Giống hoa cũ nhưng kỹ thuật mới
Năm nay, ông Trần Văn Xê (49 tuổi, ngụ P. Long Hòa, Q. Bình Thủy, Cần Thơ) đã chuẩn bị gần 2000 chậu hoa các loại, trong đó nhiều nhất là hoa cúc Đài Loan và mâm xôi.
Đặc biệt, từ giống cúc Đài Loan thông thường trên thị trường bông, ông Xê đã "kéo chân" cho những chậu cúc bán ra thị trường vừa đáp ứng nhu cầu chưng dịp tết, vừa nâng cao giá trị hoa Tết.
Những chậu cúc Đài Loan "chân dài", với chiều cao xấp xỉ người trưởng thành (cao từ 1,2 - 1,5m) đã khiến nhiều người dân đến xem và mua về rất thích thú bởi cách làm mới lạ, sáng tạo.
Theo ông Xê, hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa, để đổi mới, sáng tạo cây cũ ông đã luôn tìm tòi, học hỏi những cách làm mới để tạo ra cây kiểng mới lạ trong ngày tết và mang lại hiệu quả cao.
Những chậu cúc bình thường chỉ đạt chiều cao khoảng 50 - 60 cm hoặc 70 - 80cm là đạt đỉnh cao, Ông đã nghiên cứu và học hỏi từ các nhà vườn ở tận Khánh Hòa để “kéo chân” cho cúc lên cao từ 1,4 - 1,5m.
Anh Xê cho biết: Sau khi học hỏi kinh nghiệm kéo chân cho hoa, vụ hoa Tết năm nào tôi cũng thử nghiệm khoảng hơn 10 chậu cúc pha lê (như giống hoa mà các nông dân ở miền Trung làm thành công), nhưng thất bại 2 năm liền. Theo ông Xê, nguyên nhân có thể là do cúc pha lê phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của miền Trung.
"Vì vậy, ông Xê đã quyết định chuyển sang thử nghiệm với giống cúc Ðài Loan, giống cúc có trên thị trường, nhưng kỹ thuật trồng thì mới và đã thành công. Do năm đầu tiên trồng thử nghiệm nên tôi chỉ trồng khoảng 50 cây”, ông Xê vui vẻ nói thêm.
Ông Thanh Duy, một người dân đến mua kiểng chia sẻ: Đó giờ tôi chỉ biết cúc cao tẩm nửa thân người, nghe nói có "cúc chân dài" mới lạ nên cũng đến đây xem và mua về vài chậu để trưng trong những ngày Tết đến.
Còn theo chị Thanh Hà, ngụ tại quận Bình Thủy chia sẻ: Tôi cao còn chưa tới mét rưỡi, khi bước vào giữa vườn "cúc chân dài" của ông Xê thì gần như lọt thỏm trước những chậu hoa nơi đây.
"Nghe người ta đi phẫu thuật kéo chân thì nhiều nhưng kéo chân cho hoa cúc thì đó giờ tôi mới nghe lần đầu, tận mắt thấy thì công nhận hoa lạ mà đẹp thiệt", bà Hà nói.
Đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc của người trông
Theo thông tin từ một số nhà vườn thì cúc là một loại hoa dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên đòi hỏi kỹ thuật cao và cực công chăm sóc của người trồng. Do đó việc “kéo dài chân” cho cúc cũng khó gấp nhiều lần.
Theo ông Xê, để trồng cúc Ðài Loan chân dài, thời gian xuống giống sẽ sớm hơn 1 tháng so với cách trồng truyền thống.
"Thông thường thì tôi trồng cúc Đài Loan rơi vào độ rằm tháng 8 âm lịch. Nhưng để kéo chân thì phải trồng trước 1 tháng, vào độ rằm tháng 7 âm lịch.
Khi cây đạt độ cao khoảng 50cm thì tôi tiến hành xông đèn, với ánh sáng 24/24 giờ cây sẽ không ngủ và liên tục phát triển để đạt độ cao yêu cầu. Thời gian xông đèn khoảng 45 ngày, sau đó phải tiến hành cắt đèn trước tết 2 tháng, để cúc theo cơ chế đã được thiết lập sẽ theo đà phát triển và có thể kịp nở hoa đúng dịp tết”, ông Xê tiết lộ.
Theo kinh nghiệm của ông Xê, để “kèo chân dài” thành công cho cúc thì mật độ để các chậu hoa sẽ thưa hơn so với trồng thông thường để cây đón luồng ánh sáng toàn diện.
Ngoài ra, với chậu cúc chân dài thì chỉ chừa mỗi chậu 150 bông. Sau đó tiến hành tuyển lựa, cắt tỉa để bông đều đẹp và chiều cao bằng nhau nên chỉ còn khoảng 100 bông.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc cũng lắm khó khăn, bởi phải xông đèn liên tục nên thường thu hút sâu, rầy đến phá hoại nhiều hơn. "Tôi phải theo dõi cây liên tục, từng ngày một để kịp thời phát hiện và xử lý sâu, rầy. Cũng như phải phun thuốc thường xuyên và liên tục để cây phát triển tốt. Cây nào yếu, xấu, lùn phải tuyển lựa bỏ ra, bởi vậy hao lắm”, ông Xê nói.
Giá cúc thông thường có giá bán khoảng 100.000 đồng/chậu, nhưng sau khi được ông Xê “kéo chân dài” thì được bán ra thị trường với giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/chậu.