“Đặt cọc” cô dâu khi mới 15
Tìm về nơi có tập tục lạ đời, chúng tôi gặp ông Lê Văn Đức - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp An Lợi, xã An Hảo và được ông kể rằng, quan niệm của người Khmer vùng này là con gái phải lấy chồng sớm, từ dưới 20 tuổi.
Đối với thiếu nữ bước qua tuổi 22 được xem là “ế”, ít người hỏi tới. Một số người Khmer cũng quan niệm về nhà giàu phải kết sui gia với nhà giàu, tức môn đăng hộ đối… “Người Khmer rất sợ chuyện cưới vợ cho con trai. Của hồi môn là vài cây vàng, thuê trống hết 5 triệu, đàn cò 2 triệu, trưởng tộc 1,5 triệu, nấu nước trà, đồ cưới, quay phim, chụp ảnh… trên chục triệu nữa.
Chưa tính trong 3 ngày cưới phải đãi ít nhất 300 lít rượu đế. Ngoài khoản tiền thuê trưởng tộc, nhà trai còn phải biếu ông này cái đầu heo mang về. Nhà nào có 2 - 3 người con trai lấy vợ thì nghèo… 3 đời luôn!”, trưởng ấp Đức cho hay.
Những gia đình Khmer muốn cưới vợ cho con thường tìm đến những nhà có con gái đặt cọc trước vài năm. Nhớ chuyện hết nhà này đến nhà khác ngỏ ý con mình, ông Đức kể tiếp: “Cách nay một tháng, ông Chau Ri ở ấp An Lợi thấy con gái tôi đẹp nên đến ngỏ lời làm sui, bởi ổng có đứa con trai hơn 20 tuổi. Lúc đó tôi nói con đang học và mới 17 tuổi nhưng ổng một hai bảo đặt cọc xong để đó khi nào xong 12 sẽ cho cưới. Dù mình không nhận lời nhưng thường ở đây đặt cọc từ 1 - 2 cây vàng cho bên nhà gái”.
Ông Hen, ông Đức xem lại sổ ghi của hồi môn của người dân |
Theo một số người dân trong vùng, các nhà trai thường đến nhà gái ngỏ lời đặt cọc khi những thiếu nữ này chỉ mới 14 - 15 tuổi.
Sau khi nhận tiền đặt cọc mà bên nhà gái hủy hôn ước là phải bồi thường gấp đôi, gấp ba. Ngoài ra việc bồi thường này còn bao gồm những ai ngoại tình. Là trưởng ấp nên hòa giải nhiều lần liên quan đến chuyện hôn nhân, ông Đức nhớ lại:
“Trước đó con ông C. L. cưới vợ gần xóm nhưng mới 2 tháng vợ chồng anh này đã kéo nhau lên thành phố làm công ty. Do xa gia đình nên cô vợ nhiều lần điện về hỏi thăm và chàng trai nghi vợ có bồ dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Dù được mọi người vận động đổi công ty nhưng cả hai không đồng ý, dẫn đến ly hôn. Phía đàng trai cho rằng cô này bội ước nên lấy lại hết của hồi môn trước đó”.
Người Khmer còn có đặc điểm là vui chơi thoải mái, có gì trong nhà cũng sẵn lòng mang ra đãi bạn. Tuy nhiên chuyện đất đai, tiền bạc với họ phải rõ ràng, sòng phẳng. Họ nghèo khó gì cũng không bán đất, bởi xem đó là “báu vật” của người thân.
“Cách nay một năm, tôi mời đám cưới con và ông C. S (đã mất) đi 200 ngàn đồng. Sau đó 3 tháng, ông này mời lại thôi nôi của cháu ổng nhưng do bận việc quá vợ chồng quên. Thế là hôm sau ổng đến nhà mình hỏi: Tao đi đám con mày sao lại không đi đám của cháu tao. Thấy ngại và mọi chuyện đã qua nên mình nói nữa sẽ đi bù. Trường hợp đòi thẳng mặt trên địa bàn nhiều lắm!”, ông Đức tâm sự.
Mừng cưới bằng 3 giạ lúa
Tập tục lễ cưới của người Khmer diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu, thanh niên cả xóm kéo nhau đến nhà gái dựng rạp và ăn nhậu. Sang ngày thứ hai là lễ chánh, dòng họ nhà đàn trai tìm nhà một người quen gần chỗ cô dâu đến đó ở, nhằm kịp giờ khi buổi lễ diễn ra.
Trước khi đưa chú rể đến nhà cô dâu, tại nhà chú rể có đặt đầu heo, chuối cúng, rồi ông trưởng tộc đứng ra sinh hoạt nội quy. Tiếp đến, nhà trai sẽ dẫn chú rể và dòng họ đưa sang nhà gái.
Lúc này cô dâu, chú rể ngồi trên ghế, rồi có người cắt tóc họ mỗi người một mớ cho vào ca chứa nước. Sau đó, ông trưởng tộc buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay cô dâu và chú rể, rồi đưa họ sang phòng bên cạnh làm lễ.
Đến 19 giờ tối cùng ngày, cô dâu, chú rể ngồi xếp chéo chân. Lúc ấy có từ 4 - 10 nhà sư để đọc kinh chúc phúc cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc.
Sau lễ này cô dâu, chú rể cùng họ hàng hai bên tham gia nhảy lam thon trong dàn nhạc ngũ âm đặc trưng của dân tộc Khmer cùng một vài nhạc cụ khác.
Ngày thứ 3, trưởng tộc đứng ra điều hành buổi lễ rồi mời cô dâu, chú rể ngồi đọc kinh. Kế đến là lễ chịu lạy, hay còn gọi là đi tiền. Ông trưởng tộc xướng danh ai là ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì, dượng… hai họ, ai mừng cưới cho cô dâu, chú rể bao nhiêu tiền, vàng sẽ được đọc lớn lên.
Bên cạnh đó, tiền nhà trai phụ đám cho nhà gái bao nhiêu cũng được công bố. Mục đích của việc công khai tài chính trong lễ cưới này là nhằm phòng ngừa chuyện không hay xảy ra khi có tranh chấp sau này.
Ở lễ công khai tài chính tiền, vàng mừng cưới và cho của hồi môn này xảy ra một câu chuyện hết sức đặc biệt, mà chỉ trong đám cưới của đồng bào dân tộc Khmer. Đó là chuyện cho tiền cô dâu, chú rể dưới hình thức… thiếu chịu.
Đó là người thân của cô dâu, muốn đi tiền mừng cưới cho cô dâu, chú rể nhưng không có tiền mặt. Thế là họ lấy viết ghi vào ruột thiệp cưới nội dung: “Chú thiếm đi 200 ngàn, tới lúa lại lãnh”, “Tao đi 3 giạ lúa”…. Sau đám cưới, đến mùa thu hoạch cặp vợ chồng son ấy tới ruộng của người nợ tiền lấy lúa đem về phơi hoặc bán.
Là một trong những cặp vợ chồng được mừng cưới bằng lúa tươi, anh Chau Chét Tra (31 tuổi) và vợ Nèang Sóc Khum (32 tuổi, ngụ ấp An Lợi) kể rằng, năm diễn ra đám cưới của vợ chồng có 8 người đi lúa, ít nhất 1 táo, nhiều 2 giạ. Ngoài ra, có 6 gia đình đi chịu tiền, mỗi nhà 100 - 200 ngàn đồng. Sau đám một tháng, vợ chồng được những gia đình này kêu đến lấy tiền và lúa.
Có thâm niên làm trưởng tộc hơn 20 năm khắp vùng Bảy Núi, ông Chau Hen (87 tuổi, ngụ ấp An Lợi), cho biết: “Việc đi đám cưới bằng lúa trước giờ xảy ra nhiều lắm, không chỉ người trong dòng họ mà cả dân trong xóm, còn giờ lâu mới có. Từ ngày tôi làm trưởng tộc đến nay là hàng chục đám. Trung bình mỗi thiệp đi từ 1 - 3 giạ. Việc người dân chọn cách đi lúa là lúc họ đang gặp khó về tiền bạc. Lúa mừng cưới cô dâu chú rể có thể làm lúa giống hoặc đem bán lấy tiền”.
lễ rước dâu của đồng bào dân tộc Khmer |