Tìm tiếng nói chung
Cách đây 8 năm, nhiều trường nghề khi nói đến việc hợp tác với doanh nghiệp thì “cành cao” với suy nghĩ: Doanh nghiệp cần thì đến. Trường không có nhiệm vụ phải đi kết nối hoặc thiết lập quan hệ với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng coi việc đào tạo không liên quan đến mình. Bỏ tiền ra đầu tư cho nhà trường thì hóa ra đi làm từ thiện?
“Chúng tôi nhiều khi thấy bất lực đến phát khóc vì hai bên không tìm được tiếng nói chung. Nhưng rồi để “se duyên” nhà trường – doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành logistics, chúng tôi đã tìm được cách” – bà Bùi Thị Ninh chia sẻ.
Các cơ quan hữu quan đã tạo các diễn đàn để nhà trường và doanh nghiệp cùng trao đổi, lắng nghe, tham quan, tìm hiểu thực tế hai bên, tổ chức các hội thảo để cùng phân tích mối lợi của việc kết nối... Mưa dầm thấm lâu, hiệu trưởng các trường bắt đầu xin bản mô tả công việc từ doanh nghiệp để về xem lại giáo trình đào tạo, từ đó có sự điều chỉnh trong nhà trường.
Tổ chức chuyến thực địa tại doanh nghiệp để giáo viên thấy cần thay đổi những gì, mở rộng tầm mắt, nhận thấy được vai trò của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đào tạo nghề… Phía doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ khi tiết kiệm chi phí đào tạo, có nguồn nhân lực cao. Hai bên cởi mở, ngồi với nhau tìm tiếng chung, cùng nhìn về một hướng.
Đáng chú ý chính là sự thay đổi từ cấp quản lý Nhà nước - Tổng cục GD nghề nghiệp - đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của doanh nghiệp trong công tác đào tạo, từ đó có những chính sách, động thái nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tốt để hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp tăng lên.
|
Trái ngọt
Theo các chuyên gia, ngành logistics có ảnh hưởng đến nhiều ngành và sự cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Chính phủ và các bộ ngành liên quan, các cơ sở GD - ĐT, đại diện cộng đồng doanh nghiệp như VCCI… đều quan tâm đến sự phát triển nhân lực trong ngành này nhằm giảm bớt chi phí logistics, nâng cao sự cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ đã có những chỉ đạo thể hiện chiến lược, tầm nhìn phát triển ngành này tại Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Ninh, trong suốt quá trình phát triển, vận hành của các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng và doanh nghiệp nói chung, vẫn chưa thấy được mảng đào tạo về nghề cho nguồn nhân lực trong ngành logistics.
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, cần sự phối hợp đồng bộ từ việc hướng nghiệp, thay đổi nhận thức của xã hội, các bạn trẻ, gia đình…, thông tin về nghề nghiệp phải nhiều hơn, các trường nghề làm tốt hơn trong đào tạo GV, chương trình đào tạo, thực hành, chương trình thực tập phải thực tế hơn, gắn với doanh nghiệp, truyền thông nghề nghiệp...
Trong khi đó sự phát triển của ngành logistics đang ngày càng lớn, kéo theo đó là nhu cầu về nguồn nhân lực. Theo dự báo của Sở LĐ – TB&XH TP HCM, đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ logistics tại TP HCM lên tới 170.000 người.
Nắm bắt được nhu cầu thực tế, Trường CĐ Kỹ nghệ 2 (TP HCM) đã cử giáo viên tập huấn cùng chuyên gia Australia, hiểu thêm về tiêu chuẩn nghề và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, chiến lược kết nối doanh nghiệp…
Năm 2019, trường sẽ tung nhiều đội tư vấn tuyển sinh ngành logistics đến các trường phổ thông tuyển sinh cho mã ngành mới này.
Mối quan hệ doanh nghiệp - nhà trường giờ đã “ấm hơn” nhưng vẫn còn lỏng lẻo. Bà Mai Thị Thúy - Trưởng Bộ môn Kinh tế Trường CĐ Kỹ nghệ 2 - cho biết: “Đôi khi ngồi trên bàn thương thảo, doanh nghiệp rất nhiệt tình, mong muốn được gắn kết với nhà trường trong đào tạo. Nhưng bàn thảo xong, đi vào thực tế thì hai bên lại có khoảng cách. Trường tha thiết cần doanh nghiệp, còn doanh nghiệp có lúc lại rất thơ ơ...”.
Còn bà Bùi Thị Ninh nhận định: Theo quan sát của VCCI, phải có sự hỗ trợ từ bên thứ ba như một số dự án phát triển, VCCI, các hiệp hội… Để có một hệ thống chính thống, cần một hành lang pháp lý rõ ràng và đủ mạnh để khuyến khích các bên tham gia.
Trên thực tế, có một số trường và doanh nghiệp kết nối rất tốt. Nhưng đó là những doanh nghiệp tiên phong. Còn nhìn bề rộng thì chưa nhiều. Hiện tại, các doanh nghiệp tham gia hầu hết là doanh nghiệp lớn, có quy mô, chiến lược phát triển nguồn nhân lực rõ. Còn số đông doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ thì chưa thấy được mô hình tốt để tham gia, học tập.
Rõ ràng, “phá băng” quan hệ nhà trường - doanh nghiệp đã là bước tiến lớn. Nhưng vẫn cần thêm lửa để làm nóng mối quan hệ này trong thời gian tới.