Dự kiến từ 22/10 tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi ở TP Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Dự kiến việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu từ ngày 22/10 và sẽ có khoảng 780.000 trẻ em trong độ tuổi này được tiêm chủng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế đã có tờ trình gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại Thành phố theo công văn hướng dẫn của Bộ Y tế ngày 14/10.

Dự kiến việc tiêm chủng bắt đầu từ ngày 22/10 và sẽ có khoảng 780.000 trẻ em trong độ tuổi này được tiêm chủng.

Do đối tượng lần này là trẻ em nên Sở sẽ lên kế hoạch chu đáo và tiến hành tiêm cẩn thận để đảm bảo an toàn cao nhất.

Với năng lực, tốc độ tiêm chủng hiện nay, có thể trong 1 tuần TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho đối tượng này.

Chia sẻ về việc phân cấp độ dịch của Thành phố hiện nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin: Theo 3 tiêu chí đánh giá của Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” TP Hồ Chí Minh đang ở tạm mức 3 – vùng cam và có thể sẽ chuyển xuống cấp độ mức 2 - vùng vàng trong vài ba ngày tới.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Thành phố đã giảm dần trong 14 ngày qua, ở mức từ 1.000-1.500 ca mắc mới/ngày.

Số lượng bệnh nhân xuất viện cũng cao hơn số nhập viện, số ca bệnh nặng giảm dần, số ca tử vong giảm liên tục.

Tuy nhiên, căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ ca mắc/100.000 dân/tuần thì TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức cao.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin của Thành phố đã đạt 98% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 7% đã tiêm mũi 2.

Dựa theo cấp độ dịch mà Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành thì TP Hồ Chí Minh đang tạm ở mức 3 – vùng cam.

Theo nhận định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố chưa thể chuyển sang trạng thái bình thường mới bởi mới cơ bản kiểm soát được dịch và bước qua cấp độ thấp hơn (từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3).

Vì thế, rất cần tiếp tục có sự chung sức của người dân cùng có ý thức tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giúp Thành phố sớm bước sang cấp độ 2, rồi mới tiến tới mức độ thấp nhất là mức độ 1 – bình thường mới.

Thời gian tới, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành hướng dẫn các quận, huyện, phường, xã tiêu chí phân loại cấp độ để đánh giá và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo từng địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.