèo thốt nốt” ở Bảy Núi

GD&TĐ - Mùa mưa vừa kết thúc, hàng ngàn người dân ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) lại tất bật chuẩn bị dụng cụ để đi hái trái, lấy nước nấu đường thốt nốt. Trời chưa hửng sáng đã thấy những bóng người xuất hiện dưới gốc cây thốt nốt, thoăn thoắt trèo lên và mất hút trong tán lá xum xê. Trèo hái thốt nốt được gọi là nghề mưu sinh giữa lưng trời hoặc “ăn cơm dưới đất làm việc trên trời”.

Người dân chở thốt nốt giao cho các quán nước ven đường
Người dân chở thốt nốt giao cho các quán nước ven đường

Mờ sáng đã leo cây

Vùng Bảy Núi nổi tiếng với những rừng thốt nốt bạt ngàn. Cây thốt nốt là nguồn thu nhập chính của rất nhiều gia đình Khơ-me nơi đây. Ngoài lấy nước nấu đường, người dân còn thu hoạch trái để bán như là một đặc sản.

Ở huyện Tri Tôn, những người mưu sinh bằng nghề trèo thốt nốt sinh sống thành một xóm biệt lập tại ấp An Lợi (xã Châu Lăng). Những bậc cao niên tại đây cho biết, nghề leo thốt nốt có tính “thời vụ”, chỉ làm từ đầu tháng 11 âm lịch cho đến tháng 5 năm sau. Đây là thời điểm nước thốt nốt ngọt, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn.

Ông Chau Đốk (50 tuổi) cho biết: “Hầu hết những người leo thốt nốt đều thuê cây của người khác. Mỗi cây thuê với giá từ 100.000-200.000 đồng/năm tùy đực hay cái. Cây cái thường có giá cao hơn, vì ngoài lấy nước còn hái được trái”.

Anh Châu Xem (34 tuổi) hiện đang thuê 40 cây thốt nốt với giá 4.000.000 đồng/năm. Dừng lại trước một cây thốt nốt cao hơn 20m, dọc thân cây được cột sẵn cây tre nhiều mắt, anh Xem cứ bám theo mắt tre mà thoăn thoắt leo lên. Anh Xem dùng chiếc kẹp tre kẹp bông thốt nốt rồi dùng dao cắt gọt bông, dẫn nước từ bông thốt nốt chảy thẳng vào 2 chai nhựa được đặt sẵn. Và cũng nhanh như khi trèo lên, thoắt cái đã thấy anh Xem xuống đất.

Anh Châu Xem đang leo cây thốt nốt cao hơn 20m
Anh Châu Xem đang leo cây thốt nốt cao hơn 20m

Ngồi dưới bóng cây thốt nốt hơn 40 năm tuổi, anh Xem kể: “Đây là nghề của người nghèo, những người khá hơn không ai đi leo thốt nốt vì nếu sơ suất là đổi cả tính mạng. Nhưng gia đình 4 miệng ăn nhà tôi nhờ nó mà sống”. Theo anh Xem, vùng này còn nghèo, đất đai không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên chỉ có nghề leo thốt nốt là dễ kiếm sống. Vậy là từ năm 15 tuổi, anh đã bắt đầu đi leo thốt nốt thuê. Sau khi lập gia đình, anh đã thuê vườn thốt nốt rồi tự leo lấy nước nấu thành đường bán. Do ở chung với gia đình vợ, nên đến mùa “trèo thốt nốt”, vợ chồng anh ra vườn cất chòi để tiện cho việc thu hoạch.

Hiện vùng Bảy Núi có đến hàng trăm người leo thốt nốt, trong đó có nhiều người có thâm niên hơn 30 năm. Anh Chau Khum nói: “Chúng tôi ngán nhất là leo xuống vì vừa mệt vừa còn phải mang theo đồ nặng, nếu không cẩn thận rất dễ rơi tự do, nhẹ thì gãy chân còn nặng hơn thì...”.

Khác với leo dừa, những người leo thốt nốt phải chuẩn bị những cây tre có mắt lớn cột chặt vào thân cây thốt nốt làm thang. Thường những người trèo cây thốt nốt không có đồ bảo hộ lao động mà chỉ có con dao, chiếc kẹp tre và những chai nhựa. Anh Châu Lanh (40 tuổi) tâm tình: “Sức mình leo chừng 50 cây thốt nốt trong một ngày là vừa, nếu cứ tiếp tục ráng thêm sẽ rất nguy hiểm, lỡ có sơ suất ai sẽ nuôi vợ, nuôi con”.

Nhà nhà đỏ lửa

Những ngày đầu mùa khô này đi khắp vùng Bảy Núi nơi nào cũng thấy các lò nấu đường thốt nốt đỏ lửa. Đi trên các con đường ở các phum, sóc của xã An Lợi, Châu Lăng, Văn Giáo, An Cư… dễ dàng ngửi được hương thơm ngào ngạt của đường thốt nốt. Năm nay, bà con phấn khởi vì giá đường bán tại lò cao hơn so với năm trước, cuộc mưu sinh cũng vì thế thêm phần náo nhiệt.

Người dân Tri Tôn (An Giang) nấu đường thốt nốt
Người dân Tri Tôn (An Giang) nấu đường thốt nốt

Nhờ nghề nấu đường thốt nốt mà gia đình anh Chau Sóc Dên (xã Châu Lăng) có cuộc sống ổn định. Anh phấn khởi nói: “Từ khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật khai thác và chế biến, đường do gia đình nấu có giá bán cao hơn. Hiện mỗi ngày gia đình cung cấp từ 25-30kg đường, với giá bán 35.000 đồng/kg. Trước đây có 10 nhà leo thốt nốt nay chỉ còn lại 2 - 3 nhà trong ấp, họ đã bỏ nghề vì ngại nguy hiểm hoặc đã kiếm nghề ổn định hơn”.

Theo thống kê của các ngành chức năng, thốt nốt tập trung ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với số lượng trên 60.000 cây, mỗi năm thu hoạch khoảng 6.000 tấn đường. Sản lượng đường hàng năm tăng khoảng 10% do tuổi thọ cây càng cao lượng đường nấu được càng nhiều. Đường thốt nốt có 2 loại là đựng trong keo và đường tán tròn, giá bán là 50.000 đồng/kg.

Thời điểm này về vùng Bảy Núi không khó để thấy sản phẩm từ thốt nốt có mặt khắp nơi từ hàng quán, chợ hay chỉ là chòi nhỏ ven đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ