Độ tuổi phù hợp để tiêm vắc-xin cho trẻ

GD&TĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa phê duyệt loại vắc-xin phòng Covid-19 nào cho lứa tuổi 3 - 12 tuổi.

Vắc-xin phòng Covid-19 của Moderna và Pfizer có hiệu quả cao trên trẻ em.
Vắc-xin phòng Covid-19 của Moderna và Pfizer có hiệu quả cao trên trẻ em.

Chưa có vắc-xin Covid-19 cho trẻ 3 - 12 tuổi

Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Trong các loại vắc-xin được cấp phép tại Việt Nam đến nay, có vắc-xin Pfizer được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm cho trẻ.

Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhấn mạnh, cần chọn vắc-xin phòng Covid-19 an toàn nhất cho trẻ. Chuyên gia này nhận định, vắc-xin phòng Covid-19 do Cuba sản xuất là an toàn đối với trẻ.

Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Thu Anh - chuyên gia dịch tễ thuộc nhóm 5F dẫn chứng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa phê duyệt loại vắc-xin phòng Covid-19 nào cho lứa tuổi 3 - 12 tuổi.

Chuyên gia này nhận định, các tỉnh thành hiện thiếu vắc-xin để tiêm mũi 1. Số ca nhiễm tại nhiều tỉnh đang tăng, trong khi tỷ lệ tiêm vắc-xin tại những khu vực đó vẫn thấp. Nhóm 5F gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, xã hội học, dược sĩ, chuyên gia y tế công cộng,... tập hợp những thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19.

Theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, hiện, FDA và EMA đã phê duyệt vắc-xin Pfizer cho trẻ em 12 - 15 tuổi (sử dụng cùng liều lượng như người lớn). Theo kết quả thử nghiệm của Pfizer, vắc-xin này đạt hiệu lực 100% ở trẻ 12 - 15 tuổi.

Pfizer công bố vắc-xin có tính sinh miễn dịch cao và an toàn với trẻ 5 - 11 tuổi. Pfizer cũng đã nộp hồ sơ xin FDA phê duyệt khẩn cấp. Công ty hiện thử nghiệm vắc-xin ở trẻ 6 tháng - 2 tuổi và 2 - 5 tuổi.

Đối với vắc-xin Moderna, EMA đã phê duyệt cho trẻ em 12 - 17 tuổi với nhận định hiệu quả và tác dụng phụ tương tự ở người lớn. Chưa phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ vị thành niên và không ghi nhận ca nhiễm ở thời điểm 2 tuần sau tiêm mũi 2.

Moderna hiện được thử nghiệm trên trẻ 6 tháng - 12 tuổi. Ngoài ra, vắc-xin AstraZeneca cũng đang thử nghiệm ở trẻ 6 - 17 tuổi.

TS.BS Nguyễn Thu Anh dẫn chứng, vắc-xin Verocells hiện được thử nghiệm lâm sàng pha 1/2 ở trẻ 3 - 17 tuổi. Kết quả cho thấy, vắc-xin an toàn và tạo ra đáp ứng miễn dịch khi tiêm đủ 2 liều. Song, vắc-xin này chưa được phê duyệt sử dụng cho trẻ em vì chưa có kết quả thử nghiệm pha 3.

Bên cạnh đó, vắc-xin Covaxin đã hoàn thành thử nghiệm pha 2/3 cho trẻ 2 - 18 tuổi, nhưng chưa có công bố trên báo khoa học. Các vắc-xin khác cũng đang tiến hành thử nghiệm trên trẻ nhỏ (Novavax của Mỹ, Covaxin xịt mũi của Ấn độ, Sputnik xịt mũi của Nga).

Cần có chương trình giám sát

Chia sẻ về vấn đề tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) cho biết, cần quan tâm đến độ tuổi 3 - 11. Giáo sư Tuấn nhận định, ngay cả khi có vắc-xin cũng chưa nên tiêm cho trẻ em từ 3 - 11 tuổi.

“Lý do là chúng ta chưa có bằng chứng khoa học về hiệu quả của vắc-xin trong nhóm tuổi này. Nghiên cứu về hiệu quả vắc-xin chỉ giới hạn trong tuổi 12 - 15 (đối với vắc-xin Pfizer) và 12 - 17 (đối với vắc-xin Moderna)”, chuyên gia cho  biết.

Ngoài ra, theo Giáo sư Tuấn, việc tiêm vắc-xin loại nào cho trẻ cũng là vấn đề quan trọng. Chuyên gia này dẫn chứng, hiện, có 2 vắc-xin được nghiên cứu cho trẻ em là Pfizer và Moderna và mang lại hiệu quả 100%.

“Tiêm vắc-xin cho trẻ em lúc nào cũng gây ra nhiều tranh cãi vì đây là độ tuổi quan trọng. Vấn đề không chỉ đơn giản là triển khai tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em. Vấn đề là Nhà nước phải có chương trình giám sát và hệ thống báo cáo để theo dõi, thu thập các biến chứng xảy ra. Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em cần phải được suy nghĩ cẩn thận”, Giáo sư Tuấn nhận định.

Theo chuyên gia này, trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ, cần lưu ý rằng, nguy cơ nhiễm Covid ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn. Ngoài ra, triệu chứng ở trẻ em không kéo dài như người lớn.

“Số ca nhiễm ở thiếu niên dưới 19 tuổi chiếm khoảng 24% tổng số ca nhiễm trong cộng đồng (số liệu ở Australia) và rất hiếm ai tử vong. Không có ca tử vong nào dưới 10 tuổi”, Giáo sư Tuấn dẫn chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ