Theo PGS. Andrea Breen đến từ Đại học Guelph, ngày càng nhiều người trẻ ở phương Tây chọn sống cùng với bố mẹ thay vì chuyển ra ở riêng.
Một phần nguyên nhân lý giải cho điều này là vì lý do kinh tế. Trong đó, việc kết hợp thu nhập giữa các thành viên trong gia đình sẽ đảm bảo các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống bao gồm nhà ở, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Trong số các quốc gia ở châu Âu, Montenegro, Croatia, Slovakia và Ý là những nơi thanh niên trẻ ở cùng bố mẹ lâu nhất.
Theo dữ liệu của Eurostat, năm 2018, độ tuổi trung bình người trẻ rời khỏi nhà cha mẹ trên toàn Liên minh châu Âu là hơn 25 tuổi. Năm 2017, dữ liệu của Eurostat cho thấy 35,3% nam giới có độ tuổi từ 25 - 34 tuổi vẫn sống với cha mẹ, trong khi nữ giới cùng tuổi là 21,7%.
Quốc gia có tỉ lệ người trẻ sống cùng cha mẹ thấp nhất là ở Đan Mạch (3,2%), Phần Lan (4,7%) và Thụy Điển (6%). Trong khi cao nhất là ở Croatia (59,7%), Slovakia (57%) và Hy Lạp (56,3%).
Độ tuổi trung bình người trẻ rời cha mẹ ra ở riêng tại các quốc gia.
Còn theo dữ liệu của Statista năm 2018, độ tuổi trung bình khi thanh thiếu niên Montenegro rời khỏi gia đình là 32,8 tuổi. Croatia ở vị trí thứ hai với độ tuổi trung bình là 31,8; Slovakians đứng thứ ba là 30,9 tuổi; Người Ý xếp ngay sau đó với độ tuổi trung bình là 30,1.
Cũng theo PGS. Andrea Breen, một lý do quan trọng khác khiến người trẻ rời khỏi nhà muộn là do nhu cầu chăm sóc gia đình. Đặc biệt, những người trẻ tuổi ở Canada, Úc, Mỹ hay Anh rất tích cực tham gia vào việc chăm sóc cho các thành viên trong gia đình.
Một lý do thứ ba là về văn hóa, trong đó quan niệm việc những người trẻ trưởng thành và rời khỏi nhà không phải là chuẩn mực của nhiều nền văn hóa. Thay vào đó, người lớn tuổi cần phải được chăm sóc bởi các thành viên gia đình và hạnh phúc gia đình là trách nhiệm chung của mọi người.
PGS. Andrea Breen tiếp tục phân tích việc sống cùng cha mẹ sẽ đem lại những ảnh hưởng như thế nào.
“Gần đây tôi biết tới câu chuyện về một cặp vợ chồng đã thắng kiện khi đuổi cậu con trai 30 tuổi ra khỏi nhà. Đây dường như là một ví dụ cực đoan về xung đột trong gia đình liên quan đến việc một đứa con sống quá lâu cùng với cha mẹ”.
Còn theo tờ The Guardian, tại Anh, số lượng người trẻ chọn sống cùng cha mẹ đã tăng lên đáng kinh ngạc trong suốt hơn 20 năm qua. Cụ thể, năm 1997, 19,48% người trẻ tại Anh từ 20 - 34 tuổi sống cùng cha mẹ; trong khi vào năm 2017, con số này là 25,91%.
Điều tương tự trên cũng xảy ra tại Hoa Kỳ. NBC đã dẫn dữ liệu thông qua điều tra dân số thu thập được, trong đó, 1/4 người dân California trong độ tuổi từ 25 - 33 tuổi vẫn đang sống với cha mẹ.
Có nhiều lý do lý giải cho hiện tượng này, nhưng sự ổn định tài chính và khả năng chi trả ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định người trẻ có nên ở cùng bố mẹ hay không.
Ngoài ra cũng có nhiều lý do khác. Theo The Economist, giá nhà hiện đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Tại Hoa Kỳ, vào năm 1959, một giáo viên sẽ kiếm được 5.200 đô la một năm, trong khi một ngôi nhà trung bình ở California có giá 12.788 đô la.
Còn ngày nay, các giáo viên sống ở San Francisco có mức lương trung bình là 72.340 đô la, nhưng muốn mua một ngôi nhà trong thành phố phải cần đến 1,61 triệu đô la.
Tuy nhiên, cũng không phủ nhận là hiện nay, những người trẻ cũng quan tâm đến gia đình nhiều hơn trước.